Bắt tâm lý thầy cô để có điểm kiểm tra tuyệt đối

Quang Khải, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/04/2012

Đôi khi làm đúng cả bài nhưng chưa chắc bạn có điểm tuyệt đối đâu nhé!

Vào thời điểm này, các bài kiểm tra cuối năm đang đến dần với chúng mình, teen nào mà chẳng hy vọng sẽ đạt kết quả cao phải không? Các thầy cô cũng vậy, chỉ luôn mong được đặt bút cho chúng mình điểm 9, 10. Thế nên tại sao teen mình không tạo niềm vui cho thầy cô bằng cách trình bày một bài kiểm tra thật rõ ràng, logic, thông minh và dễ hiểu nhỉ? 

Hướng làm bài của mình là gì nào?

Mỗi thầy cô đều phải dạy và chấm bài cho rất nhiều lớp, mỗi lớp lại có hàng chục học sinh. Chấm bài kiểm tra, tức là thầy cô phải đối đầu với vô số kiểu chữ, kiểu lí luận, nhiều khi thầy cô cũng… chóng mặt. Giúp thầy cô nhìn ngay ra hướng làm bài của mình chính là tạo điều kiện cho bài làm của mình đạt điểm cao.



Chẳng hạn, trước khi lao vào giải luôn một bài Toán, hãy viết một câu diễn giải thể hiện rằng bạn dựa vào những kiến thức nào để làm bài kiểm tra đó. Khi chấm điểm, thầy cô sẽ biết ngay bạn có hiểu bài và có định hướng đúng hay không (mà việc định hướng cách làm là yếu tố quan trọng nhất khiến bạn có làm đúng bài Toán không đấy!). Nhất là với nhiều bài Toán hóc búa, việc giải chi tiết có thể khiến bạn mất cả trang giấy hoặc hơn, khiến thầy cô tìm ra ý đúng để cho điểm bạn lại càng khó; thì việc định hướng cách làm này lại càng quan trọng.

Dù bạn có sai sót hay tính nhầm thì rất có thể thầy cô sẽ châm chước cho một ít điểm vì bạn đã có cách làm đúng. Còn nếu bạn trình bày cẩu thả và khó hiểu thì có khi chẳng được điểm nào đâu.

Hãy “hào phóng” sử dụng các “biển chỉ đường”

Khi chấm bài, thầy cô thường xem bạn làm được đến đâu để cho điểm. Thế nên, các cột mốc “chỉ đường” rất có lợi cho bạn đấy! Ví dụ, trong một bài tập có nhiều câu a, b, c… bạn hãy đánh số các câu hỏi này trong bài làm của mình sao cho dễ nhìn nhất có thể. Tốt nhất, nên ghi chúng ra ngoài lề kẻ để thầy cô chỉ cần nhìn lướt qua là có thể biết rằng bạn đã làm đủ các yêu cầu của bài tập hay không và từ đó “phân chia” điểm rạch ròi cho các ý.

Nếu mỗi câu a, b, c… lại còn những yêu cầu nhỏ hơn thì các dấu hoa thị (*) cũng là một lựa chọn hữu ích đó. Tuy nhiên, chúng mình cũng lưu ý đừng dùng dấu gạch ngang nhé, thầy cô có thể hiểu lầm nó với dấu âm (-), dẫn đến mất điểm hoặc bạn có thể tính toán sai kết quả.

Đừng “dài dòng văn tự”, hạn chế những đoạn “ruột thừa”

Như phần trên đã nói, khi viết những câu lí giải trước đó rồi thì teen nên cắt bớt các phần tính toán quá dài dòng đi nhé. Không thì bài làm của bạn sẽ chẳng khác gì một… tờ giấy nháp đâu đấy. 

Với các môn tự nhiên, bạn nên ghi công thức tổng quát vào bài, còn phần thay số và tính toán thì làm ra nháp và chỉ ghi kết quả chính xác vào bài làm thôi nhé. Tuy nhiên, điều này chỉ được áp dụng với những phần kiến thức quá phổ thông thôi. Còn các mảng kiến thức mới, hay những công thức cần chứng minh thì đừng “nhảy cóc”, hãy viết đầy đủ ra để thể hiện kiến thức của mình và không bị mất điểm. Nhiều khi một ý nhỏ chứng minh công thức cũng có thể chiếm từ 0.5 cho đến 1 điểm trong bài làm của bạn đấy!



Với các môn xã hội, ngoại trừ môn Văn cần viết “hoa lá cành”, môn còn lại, bạn đừng mất thời gian viết “văn hoa” làm gì. Đã từng có hai bài kiểm tra môn Sử, một bài chỉ 2 mặt giấy được 9 điểm và một bài viết kín 4 mặt chỉ được có 7 điểm thôi. Hay thậm chí trong kì thi đại học có bài Ngữ văn dài tới 13 trang (hơn 3 tờ giấy thi) nhưng cũng chỉ được có 4 điểm. Khi chấm bài, các thầy cô cũng đang đi tìm ý để chấm, mỗi ý đúng sẽ tương ứng với một số điểm trong barem chấm thi. Thế nên, khi làm một bài thi các môn xã hội, bên cạnh việc chú trọng tới ngữ pháp, câu cú, cách hành văn, teen hãy chú ý tới các phần mà câu hỏi đang yêu cầu trình bày nhé, bởi đó chính là những thứ mang tới điểm số cho bài kiểm tra của các bạn đấy! Viết dài dòng nhưng không đúng ý câu hỏi đang yêu cầu sẽ chỉ khiến bạn thêm tốn thời gian dành cho những câu hỏi khác và… mỏi tay thôi.

Hãy ghi đáp số toàn bài rõ ràng

Hãy kết thúc một bài trong đề kiểm tra bằng việc khẳng định lại đáp số toàn bài một cách mạch lạc và rõ ràng. Đáp số ghi ở cuối mỗi bài thực ra lại rất có lợi cho các bạn đấy. Nó sẽ giúp thầy cô chấm nhanh bài của bạn hơn. Chỉ cần liếc qua cách làm và xem phần đáp số, gần như thầy cô có thể quyết định cho bạn điểm số bao nhiêu rồi. Khi trình bày như vậy, teen mình sẽ tạo cho các thầy cô tâm lí thoải mái, dễ chịu và dĩ nhiên là có lợi cho bạn đấy chứ. Mà nếu chẳng may trong tình huống xấu nhất, bạn có nhầm lẫn tí chút trong bài làm mà đáp số vẫn ghi đúng thì thầy cô sẽ nghĩ ngay là “Chắc nó hiểu bài và làm ngoài nháp đúng nhưng lại ghi nhầm vào bài thôi”. Vậy là bạn vẫn gỡ gạc được chút điểm, lợi quá còn gì!

Nếu teen trình bày bài kiểm tra, bài thi theo những mẹo này thì việc đạt được điểm 9, 10 không còn là điều gì đó quá khó với các bạn đâu (Với điều kiện là nội dung bài làm của các ấy phải đúng đấy nhé, việc trình bày chỉ để thầy cô có cảm tình hơn với bài làm của bạn và “bonus” điểm thôi). 

Chúc các bạn có thật nhiều bài kiểm tra tốt nhé!

Cuộc thi TÔI YÊU LỚP TÔI 2012 đã chính thức ra mắt rồi các bạn nhé! Nhanh tay tìm hiểu và tham gia để rinh giải thưởng lên đến 100 TRIỆU ĐỒNG nào cả nhà! 



Website chính thức của cuộc thi: http://toiyeuloptoi.kenh14.vn/