Bí mật tuyệt đối quanh các đề thi ở Hàn Quốc

Thể Thao & Văn Hóa, Theo 16:26 09/11/2013

Hằng năm, cứ đến tháng 10, hàng trăm thầy giáo và giáo sư ở Hàn Quốc lại sống cảnh bị cách ly trong một khu nhà bí mật, được canh gác cẩn mật. Họ thực tế là tù nhân của nỗi ám ảnh giáo dục tại Hàn Quốc.

Cuộc thi đại học ở Hàn Quốc mới bắt đầu hôm 6/11 trong đó có sự đóng góp công lao không nhỏ của nhóm khoảng 700 thầy giáo, giáo sư bị cách ly kể trên.

Những đề thi quyết định cả đời người

Trong vòng 1 tháng, họ sẽ ở trong tình trạng bị cách ly tuyệt đối, trong những điều kiện giống như người bị giam lỏng. Nhiệm vụ duy nhất của họ là soạn ra các đề thi đầu vào đại học có tầm quan trọng đặc biệt có thể vắt kiệt khả năng trí tuệ của các thí sinh và khiến cha mẹ các em căng thẳng không kém.

Tiến trình cách ly và tạo đề thi bắt đầu từ giữa tháng 9 mỗi năm, khi giới chức giáo dục nhà nước tự tay lựa chọn ra các giáo sư đại học và các thầy giáo nổi tiếng nhất nước, trong các bộ môn từ toán tới tiếng Anh.

Hoạt động tham gia tạo đề thi diễn ra tự nguyện. Mỗi người tham gia tạo đề thi được thưởng khoảng 10.000 USD cho công sức của họ. Nhưng đổi lại, không ai được phép rời khỏi khu vực cách ly, vốn nằm trong nhiều lớp rào, được camera giám sát, dưới sự canh chừng an ninh của cảnh sát, bảo vệ.

Bí mật tuyệt đối quanh các đề thi ở Hàn Quốc 1
Thi đại học được coi trọng rất cao ở Hàn Quốc, do nó ảnh hưởng lớn tới tương lai của mỗi học sinh

Tất cả điện thoại di động đều bị tịch thu tại khu vực cách ly. Những người trong khu cách ly cũng không được dùng điện thoại hoặc truy cập internet. Điều này có nghĩa họ không thể liên lạc với bạn bè hoặc gia đình.

"Đây là cuộc thi quyết định cuộc đời của 600.000 thanh niên mỗi năm và nó được các phụ huynh theo dõi chặt. Vì thế tất cả những người tham gia lập đề thi đều hiểu rằng an ninh ở đây rất chặt" - Kwon Oryang, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, người từng đứng đầu hội đồng ra đề thi hồi năm 2012 cho biết.

Cẩn thận không thừa

Các ví dụ gần đây về sự gian lận trước thi cử, dù không liên quan tới cuộc thi đầu vào đại học ở Hàn Quốc, đã cho thấy sự cẩn thận không bao giờ thừa. Trong ví dụ điển hình, cơ quan quản lý cuộc thi SAT của Mỹ, vốn là cuộc thi chuẩn để đăng ký theo học tại các trường đại học ở nước này, đã hủy bỏ các cuộc thi diễn ra trong ngày 4/5 sau khi phát hiện nhiều câu hỏi thi đã xuất hiện trong một số trường ôn luyện ở Seoul.

Trước đó vào năm 2007, hàng trăm thí sinh Hàn Quốc đã bị hủy bỏ kết quả thi SAT, sau khi người ta thấy rằng một số đã xem trước các câu hỏi. Năm 2010, một giáo viên ở một trường ôn thi tại Seoul bị bắt vì tội chuyển các câu hỏi SAT ra khỏi một cuộc thi được tổ chức ở Thái Lan. Các câu hỏi được chuyển tới cho một số học sinh của ông này, những người sẽ tham gia cuộc thi chỉ vài giờ sau đó.

Hồi tháng 5 năm nay, một thầy giáo trường luật ở Seoul cũng bị khởi tố vì đã giúp các thí sinh gian lận trong cuộc thi chứng chỉ tiếng Anh TOEIC bằng cách sử dụng các thiết bị công nghệ cao gồm tai nghe và camera ghi hình siêu nhỏ.

Theo các quan chức Hàn Quốc, sẽ không có gì lọt ra khỏi khu vực soạn đề thi. Thứ duy nhất được mang ra ngoài là thức ăn thừa. Nhưng ngay cả thức ăn thừa cũng bị an ninh kiểm tra kỹ trước khi bị đổ bỏ. Các mẩu giấy nhỏ hay bất kỳ vật liệu bị nghi ngờ nào được tìm thấy trong thức ăn đều sẽ bị nhặt ra và thiêu cháy.

Các vấn đề y tế thông thường được xử lý ngay trong khu cách ly. Bất kỳ ai ốm nặng sẽ được đưa tới bệnh viện, nhưng dưới sự giám sát của một người đặc biệt để đảm bảo bệnh nhân không thực hiện các "giao tiếp không cần thiết" với các bác sĩ và y tá. Trường hợp ngoại lệ khác là khi nhà có người mất. Nhưng người đi về viếng đám ma cũng phải có người tháp tùng.

Những người muốn liên hệ với gia đình phải đệ trình danh sách các câu hỏi ngắn cho các quan chức an ninh. Những người này sẽ gọi điện thay họ và báo cáo câu trả lời.

Một nét văn hóa riêng

Một khi các câu hỏi được tạo xong, chúng sẽ được đưa tới một địa điểm bí mật, an ninh cao khác để in ấn. Tuy nhiên, các giáo viên và giáo sư Hàn Quốc vẫn sẽ bị cách ly cho tới khi ngày thi diễn ra. "Mức độ stress tăng lên đỉnh điểm khi các câu hỏi đã hoàn tất và được gửi đi in ấn, vì anh chẳng phải làm gì và chẳng biết đi đâu nữa" - một người tham gia soạn đề thi đề nghị giấu tên nói. Ông cho biết nhiều người tìm cách giết thời gian bằng chơi cờ, bóng bàn hoặc đơn giản là đi bộ trên cầu thang để tập luyện.

Việc tạo đề thi chỉ cho thấy phần nào sự đầu tư rất lớn của người Hàn Quốc vào giáo dục. Trong thời gian ngồi ghế nhà trường, học sinh Hàn Quốc thường xuyên phải học thêm và học gia sư bên cạnh lịch học chính thức. Mỗi mùa thi, việc học sinh chỉ được ngủ 5 tiếng mỗi ngày là bình thường. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, các bậc phụ huynh ở đây đã bỏ ra 19.000 tỷ won (17,5 tỷ USD) để con cái đi học thêm trong năm ngoái, tương đương 1,5% GDP. Sự đầu tư, kèm theo sức ép quá lớn bị xem là thủ phạm khiến hàng chục học sinh Hàn Quốc tự sát, đặc biệt là quanh các kỳ thi.

Tuy nhiên, những người như Kwon vẫn bênh vực nền giáo dục nước nhà. "Tất cả chuyện này có vẻ kỳ lạ với những người ở bên ngoài Hàn Quốc, nhưng đây là một phần của văn hóa chúng tôi, vốn đề cao giáo dục hơn hết thảy" - Kwon nói.