Không chú Cuội nào
muốn một mình đêm Trung thu...
Trung thu này, chúng tôi có một bộ phim hoạt hình nho nhỏ dành tặng cho bạn - để
chúng mình tạm gác qua những bộn bề cuộc sống, tạm bỏ lại "cung trăng" cô đơn và bận rộn
của mình để cùng tìm laị những niềm vui nhỏ bé, trong trẻo như ngày thơ bé

Sao nhỉ, lại là Trung thu, lại là một dịp để hoài niệm về những kỷ niệm trong ngần, nhớ nhung về những ngày còn là trẻ con vô lo vô nghĩ? Thôi đi, thật đấy… Giờ á, có hoài niệm thì vẫn vậy, quan trọng là hiện tại đây này.Vì sao Trung thu nào cũng tồn tại không ít người ngồi thẫn thờ nhớ nhung, mà không tự hỏi mình phải làm gì để thực sự trải qua mùa trăng Rằm vui vẻ, đáng nhớ nhất? Cứ ngồi mãi như Cuội trông trăng à?

Câu chuyện về chú Cuội thì gần như ai từng là trẻ con cũng biết rồi, có chăng là bọn nhóc ngày này, sự sung túc và đủ đầy về công nghệ đã khiến chuyện cổ tích dân gian trở nên quá xa vời với chúng… Nhưng thôi, sự tích về chú Cuội thì vẫn sẽ được lưu truyền thôi, bằng cách này hay cách khác:

“Ngày xưa ở miền đất nọ, có chàng tiều phu tên là Cuội. Một ngày vào rừng đốn củi, Cuội tình cờ phát hiện ra loài cây thuốc quý khi thấy loài hổ sử dụng để trị vết thương. Từ ngày ấy, Cuội dùng cây thuốc thần kỳ đó cứu sống được rất nhiều người. “Tiếng lành đồn xa”, Cuội còn lấy được cả vợ. Thế nhưng, một lần Cuội đi vắng, bọn giặc vì ghen ghét chàng nên đã ra tay sát hại vợ Cuội. Vì thương nàng, vì cố chấp mà Cuội đã tìm mọi cách để hồi sinh người vợ xấu số, để rồi thị nhớ nhớ quên quên, đầu óc lũ lẫn. Một lần, vợ Cuội vì quên lời chồng dặn, tưới nước bẩn cho cây quý, không ngờ cây bật gốc bay lên trời, Cuội vì tiếc cây mà nắm rễ kéo lại, cuối cùng bay lên tận cung trăng. Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình và dân gian cũng tìm ra loài cây thuốc đó là cây đa. Người xưa tương truyền rằng, mỗi đêm trăng tròn, nhất là Rằm tháng 8, khi nhìn lên mặt trăng sẽ thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa…”.

Kể lại một chút về tích Cuội, để thấy ngày nay có nhiều “chú Cuội” đến mức nào? Vì tình yêu, mà chúng ta cố chấp, dù biết chắc kết quả sẽ chỉ tự làm đau mình, giống như Cuội, cố cứu sống người vợ, cho dù nàng đã qua đời tận 2 lần. Hay khi Cuội bám theo rễ cây rồi bị kéo lên mặt trăng và kẹt lại ở đó, cũng chẳng khác gì chúng ta tự ôm lấy những gánh nặng cho bản thân, quá “tham lam” và phiến diện trước những ngã rẽ của cuộc sống, để rồi kết quả phải đánh đổi quá đắt - sự cô đơn!

Đa phần những ai đã trải qua mùa Trung thu những năm 2000 - 2010 đổ về trước đều biết đến sự tích chú Cuội. Kết thúc câu chuyện, Cuội nắm lấy rễ cây quý nên bị kéo lên cung trăng, Rằm tháng tám hàng năm, Cuội ngồi gốc cây đa ngắm nhìn lũ trẻ phá cỗ quây quần dưới trần gian. Chợt nghĩ cảnh ấy, Cuội mà có thêm chiếc Iphone, đang lướt Instagram story xem dân tình check-in Trung thu làm gì, chơi gì thì quá giống… Giống gì á? Giống những ai trong dịp Trung thu người người nhà nhà quây quần, đi chơi còn mình thì lại nằm nhà kéo newsfeed trong vô nghĩa ý!

Nói thẳng toẹt ra: có những người cô đơn và cô độc như Cuội vậy, dù là Trung thu trăng tròn hay những ngày bình thường khác trong năm thì vẫn cô đơn. Cớ sao lại đến nỗi thế?

