Bí mật phòng thi của thủ khoa

Mực Tím, Theo 10:46 15/06/2014

Những mẹo nho nhỏ trong phòng thi giúp thí sinh chiếm trọn điểm tuyệt đối ban giám khảo đối với các môn xã hội.<br/>

Kiểm soát thời gian

Khi làm bài thi văn sử địa, các bạn nên chú trọng việc phân chia thời gian cho các câu hỏi dựa trên điểm số của từng câu, câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

Tận dụng triệt để quỹ thời gian cho phép. Khi ra đề, các thầy cô chắc chắn đã tính toán cẩn thận điểm số, thời gian cho mỗi câu hỏi vì thế các bạn không được thưởng điểm nếu làm xong sớm hay ra về sớm đâu nhé!

15 phút cho thành công

Bao giờ cũng thế, bạn nên dành 15 phút đầu tiên để đọc tất cả các câu hỏi trong đề, vạch ra dàn ý đại cương cho mỗi câu hỏi: bạn sẽ trả lời những ý gì? Tốt nhất nên chia theo tiểu mục 1, 2, 3... a, b, c... Cho mỗi ý lớn, nhỏ.

Bạn tuyệt đối không được bỏ qua công đoạn này, đặc biệt đối với việc lập dàn ý cho các câu hỏi khó vì khi gần hết thời gian tâm lí ai cũng hoang mang, rất khó tập trung để suy nghĩ ra câu trả lời đúng nhất; chỉ có lúc vừa nhận đề thi, tâm lí còn thoải mái, thời gian còn dư, các bạn mới suy nghĩ tốt.

Và dĩ nhiên bạn dành ít nhất 15 phút cuối để hiệu chỉnh lại bài thi của mình, kiểm tra lỗi chính tả và chỉnh sửa những điều chưa ưng ý và một lần nữa xác định lại các ý chính.


Luôn là người rời phòng thi muộn nhất

Trong kì thi đại học năm ngoái, dù đề thi cả ba môn được đánh giá không khó nhưng tôi luôn tận dụng triệt để 180 phút mỗi môn thi để chăm chút cho bài luận của mình. Tôi bao giờ cũng là người rời phòng thi muộn nhất.

Thực tế, trong suốt 180 phút ấy, tôi không bao giờ ngừng viết để nghĩ ngợi hay suy nghĩ cả. Ngay khi nhận được đề, tôi xác định ngay phải viết cái gì trong giấy nháp, trong khi viết luôn nhìn đi nhìn lại đề thi để chắc chắn tôi đi đúng hướng.

Bỏ mặc tất cả các yếu tố bên ngoài, chỉ tập trung vào trang giấy thi, vào chiếc đồng hồ đeo tay và đề thi bên cạnh. Yếu tố tập trung đặc biệt quan trọng.

Không cần chữ đẹp nhưng phải rõ ràng

Bạn nhớ nhé! Cách trình bày bài thi cũng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt ban giám khảo: bố cục, chữ viết, ý chủ đạo, cách phân chia tiểu mục…

Các bạn không nhất thiết phải có chữ viết thật đẹp nhưng phải thật rõ ràng, dễ đọc. Tốt nhất là dùng ngôn ngữ phổ thông, hạn chế dùng tiếng địa phương trong bài luận vì có thể gây trở ngại cho giám khảo khi nắm bắt nội dung nếu họ không hiểu nghĩa tiếng địa phương bạn sống.

Trình bày bố cục tường minh. Mục đích lớn nhất của việc viết luận là người đọc, người chấm bài thi phải hiểu bạn muốn nói gì. Đừng bắt người khác phải hiểu cho cách viết của mình, bạn viết mà người khác đọc không hiểu thì làm sao chấm điểm.Việc trình bày bài rất quan trọng.

Nhiều bạn được đánh giá là kiến thức nền vững, học thuộc rất nhiều bài nhưng kết quả điểm thi lại không cao bằng người khác chính là vì cách viết luận không rõ ràng, dễ hiểu.

Thường xuyên giải đề thi thử

Ngoài việc đọc, học các môn xã hội tôi thường xuyên giải đề thi thử các năm đại học để rèn khả năng nhận định đánh giá đề. Thực tế trong quá trình ôn thi, tôi không có nhiều thời gian để làm một đề thi 180 phút hoàn chỉnh, vì thế nhiều khi cầm một đề luyện tập, tôi chỉ vạch ra các ý chính, biết chắc mình sẽ viết gì.

Ngoài ra, khi luyện thi, tôi thường làm bài tập trên mẫu giấy thi đại học của Bộ GD&ĐT (bản phôtô) để làm quen với bố cục của mẫu giấy thi.

Các bạn cũng nên tham gia các kì thi thử để luyện tâm lí và áp lực thời gian như khi thi thật. Kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm khiến 180 phút mỗi môn thi của tôi như thoáng qua thôi...

Hy vọng từ những kinh nghiệm bản thân của tôi, các bạn sĩ tử sẽ tìm cho mình cách học hiệu quả nhất trong thời điểm nước rút này và đạt kết quả cao. Cố gắng lên nhé. Chúc thành công!