Hố đen ở giữa Dải Ngân hà bùng nổ dữ dội vào bình minh của nhân loại

Kiều Anh, Theo VOV 09:54 08/10/2019

Hố đen ở giữa Dải Ngân hà từng trải qua một vụ nổ dữ dội ảnh hưởng tới các thiên hà “hàng xóm” khi mà tổ tiên con người đã xuất hiện trên Trái Đất.

Cách đây khoảng 3 triệu năm, một nguồn năng lượng khổng lồ đã phun ra từ trung tâm Dải Ngân hà. Sự bức xạ này đã tạo thành 2 cột năng lượng mạnh tới nỗi có ảnh hưởng đến cả khu vực cách đó 200.000 năm ánh sáng.

Hố đen ở giữa Dải Ngân hà bùng nổ dữ dội vào bình minh của nhân loại - Ảnh 1.

Hố đen ở giữa Dải Ngân hà từng trải qua 1 vụ nổ dữ dội ảnh hưởng tới các thiên hà “hàng xóm” khi mà tổ tiên con người đã xuất hiện trên Trái Đất. Ảnh: CNN

Ngọn lửa này có tên là Seyfert, bắt đầu phun ra từ trung tâm Dải Ngân hà - nơi có một hố đen siêu nặng. Khi những cột năng lượng này được hình thành và phát sáng khắp Dải Ngân hà, chúng mở rộng dần ra.

Nguồn năng lượng này đã chạm tới cả Dòng Magellan cách đó 200.000 năm ánh sáng. Đây là một dải khí nằm gần những thiên hà lùn "hàng xóm" của chúng ta như Đám mây Magellan Lớn và Đám mây Magellan Nhỏ.

Điều gì đã gây nên vụ nổ khổng lồ này? Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là hoạt động hạt nhân có liên hệ với hố đen. Hố đen siêu nặng nằm ở trung tâm thiên hà của chúng ta có tên là Sagittarius A hay Sgr A* và nặng gấp Mặt Trời 4,2 triệu lần.

Các nhà thiên văn học có thể sử dụng các dữ liệu từ Kính thiên văn Hubble để tìm hiểu và tính toán về vụ nổ này. Các phát hiện của họ sẽ được công bố trên Thời báo Thiên văn (The Astrophysical Journal).

"Vụ nổ này chắc hẳn giống như một luồng sáng từ ngọn hải đăng", giáo sư Joss Bland-Hawthorn tại Đại học Sydney và Trung tâm ASTRO 3D nhận định.

"Hãy tưởng tượng trong bóng tối, có ai đó bật ngọn đèn hải đăng lên và nó phát sáng trong một thời gian ngắn", giáo sư Hawthorn giải thích.

Các nhà thiên văn học cũng xác định được rằng vụ nổ đã xảy ra cách đây 3,5 triệu năm, vào thời điểm mà những tổ tiên của con người như chủng tộc Australopithecines đang sống ở châu Phi. Trước đó, một vụ va chạm thiên thạch cách đây 63 triệu năm đã khiến loài khủng long tuyệt chủng.

Vụ nổ ở trung tâm Dải Ngân hà trên đã kéo dài trong khoảng 300.000 năm.

"Đây là một sự kiện dữ dội xảy ra cách đây một vài triệu năm trong lịch sử của Dải Ngân hà. Một nguồn năng lượng khổng lồ và bức xạ đã thoát ra từ trung tâm thiên hà và tỏa ra môi trường xung quanh. Sự kiện diễn ở trung tâm Dải Ngân hà này dữ dội hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đó của chúng ta", Lisa Kewley - người đứng đầu ASTRO 3D cho biết.

Qua quá trình nghiên cứu, các nhà thiên văn học còn phát hiện ra rằng vụ nổ dữ dội trên có liên quan đến hoạt động từ hố đen chứ không chỉ đơn giản là sự bùng nổ hạt nhân của sao. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định các nghiên cứu trong tương lai là cần thiết để hiểu hơn về sự tiến hóa của hố đen và sự ảnh hưởng của nó tới các thiên hà.

"Những kết quả này đã thay đổi mạnh mẽ suy nghĩ của chúng ta về Dải Ngân hà. Chúng ta luôn nghĩ Dải Ngân hà của chúng ta là một thiên hà không hoạt động với khu vực trung tâm không quá sáng. Những nghiên cứu mới này đã giải thích lại hoàn toàn về sự tiến hóa và bản chất của nó. Vụ nổ ở trung tâm Dải Ngân hà xảy ra cách đây 3 triệu năm mạnh tới nỗi nó để lại ảnh hưởng tới khu vực xung quanh thiên hà của chúng ta. Chúng ta là những người chứng kiến sự thức giấc của một "người đẹp ngủ trong rừng"./.

(Nguồn: CNN)