Tôi đã lướt nhanh cả chục bài viết trước khi mở máy gõ những dòng này, rằng Trung thu giờ khác quá, Trung thu ảm đạm, người trẻ bây giờ không như xưa nữa, bánh Trung thu truyền thống đã bị mai một… Buồn nhỉ? Sao cứ phải đến Trung thu, con người ta mới hoài niệm và nuối tiếc những nỗi buồn thật đẹp? Sao cứ phải là khi Hàng Mã lên đèn đỏ rực, bánh Trung thu được bán ngoài đường thì dân tình mới vội vàng hồi tưởng? Mà thật ra á, chúng ta đã lãng quên tất thảy từ rất lâu rồi, chẳng phải đến Trung thu con tim mới bồi hồi! Cứ hoài niệm chỉ là cái cớ cho việc lười biếng kiếm tìm sự trọn vẹn của một cái Tết đoàn viên thời hiện tại. Ấy là vì những “chú Cuội” đã mắc kẹt ở “cung trăng” quá lâu rồi.

Giờ thì ai mà chẳng là Cuội, Cuội nào cũng ngồi trên “cung trăng” nhìn ra xung quanh, mà chẳng mấy người dám bước ra ngoài để kiếm tìm Trung thu của quá khứ và hiện tại.

Nghĩ mà xem, thế hệ X - Y - Z ngày nay, nếu không mải miết đuổi theo công việc, tiền tài, danh vọng, thì cũng quanh quẩn giữa chuyện yêu đương, chuyện nhà cửa, chuyện con cái… Mấy điều đó không phải là xấu, chúng ta cũng không sai khi chăm chút và tâm huyết cho đời sống thường nhật. Nhưng chúng ta sai khi tự hỏi tại sao mọi thứ lại khác xưa quá, mà không nhận ra lý do ở chính những điều này, ở chính bản thân mình.

Dần dà, ai cũng như đang tự nhốt mình trong một vòng tròn, xoay quanh chiếc điện thoại, chốn công sở, bếp núc và những chuyện tủn mủn… Cứ cúi đầu bận bịu, rồi lại “hốt hoảng” khi chợt nhận ra “Trung thu đã về đấy à?”, cứ thế, cứ thế… Ai cũng là Cuội, ai cũng có một “cung trăng” riêng.

Thế nhưng, Cuội có Trung thu để gặp chị Hằng, chúng ta cũng có Trung thu để đoàn viên và trở về. Công nhận là ta đã để cuộc sống cuốn đi, để những bận bịu làm quên mất những giá trị thân thương để rồi tiếc nuối, hoài niệm mỗi mùa Rằm tháng Tám. Nhưng nếu tất cả những điều đó giúp chúng ta bước ra khỏi cung trăng của chính mình thì cũng đáng. Có “xuống mặt đất” thì mới biết ánh trăng bàng bạc, tươi đẹp như thế nào.

Cứ đến Trung thu, mỗi người chúng ta đều có một kỷ niệm thời thơ ấu để nhớ về, với nhiều người là bàn phá cỗ cùng lũ trẻ trong khu tập thể, với người khác là một vòng rước đèn múa lân quanh làng, với một vài người thì lại là buổi tối ngồi ngoài hè cùng ông bà bố mẹ ăn bánh uống trà sen… Dù là kỷ niệm nào, là nhung nhớ nào thì cũng có sự hiện diện của trên 1 người. Vì Trung thu không phải là Tết của những chú Cuội trên “cung trăng”, và không chú Cuội nào muốn một mình trong đêm Trung thu cả.

Không ai muốn một mình trong đêm Trung thu cả.

Được cái là Trung thu năm nào trăng cũng tròn và sáng như thế, vậy nên những chú Cuội ở thời hiện đại có thể an tâm bước ra khỏi “cung trăng” của mình. Không phải loay hoay giữa cái chuyện “đoàn viên” với những giá trị xưa cũ nữa, cứ trọn vẹn ở hiện tại là được, vì 10 năm, 20 năm tới đây, hiện tại cũng sẽ thành quá khứ thôi.

Đến lúc ấy, ai dám nghĩ chúng ta sẽ còn hoài niệm và nuối tiếc đến mức nào, nếu Trung thu này không trọn vẹn?

Bài viết: Hoài An

Mỹ thuật & Hoạt hình: Tất Sỹ, Bùi Thể Hiển

Interaction: Phuong Anh

Thiết kế: Nhật Ánh, Minh thần kì

Theo Trí Thức Trẻ

13/09/2019