6 hành động tai hại khiến não bạn “chết yểu”

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/06/2014

Bộ não đóng vai trò quan trọng thế nào thì hẳn ai cũng biết. Nhưng có những hành động, thói quen tai hại khiến cho “cơ quan đầu não” dần bị hao hụt và trở nên yếu đuối hơn.

1. Bỏ qua những trang sách hoặc thông tin mà bạn nghĩ rằng nó khó hiểu

Một thói quen tuy không phải tất cả nhưng rất phổ biến ở học sinh, sinh viên hiện nay đó là dễ dàng bỏ qua những trang sách và thông tin khi thấy nó hơi khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu nó. 

Điều khó chấp nhận là ngay cả khi vấn đề chỉ là hơi khó khăn, bộ não chưa kịp suy nghĩ thì bạn đã ngay lập tức bỏ qua nó. Những hành động mang tính liên tục như vậy sẽ khiến bộ não hình thành thói quen và việc này vô cùng tai hại. Nó hình thành một chứng bệnh nan y rất dễ tìm hiện nay là “bệnh lười suy nghĩ”.

Bộ não có cơ chế hoạt động riêng, nó chỉ hình thành các liên kết tạo ra trí tuệ khi được kích thích hoạt động bằng những thông tin từ bên ngoài. Chính vì thế để bộ não không bị “hao mòn”, đồng thời khỏe mạnh và phát triển toàn diện, bạn phải luôn đối diện với những thách thức trong việc tiếp cận với những điều khó hiểu, hình thành trong não thói quen phá vỡ những bức tường tri thức. Và một trong những giải pháp đơn giản là không bỏ qua những trang sách và thông tin khó hiểu khi chưa suy nghĩ “hết nước, hết cái”.



2. Không đặt câu hỏi khi chưa hiểu thấu đáo một vấn đề

Khi chưa hiểu, hãy lập tức đặt câu hỏi nếu có thể, nhưng nếu không có điều kiện hỏi ngay lúc ấy, hãy ghi nhớ câu hỏi đó để hỏi khi có điều kiện cần. Nếu không có điều kiện để hỏi trực tiếp người đặt ra vấn đề, bạn cần phải tìm cách tự đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn chưa tìm ra đáp án và cũng rất tốt nếu bạn hỏi những người khác.

Nhưng tuyệt đối không được xảy ra tình trạng “sợ không dám đặt câu hỏi”, và còn nguy hiểm hơn nữa khi bạn buông xuôi những câu hỏi và quên nó đi mà không tìm câu trả lời, dù bằng cách này hay cách khác. Vì như thế sẽ hình thành một thói quen xấu cho cả tính cách, hành động và bộ não. Về hành động bạn sẽ tiếp tục không dám thể hiện ở những sự kiện lần sau. Về bộ não, não sẽ trở nên trì trệ, ì ạch,…

3. Trả lời “tôi không biết” và chẳng bận tâm đi tìm câu trả lời

Kiến thức vô cùng rộng lớn, vô tận, còn kiến thức của con người thì có giới hạn. Chính vì thế ai cũng có điều đã biết hay điều chưa biết và việc trả lời “tôi không biết” là chuyện quá đỗi bình thường.

Nhưng sai lầm ở chỗ là bạn trả lời là bạn không biết nhưng cũng chẳng thèm bận tâm đi tìm câu trả lời, việc này khiến bạn sẽ mãi chẳng biết đến vấn đề ấy. Một người thành công là người luôn đặt câu hỏi và tìm mọi cách để tìm ra câu trả lời. Đằng này, vế thứ nhất là “đặt câu hỏi” đã được người khác thực hiện và bạn chỉ phải đi tìm câu trả lời, công việc đã dễ hơn một nửa.

Đừng ngại nói “tôi không biết”, nhưng hãy tìm cách để lần sau khi được hỏi lại bạn đã có thể trả lời một cách đơn giản. Nhưng theo tôi con người không nên nói “tôi không biết” mà hãy nói “tôi chưa biết”…

4. Chỉ “sung sướng” với những điều dễ dàng


Tất nhiên ai cũng thích điều dễ dàng và tìm cách đơn giản hóa mọi chuyện phức tạp thành những việc đơn giản. Đó là lí do vì sao tỷ phú Bill Gates nói ông thích làm việc với những người “lười biếng” vì họ luôn “tìm con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công”.

Nhưng đó là việc một người biến những công việc phức tạp thành đơn giản, nó khác với việc một người chỉ luôn thích làm những điều đơn giản. Luôn làm những điều đơn giản sẽ không thể kích thích bộ não lớn lên và đương nhiên sẽ khốn đốn khi bạn gặp phải những việc khó khăn. Chính vì thế, hãy tập sống chung với những điều khó khăn và tìm cách hóa giải nó, bộ não sẽ thích nghi và giúp bạn đối diện dễ dàng hơn khi gặp khó khăn.

5. Sao chép và không tự cố gắng

Một thói quen nữa khiến bộ não của bạn trở nên lười biếng đó là chỉ chăm chăm sao chép thông tin, kiến thức của người khác một cách vô tư và chẳng hề bận tâm suy nghĩ.

Xin nhấn mạnh lại là chép lại mà không bận tâm suy nghĩ. Bởi trong thời thế hiện tại, việc đọc và học hỏi lại những tri thức của nhân loại là điều chẳng bao giờ thừa. Bạn luôn phải lắng nghe và sao chép của người đi trước, những người giỏi hơn mình. Có điều sự sao chép cần đi liền với sự phân tích và “động não”. Học hỏi, sao chép, biến những kiến thức của người khác thành của mình và từ đó nâng cấp, cải tiến những kiến thức đó lên một tầm cao mới.

6. Không dám thể hiện kiến thức của mình

Bạn có sợ, ngại hay đơn giản là không thích xung phong lên bảng? Một câu hỏi đơn giản và thường xuyên nhất để kiểm tra xem bạn có phải là người “không thích” thể hiện kiến thức của mình.

Có rất nhiều người không thể hiện kiến thức bằng lời, nhưng đừng nghĩ họ không thể hiện. Tuy không nói, nhưng họ lại có thể thể hiện bằng nhiều cách khác, như: viết văn, viết báo, làm việc, làm bài tập,… Đó là một hình thức khác của sự “thể hiện”.

Chính vì thế, theo cách này hay cách khác bạn phải thể hiện được kiến thức và cái tài của mình. Vì kiến thức chẳng thể lưu trữ mãi mãi trong não, và chỉ ở trong đầu bạn mà không được đem ra phục vụ lợi ích thì nó cũng vô dụng.