Hiệu ứng đáng sợ này là lý do bạn cần tham gia diễn tập cứu nạn, phòng cháy chữa cháy

Billy Cipher, Theo Helino 10:15 25/03/2018

Cuộc sống của con người ngày càng phát triển, đầy đủ tiện nghi hơn bao giờ hết. Thế nhưng "hiện đại" đôi khi cũng "hại điện": chính những vật chất con người tạo ra đôi khi lại là thứ giữ chân con người.

Chúng ta đã từng chứng kiến không ít các tai nạn xảy ra trên những tòa nhà cao tầng, các phương tiện đi lại như máy bay, tàu thủy, ô tô… và đều hiểu rằng chúng là những điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Chính vì vậy mà các tòa nhà vẫn thường tổ chức những buổi diễn tập - như phòng cháy chữa cháy chẳng hạn - nhằm có được sự chuẩn bị tốt nhất nếu không may có điều gì xảy ra.

Thế nhưng, nếu đã từng xem qua thao tác cần làm trong đa số tình huống giả định, có lẽ bạn đồng ý rằng những việc này khá đơn giản, không hề đòi hỏi kĩ năng quá cao để thực hiện. 

Vậy thì tại sao người ta cứ phải tốn biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức chỉ để luyện tập một thứ "dễ ợt"? 

Hiệu ứng Ngộ nhận trạng thái bình thường (Normalcy Bias) chính là đáp án mà bạn đang tìm kiếm

Đây là một trạng thái tâm lí khi bộ não của một người phủ định khả năng gặp nguy hiểm trước thảm họa. Nói cách khác, mặc dù hiểm họa cận kề và rất rõ ràng, bạn vẫn có thể ngộ nhận rằng: "chẳng có gì đáng sợ cả, mọi việc vẫn đang diễn ra như bình thường thôi mà."

Hiệu ứng đáng sợ này là lý do bạn cần tham gia diễn tập cứu nạn, phòng cháy chữa cháy - Ảnh 1.

Các ví dụ được ghi nhận

Điều này nghe thật khó tin, làm sao như vậy được? 

Các nhà tâm lí học cũng rất bất ngờ khi họ mới phát hiện ra hiệu ứng này, sau một thời gian quan sát kĩ càng các trường hợp thực tế đã từng xảy ra. 

Trên thực tế, trạng thái này đã được ghi nhận ở chúng ta từ rất lâu rồi. Như vào năm 79 TCN, nhiều người dân Pompeii, Hy Lạp đã đứng tần ngần hàng giờ để… nhìn núi lửa Vesuvius phun trào! Họ đã chẳng làm gì cả, để rồi gây ra cái gọi là "thảm họa Pompeii" nổi tiếng trong lịch sử.

Hiệu ứng đáng sợ này là lý do bạn cần tham gia diễn tập cứu nạn, phòng cháy chữa cháy - Ảnh 2.

Dung nham chôn vùi cả thành phố và giết chết hơn 20.000 cư dân tại Pompeii

Tại Mỹ, 3 thảm họa lớn - lốc Brigdge Creek-Moore (1999), bão Katrina (2005) và bão Sandy (2012) đã hạ gục vô số người và cuốn theo những khối tài sản khổng lồ các nơi chúng đi qua. 

Cả hai đều đã được dự báo cho người dân khu vực để họ sơ tán. Nhưng điều hết sức bất ngờ là, một phần rất đông đã không làm gì.

Sự đánh giá của giới khoa học

Hiện nay, các nhà tâm lí học chưa thực sự thống nhất được cách giải thích thấu đáo cho hiện tượng này. Nó trái với bản năng sinh tồn và phi logic, nhưng nó vẫn tồn tại vì 1 lí do nào đó.

Khoa học đưa ra phỏng đoán là sự quá tải của bộ não dẫn đến đánh giá sai lệch. 

Đây là một hướng phản ứng của não bộ trước thông tin không rõ ràng về mối nguy hiểm nào đó, có thể là một dạng của phản ứng tê cứng trước các tình huống quá bất ngờ.

Hiệu ứng đáng sợ này là lý do bạn cần tham gia diễn tập cứu nạn, phòng cháy chữa cháy - Ảnh 3.

Bộ não đã không tin một chuyện như vậy có thể xảy ra với mình và nó quyết định lờ đi các rủi ro

Trong khi tai nạn đang tiến đến gần, từng giây phút đều cực kì quý giá và có thể quyết định sự sống còn của một người. Do đó, hệ quả của hiệu ứng này gần như đều là tiêu cực. 

Rất nhiều người không tin mình sẽ hành xử "kì quặc" như vậy - nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Chính vì thế, tập rượt trước các kĩ năng thoát hiểm không những giúp nâng cao sự thuần thục của thao tác mà còn chuẩn bị tâm lí sẵn sàng ứng phó với nguy hiểm. 

Lặp đi lặp lại hành động này nhiều lần, bạn sẽ biến nó thành một phản xạ, bất cứ khi nào tình huống thật xảy ra bạn đều xử lí được. Đây cũng là cách duy nhất chúng ta biết để đề phòng hiệu ứng đáng sợ này.

Nguồn: Off Grid, The Survival Mom, PsycholoGenie