Hiện tượng thiên nhiên này sẽ khiến một ngày kéo dài tới 25h trong tương lai

Thanh Mai, Theo Trí Thức Trẻ 12:56 08/12/2016

Câu trả lời cho những ai luôn thắc mắc vì sao đợi "mốc mồm" vẫn chưa được tan làm, tan học đã có rồi đây!

Sau khi nghiên cứu về thủy triều trên Trái đất, các chuyên gia thuộc Đại học Durham đã phát hiện ra hiện tượng "phanh thủy triều" - nguyên nhân khiến độ dài mỗi ngày dần tăng thêm.

Nhưng bạn hãy khoan đừng hoảng loạn vội, bởi mỗi thế kỷ trôi qua, con số chênh lệch chỉ là 2 mili giây. Và như vậy, tính ra phải tới 200 triệu năm nữa, con người mới thực sự sống trong ngày có 25h.

Hiện tượng thiên nhiên này sẽ khiến một ngày kéo dài tới 25h trong tương lai - Ảnh 1.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Durham và Cơ quan theo dõi lịch hàng hải Anh đã thu thập dữ liệu trong lịch sử về tất cả những lần xảy ra nhật thực, nguyệt thực và hiện tượng thiên văn liên quan, bắt đầu từ năm 720 TCN cho đến năm 2015.

Theo đó, hồ sơ cổ nhất được khắc trên đất sét Babylon cùng với các loại văn bản từ thời Hy Lạp cổ đại hay trung cổ châu Âu.

Để tìm hiểu xem chuyển động quay của Trái đất thay đổi thế nào trong suốt 2735 năm, người ta đã so sánh ghi chép lịch sử với một mô hình máy tính có khả năng tính toán thời gian và địa điểm con người vốn đã có thể thấy các sự kiện thiên văn trong trường hợp trục quay không đổi.

Hiện tượng thiên nhiên này sẽ khiến một ngày kéo dài tới 25h trong tương lai - Ảnh 2.

"Mặc dù mới chỉ là quan sát thô nhưng chúng ta đã có thể thấy sự khác biệt giữa tính toán với những gì xảy ra trong thực tế, và điều đó có nghĩa đã có sự thay đổi trong trục quay Trái đất", nhà thiên văn Leslie Morrison - người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Quay lại thời kì "ngày xửa ngày xưa", hành tinh chúng ta đang sống được hình thành bởi những đám mây bụi và khí từ 4,5 tỉ năm trước. 

Khi đó, một vật thể to cỡ Sao Hỏa đã va chạm với Trái đất, và cũng sau sự kiện đại hồng thủy này, thời gian một ngày được cho là đã kéo dài từ 6 lên thành 24 giờ như hiện nay.

Từ lâu, khi trục quay Trái đất chậm dần, quỹ đạo Mặt trăng lại tăng thêm 4cm mỗi năm, gây ra "phanh thủy triều" – hiện tượng được tạo nên bởi lực hấp dẫn từ Mặt Trăng.

Hiện tượng thiên nhiên này sẽ khiến một ngày kéo dài tới 25h trong tương lai - Ảnh 3.

Tuy nhiên, "phanh thủy triều" không phải thứ duy nhất có tác động tới trục quay. Kể từ cuối thời kỳ băng hà gần đây nhất, vùng đất mà trước đó đã từng bị chôn vùi dưới băng nay đã "bung lụa" và trở lại về vị trí, phần nào cản trở việc chuyển động chậm lại của Trái đất.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, cũng còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thay đổi chu kì quay Trái đất mỗi 1500 năm như thay đổi mực nước biển hoặc các lực điện từ.

Vậy thì, Trái đất liệu có chạm mốc 25h sau 200 triệu năm nữa hay sẽ còn chứng kiến sự thay đổi bất ngờ nào khác, chắc chỉ thế hệ cháu chắt của cháu chắt chúng ta sau này mới biết thôi nhỉ!

Nguồn: The Guardian