Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn "Tết lại": Tháng Giêng là tháng ăn chơi!

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/02/2019

Hàng năm, sau khi hết 3 ngày Tết Nguyên Đán, từ mùng 4 đến ngày 22 tháng Giêng Âm lịch, dân làng tại các xã thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tưng bừng tổ chức ăn... "Tết lại".

Tết Nguyên đán vừa qua, người dân tại một số xã ngoại thành Hà Nội tất bật chuẩn bị ăn... "Tết lại". Dọc những con đường thôn vẫn trang hoàng lộng lẫy, tiếng nhạc xập xình ồn ã khắp mọi nẻo đường. Tùy theo từng làng, từng thôn mà tổ chức ngày ăn "Tết lại" khác nhau, nhưng chỉ trong khoảng từ ngày mùng 4 đến 22 tháng Giêng. "Tết lại" đã trở thành tập quán có những nét rất riêng tại đây.

Về thăm thôn Đức Hòa, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, chúng tôi được chứng kiến một không khí Tết "chưa bao giờ hết" tại nơi này.

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 1.

Khắp các thôn tại xã Đức Hòa đều trang hoàng tưng bừng đón "Tết lại".

Tục lệ ăn "Tết lại" nghìn năm tuổi ở ngoại thành Hà Nội

Trước kia, tục lệ ăn "Tết lại" diễn ra ở nhiều làng quê vùng ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai,... nhưng đến nay, chỉ còn một số xã tại huyện Sóc Sơn còn tồn tại văn hóa này.

Không ai tại Đức Hòa biết rõ nguồn gốc của tục lệ ăn "Tết lại", kể cả những cụ ông cụ bà nhiều tuổi nhất làng. Khi họ sinh ra, tương truyền từ bao đời nay, hết 3 ngày Tết đi (Tết Nguyên đán), dân làng lại rục rịch chuẩn bị "Tết lại". Nhiều người trong số họ cho rằng, "Tết lại" bắt nguồn từ sự kiện vua Quang Trung dẹp giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long.

Xưa kia, ở Thăng Long, để củng cố lực lượng chống nghĩa quân Tây Sơn, quân giặc ra sức hoành hành, cướp bóc của nhân dân. Dân làng trong không khí chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm, nhưng do phải chạy giặc, họ chỉ đem đi được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi cuộc chiến kết thúc, đất nước bình yên, người dân mới trở về quê hương. Lúc đó Tết đã qua, vua Quang Trung cho phép binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn. Dân làng nô nức tổ chức giã giò, gói bánh chưng, mở hội. Do là Tết mừng chiến thắng và thoát chết trở về nên "Tết lại" rầm rộ hơn Tết chính. Ngày "Tết lại" của mỗi làng là ngày người dân đầu tiên về tới làng sau cuộc chạy giặc.

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 2.

Những cành đào từ Tết Nguyên đán được giữ lại để ăn "Tết lại".

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 3.

Mùng 10 tháng giêng, dân làng thôn Đức Hòa bắt đầu cúng "Tết lại".

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 4.

Trẻ con vẫn mặc áo dài xuống phố, đi thăm họ hàng, anh em, bạn bè cùng bố mẹ dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chính thức đã hết.

"Tết lại" không được tổ chức cùng ngày, mỗi thôn tại các xã của Sóc Sơn có ngày ăn "Tết lại" khác nhau. Ví như, thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Lai Sơn (xã Bắc Sơn) ngày mùng 8, thôn Đức Hòa (xã Đức Hòa), thôn Tiên Chu, Lam Lý, Lương Đình (xã Bắc Sơn) ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ (xã Đồng Xuân) ngày 22 âm lịch. Cứ như vậy, thôn này qua thôn kia cùng ăn Tết, rải rác khắp tháng Giêng. 

Trước kia, sau khi ăn uống và chúc tụng nhau, mọi người cùng ra đình làng tham gia các trò chơi dân gian như chọi gà, đu quay, đập niêu, úp chậu… Đặc biệt, bên bờ sông thuộc Bờ Bến (thôn Xuân Kỳ), người dân ngồi chật hai bên bờ để nghe hát quan họ. Tuy nhiên, ngày nay, các hoạt động này gần như không còn. 

Theo quan niệm, Tết Nguyên đán là để con cháu, anh chị em ruột thịt gặp mặt chúc Tết, còn "Tết lại" là để đón tiếp bạn bè và khách thập phương. 

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 5.

Chợ họp tấp nập, bán hoa quả để người dân về tổ chức "Tết lại".

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 6.

Nhiều gia đình dừng mọi công việc để ăn "Tết lại".

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 7.

Không khí rộn ràng, vui tươi khắp thôn xóm.

