Hồ nước cạn khô trên sa mạc hé lộ một loạt dấu chân 120.000 năm tuổi của tổ tiên chúng ta

Anh Việt, Theo Pháp luật và bạn đọc 01:23 22/09/2020

Sau một thời gian nghiên cứu, một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế và Ả Rập Xê Út mới đây đã công bố nghiên cứu về những dấu chân người lâu đời nhất từng được tìm thấy ở khu vực bán đảo Ả Rập.

Theo AP, các dấu chân được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017 tại một hồ nước cổ trên sa mạc Nefud. Sự xói mòn của thời tiết đã loại bỏ lớp trầm tích nằm bên trên, để lộ các dấu chân ra ngoài. Các nhà khoa học xác định niên đại của các dấu chân cổ đại này bằng phương pháp được gọi là Phát sáng kích thích quang học - cho ánh sáng bắn vào các hạt cát sa mạc và đo lượng năng lượng mà chúng phát ra. Kết quả phân tích cho thấy, những dấu chân này có niên đại khoảng 120 nghìn năm tuổi.

Hồ nước cạn khô trên sa mạc hé lộ một loạt dấu chân 120.000 năm tuổi của tổ tiên chúng ta - Ảnh 1.

Bức ảnh này cho thấy dấu chân được phát hiện tại hồ cổ Alathar trên sa mạc Nefud ngày nay. Các chuyên gia tin rằng nó được tạo ra bởi người Homo sapiens, thay vì người Neanderthal

Trong số tổng cộng 7 dấu chân người được phát hiện, 4 dấu chân có hướng đi tương tự nhưng khác biệt về cỡ chân, cho thấy có thể có một nhóm gồm 2 hoặc 3 người di chuyển cùng nhau. Đáng chú ý, bên cạnh các dấu chân người, nhóm nghiên cứu còn phát hiện dấu chân của 107 con lạc đà, 43 con voi và 233 hóa thạch xương voi, linh dương.

Từ những dấu chân mới được phát hiện, các nhà khoa học đã phác thảo ra được lộ trình mà người cổ đại đã đi khi họ di cư từ châu Phi. Theo đó, vào 120 nghìn năm trước ở khu vực ngày nay là phía Bắc Ả Rập Xê Út, một nhóm người tinh khôn (Homo sapiens) đã dừng chân một thời gian tại hồ nước cổ Alathar trên sa mạc Nefud để uống nước và tìm kiếm thức ăn bằng cách săn bắn động vật sinh sống ở ven hồ.

Hồ nước cạn khô trên sa mạc hé lộ một loạt dấu chân 120.000 năm tuổi của tổ tiên chúng ta - Ảnh 2.

Bên cạnh dấu chân người, dấu chân động vật cũng được tìm thấy tại đây

"Khám phá khảo cổ này đại diện cho bằng chứng khoa học lâu đời nhất về sự tồn tại của con người ở Ả Rập, đồng thời mang lại cái nhìn hiếm hoi về môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực", ông Tiến sĩ Jasser Al Herbish, giám đốc điều hành của Ủy ban Di sản Ả Rập Xê Út cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, khu vực bán đảo Ả Rập đóng vai trò quan trọng trong hành trình di cư của loài người từ Lục địa đen tới các châu lục khác trên Trái Đất. Trước khi xảy ra hiện tượng sa mạc hóa do biến đổi khí hậu, khu vực bán đảo Ả Rập hàng trăm nghìn năm trước từng xanh tươi và ẩm ướt hơn nhiều, với các đồng cỏ rộng lớn và sông, hồ nước ngọt. Do vậy, nơi đây rất có thể đã trở thành địa điểm "nghỉ chân" hấp dẫn với những người cổ đại trong hành trình di cư từ châu Phi sang châu Á và châu Âu.

Hồ nước cạn khô trên sa mạc hé lộ một loạt dấu chân 120.000 năm tuổi của tổ tiên chúng ta - Ảnh 3.

Hồ cổ Alathar trên sa mạc Nefud - khu vực tìm thấy các dấu chân 120 nghìn năm tuổi

Nghiên cứu mới nhất này cũng cho thấy, người cổ đại đã đi theo nhiều tuyến đường khác nhau để tới châu Âu và châu Á. Các nghiên cứu trước đây từng cho rằng, con người từ châu Phi từng đi theo các tuyến đường ven biển để di cư tới các vùng đất mới. Tuy nhiên, việc phát hiện các dấu chân người ở bán đảo Ả Rập cho thấy người cổ đại cũng lựa chọn những tuyến đường sâu bên trong đất liền, dọc theo các hồ và sông nước ngọt, để thực hiện chuyến hành trình kéo dài hàng nghìn km của mình.

Tham khảo AP / Live Science