Ăn hết Tết thôn này lại rủ nhau qua thôn bên ăn tiếp

Đúng mùng 10 tháng Giêng, xóm Thượng, thôn Đức Hòa, xã Đức Hòa tổ chức ăn "Tết lại". Đào, mai, quất được trang hoàng lộng lẫy, mâm tiệc được chuẩn bị sẵn trong nhà, chỉ chờ khách tới cùng nâng ly chúc tụng.

Chú Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi) cho biết, gia đình chú năm nào cũng làm cỗ, trong đó không thể thiếu những loại bánh đặc trưng như bánh tét, bánh gai, bánh tro. Có nhà trong thôn làm lớn hơn, hẳn chục mâm mời bà con, làng xóm, anh em. 

"Ngày thường thôn xóm thanh bình lắm, được những ngày Tết rộn ràng nên ai cũng háo hức. Cả năm mới có dịp để mọi người gặp gỡ và bàn chuyện làm ăn trong năm mới. Bất kì khách nào tới thăm nhà, dù lạ dù quen đều phải vào mâm, nếu không uống được rượu thì có bia, nước ngọt" - chú Hùng tâm sự.  

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 8.

Mâm cỗ ngày Tết lại của gia đình chú Hùng.

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 9.

Món nem chua không thể thiếu trong mâm cỗ.

Cụ Sơn (83 tuổi, thôn Đức Hòa) nhớ về cái Tết xưa trong ký ức. Thuở còn nhỏ, suốt tháng Giêng, nhiều thôn rộn vang tiếng chày giã bánh, giã giò. Tiếng trống hội tưng bừng khắp làng trên xóm dưới. Ngày "Tết lại", hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng, gói giò, giết gà, bày hoa quả. Đào, quất có thể không có hoặc dùng lại của Tết Nguyên đán, nhưng những thứ bánh trái, giò chả đều phải làm mới hết.

"Người dân quan niệm, Tết đi đã làm lễ cúng tiễn chân ông bà ông vải rồi, thì tới "Tết lại" cũng phải sắp sửa mọi thứ khác để mời các cụ về ăn Tết mới. "Tết lại" có khi còn to hơn cả Tết Nguyên đán. Con cháu khắp nơi đều phải cùng tề tựu về. Bất cứ khách nào đến chúc Tết đều được giữ lại ăn cơm, nhiều gia đình vui chơi ca hát đến tận nửa đêm. Nhà nào có nhiều người đến ăn "Tết lại", đặc biệt là những người xa lạ, coi như năm đó nhiều lộc. Cứ ăn hết Tết thôn này, chúng tôi lại rủ nhau qua thôn bên ăn tiếp" - cụ Sơn nói.

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 10.

Thanh niên trong thôn ăn cỗ Tết từ thôn này đến hết thôn khác. Với họ, tháng Giêng đúng nghĩa là tháng ăn chơi.

Trẻ con vui chơi ngày "Tết lại". 

"Đi làm cũng không yên vì cứ bị gọi về ăn Tết uống rượu"

Vào ngày Tết lại, gia chủ sẽ làm đủ mọi cách để níu chân anh em, bạn bè. Với nhiều người dân nơi đây, Tết lại là cơ hội để làng này mời làng kia ăn uống, giao lưu. Nhưng với một số người khác, tục "Tết lại" cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của họ. Nhiều người đi làm trên thành phố cũng phải bỏ dở công việc, trở về quê hương để ăn "Tết lại".

Anh H., một tài xế ở xã Phú Cường, hiện đang làm việc ở Hà Nội than thở: "Làng tôi ăn Tết lại vào mùng 7, các làng bên cạnh thì ăn vào mùng 8, 9... rải rác đến gần cuối tháng Giêng. Tôi ở Hà Nội đi làm cũng không yên vì gia đình, anh em làng xóm ở quê cứ gọi nheo nhéo về bắt ăn Tết uống rượu cả ngày. Ăn cỗ rượu làng mình xong thì bạn bè làng bên lại gọi, đến mà hãi hùng, người có công việc mà muốn yên ổn đi làm thì chỉ có tắt điện thoại, nếu không chả làm ăn được gì".

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 12.

Các cửa hàng vẫn đóng cửa, người dân dừng mọi công việc vì phải ở nhà đón khách.

Đến hiện tại, tục Tết lại vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, người chê bai "Tết lại" vừa phiền phức vừa tốn kém, nhưng với dân làng nơi đây, họ chỉ nghĩ đơn giản đây là dịp ngồi trò chuyện với nhau. Đa số người dân nơi đây sống bằng nghề nông hoặc đã về hưu nên công việc đồng áng không ảnh hưởng quá nhiều. Chỉ số ít người đi làm ăn xa không thể trở về hoặc tìm cách từ chối khéo với những cỗ rượu kéo dài trong tháng Giêng này.

Hết Tết nhưng một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội vẫn tưng bừng tổ chức ăn Tết lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! - Ảnh 13.

"Tết lại" sẽ còn kéo dài đến hết tháng Giêng tại bất kỳ thôn xóm ở huyện Sóc Sơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày