Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại”

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 17:51 15/01/2021

Xã hội là nơi chúng ta giúp đỡ nhau, mà không cần ai mang ơn ai cả. Chúng ta giúp đỡ nhau, là câu chuyện hy vọng có thể truyền cảm hứng tới mọi người, để cùng nhau tạo ra điều gì đó tương tự hoặc tốt hơn trong tương lai.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 1.

Đêm 18/10/2020, nước lũ dâng cao, người Quảng Trị kêu cứu khắp mạng xã hội. Hàng ngàn status trên các diễn đàn, đủ cung bậc cảm xúc: lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng. Trong tình cảnh này, người dân chỉ còn cách di dời tài sản lên cao, người già và trẻ em được ưu tiên sơ tán đến những khu vực an toàn.

Càng về đêm đến rạng sáng 19/10, tiếng kêu cứu càng tăng. "Cứu chúng tôi với..."

Đêm đó, Đặng Hải Lộc, kỹ thuật viên, đang vùi đầu trong mớ deadline công việc. Anh tìm vào một hội nhóm trên Facebook của người Quảng Bình, Quảng Trị, và thực sự ám ảnh về những gì vừa đọc được. Quả thực, người dân đang trong một "cuộc chiến" với thiên tai quá khốc liệt.

Anh nhìn nhận vấn đề về tình hình lũ dâng sau bão, nhiều gia đình bị cô lập, hết lương thực, tình trạng khẩn cấp... những người dân đang kêu cứu một cách tản mác khắp nơi, không được tổng hợp và phân tích. Khi có quá nhiều người kêu cứu, dễ bị "chìm" giữa biển thông tin trên mạng xã hội. Cũng có người khi đến cứu trợ đến nơi, đã được hỗ trợ bởi một nhóm khác, vô tình gây lãng phí nguồn lực.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 2.

"Với miền Trung, bão lũ xảy ra hàng năm, nhưng người dân chưa thực sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về cứu hộ", Lộc nghĩ. Là một kỹ thuật viên, ngay trong đêm 18/10, Đặng Hải Lộc bắt đầu suy nghĩ về một website nhập liệu tập trung, giải quyết vấn đề thông tin bị phân tán, trùng lặp và thiếu xác minh. Lộc đưa ý tưởng lên Facebook cá nhân và các nhóm công nghệ, chia sẻ với mọi người rằng "miền Trung đang cần cứu hộ, nhiều vùng bị cô lập, người dân cạn tiền điện thoại, các đội cứu hộ bị tắc nghẽn. Tôi có ý tưởng cùng nhập hết dữ liệu kêu cứu của người dân vào một chỗ, tạo thành cơ sở dữ liệu cứu hộ cứu nạn để các tình nguyện viên có thể tham khảo".

Song song đó, ở một nơi khác, Nguyễn Lê Dung cảm thấy sốt ruột khi người dân đăng tin cầu cứu rải rác khắp mọi nơi. Chị nhận thấy đây không phải một cách hiệu quả, vì những người tham gia cứu hộ không có thời gian để lướt từng trang Facebook, xem rằng liệu ai đang cần giúp đỡ.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 3.

Dung tập hợp một nhóm 4-5 người, nhập thông tin từ Facebook vào một file Excel. Chị tuyển thêm tình nguyện viên, chuyên trách gọi điện xác minh thông tin. Chỉ một đêm, dữ liệu "kêu cứu" lớn dần lên.

Từ những người bạn chung, Đặng Hải Lộc kết nối được với Nguyễn Lê Dung. Một người có nền tảng website, người còn lại có nguồn dữ liệu "khổng lồ" cần xử lý. Họ kết hợp với nhau, cho ra đời dự án Hệ thống thông tin Cứu hộ miền Trung ngay trong sáng 19/10.

Phiên bản đầu tiên của cuuhomientrung.info được lập trình, sau đó được đưa lên cộng đồng và kêu gọi mọi người cùng tham gia. Dự án lập tức nhận được sự ủng hộ của hàng chục kỹ sư trong nước và cả những người đang làm việc tại các công ty lớn như Google, Facebook ở nước ngoài.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 4.

cuuhomientrung.info cho phép tất cả mọi người có thể cùng tổng hợp, cập nhật dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực về các thông tin kêu cứu tại miền Trung và các đơn vị cứu hộ. Với các trường hợp cần cứu hộ, website cập nhật các thông tin về số lượng người cần ứng cứu, nhu cầu ứng cứu, địa chỉ chi tiết và trạng thái tại thời điểm thực.

Thông tin về các đội cứu hộ bao gồm phạm vi cứu hộ, số điện thoại liên hệ và trạng thái hoạt động. Nền tảng công nghệ trực tuyến cho phép các đội cứu hộ có thể trực tiếp tra cứu thông tin người cần cứu hộ được chia theo khu vực. Cư dân cũng chủ động tra cứu thông tin đội cứu hộ gần nhất với mình.

Sau khi đã có thông tin từ rất nhiều nguồn, đội tình nguyện viên của dự án sẽ trực tiếp liên hệ xác minh thông tin, phân loại mức độ nguy cấp, nhu cầu của các trường hợp và kết nối với các bên. Các tình nguyện viên làm việc hăng say đến mức "quên tắm", "quên ăn cơm", cố gắng hết sức chung tay vì cộng đồng. Có thời điểm, 2.500 tình nguyện viên cùng hoạt động trên web.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 5.

Anh Đặng Hải Lộc ngồi lại cùng Bùi Trung Hiếu - quản lý dự án, nhìn nhận "lập website rồi, có dữ liệu rồi, thì sao nữa?" Data này vẫn sẽ là data chết, cần phải có người sử dụng để thực sự đi cứu hộ địa phương.

Nhóm đã quyết định liên lạc với chính quyền các tỉnh miền Trung, trình bày về mục đích, cách thức hoạt động của dự án. Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu IV, đặt tại Thừa Thiên - Huế là đơn vị đầu tiên đồng ý tiếp nhận thông tin cứu trợ trên website để làm đầu vào cho việc điều phối tàu, xuồng cứu hộ.

Ngày 21/10, tỉnh đoàn Quảng Bình đã chính thức tiếp nhận thông tin và cử nhân sự tham gia dự án. Từ sau bão số 7, hệ thống Cứu hộ miền Trung đã phối hợp với 10 tỉnh đoàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 6.

"Nếu không có chính quyền địa phương, chúng tôi không biết liệu thông tin cứu hộ được tập hợp lại, là cứu người hay giết người", anh Lộc nói. Nhóm dự án không trực tiếp điều phối, họ chỉ nhận và xác minh thông tin, thông qua bộ đội, cán bộ địa phương - những "thổ địa" hiểu rõ nhất tình hình lúc đó để nhanh chóng có phương án kịp thời.

Sáng 20/10, hệ thống Cứu hộ miền Trung cho ra mắt hotline 1900 8632, tiếp nhận thông tin cứu trợ vì không phải người dân trong vùng lũ cùng có smartphone và lên mạng kêu cứu. Đây là số hotline miễn phí, luôn có 300 - 500 tình nguyện viên trực hoạt động 24/7 ở khắp mọi nơi, khi cần thiết số lượng này có thể tăng thêm để không xảy ra hiện tượng quá tải.

Tình nguyện viên nghe máy sẽ kết nối ngay với các đơn vị cứu nạn chính thống tại địa phương, ưu tiên thông tin cần thiết để giải cứu nhanh các trường hợp khẩn cấp nước sâu, lũ lên nhanh. Đồng thời hỗ trợ kết nối thông tin để các đơn vị cứu trợ nhanh chóng tiếp tế nhu yếu phẩm các vùng cô lập, các trường hợp khó khăn sau lũ.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 7.

"Cán bộ địa phương đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều. Chính họ đã giúp chúng tôi bình tĩnh trong những tình huống nguy cấp nhất, dặn dò chúng tôi gửi thông tin và số điện thoại cần giúp đỡ", Nguyễn Lan Hương, đội truyền thông của dự án, nhớ lại.

Sau 2 tháng vận hành kể từ cơn bão số 7, Cứu hộ miền Trung tiếp nhận 2878 thông tin hộ dân cần ứng cứu trên hệ thống. 1818 đội cứu hộ có mặt trên website, 7547 cuộc gọi đến hotline 1900 8632, riêng trong ngày 28/10 khi bão kép đổ bộ, các tình nguyện viên nhận được 2132 cuộc gọi. 821 hộ dân đã được ứng cứu và an toàn.

Dự án được quản lý và điều phối bởi 50 quản lý, chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. 2500 tình nguyện là người Việt khắp nơi trên thế giới tham gia hỗ trợ thông tin dự án. 800 tình nguyện viên hoạt động thường trực được chia làm 5 nhóm: nhóm phát triển công nghệ, nhóm truyền thông, đội nhập liệu và tìm kiếm thông tin, đội trực tổng đài và đội kết nối. Website đạt 116.000 lượt truy cập mỗi tháng.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 8.
Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 9.
Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 10.

Cứ 10h đêm, chúng tôi lại họp, có những người suýt bị sa thải vì mải "cắm đầu cắm cổ" vào dự án mà quên mất công việc riêng. 10h đêm, là khi chúng tôi ở Việt Nam đã lo xong việc riêng và phù hợp với múi giờ của các bạn ở nước ngoài.

Một dự án với các mục tiêu, kế hoạch hành động tính bằng phút và "chạy đua" với bão. Hầu hết các thành viên còn chưa kịp quen tên cũng chẳng biết mặt nhau, chỉ biết cùng nhau trên một niềm tin rồi bắt tay vào làm hết ngày này qua ngày khác.

Một dự án không có nhân sự full-time nào, ai cũng phải tranh thủ thời gian, có khi thức trắng cả đêm không ngủ nhưng chẳng ai nặng lời với ai một câu nào. Chẳng ai đẩy việc cho ai, hết người này đến người khác liên tiếp kết nối và hỗ trợ nhau bỏ qua tất cả rào cản về khoảng cách, ngôn ngữ, múi giờ.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 11.

Tôi muốn giới thiệu tới các bạn anh Hoàng Vinh, một người con miền Trung có vai trò quan trọng khi đưa ra chiến lược trong giai đoạn đầu của dự án.

Ngay trước thềm cuộc họp quan trọng, bố anh Vinh mất vì ung thư. Trước đó, cụ đã rất yếu. Trong bệnh viện, Vinh vừa kết nối với Sở chỉ huy tiền phương, vừa chăm sóc bố. Biết rằng bố có thể đi bất cứ lúc nào, Vinh đã đề xuất một thành viên khác tham gia dự án từ đầu, phụ trách công việc thay anh.

Bố biết công việc Vinh đang làm, và khi ông mất, mọi người đều nhận thấy, ông hiểu rõ tấm lòng của con trai mình. Đấy là việc tốt nhất Vinh có thể làm cho bố lúc đấy và tôi nhận ra một điều rằng, giữa bộn bề chuyện gia đình rối ren, anh vẫn làm tròn công việc xã hội.

Cuối cùng, những thành quả mà dự án đạt được chính là niềm tự hào của mỗi thành viên khi được góp sức mình cho ý nghĩa tốt đẹp tới cộng đồng.

Dự án bắt nguồn từ mạng xã hội, đã có thể giải quyết vấn đề của cộng đồng. Tôi tin, khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 12.

Chúng tôi vẫn luôn luôn nhắc nhau, không phải cứu được tất cả mọi người, mà cứu được bất cứ ai cũng là điều quý giá. Ban đầu khi tập hợp lại, chúng tôi nhập liệu trên một bảng excel trực tuyến, người nọ nhập đè vào người kia vì có hàng trăm người cùng nhập một lúc. Chúng tôi chấp nhận mất dữ liệu, miễn là với một thông tin hữu ích, có thể cứu sống một hộ dân. Sau này biết đến website cuuhomientrung.info, chúng tôi đấu nối vào và trở thành nhóm nhập liệu cho Hệ thống.

Phải tự mình tham gia mới thấy có những câu chuyện mà đến bây giờ, cảm xúc của tôi vẫn còn nguyên vẹn và đầy xúc động.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 13.

Khi nước lũ lớn còn chảy xiết, nhiều đoàn cứu hộ cũng có thể gặp nguy hiểm dọc đường. Tình huống khẩn cấp mà tôi tiếp nhận, là khoảng 21h tối 21/10, hệ thống nhận được thông tin từ một đoàn cứu hộ đi vào khu vực Lệ Thủy.

Nước bắt đầu dâng lên, xe cứu hộ không di chuyển được, xung quanh cũng không có nhà dân. Một thành viên trong đội cứu hộ đăng tin lên hệ thống kêu cứu, tình trạng khẩn cấp. Các TNV ngay lập tức gọi lên tỉnh đoàn xin viện trợ, đồng thời giữ liên lạc với những người trong đoàn cứu trợ. Nhưng nước ngày càng lên cao dần, mọi người trong đoàn bắt đầu hoảng loạn và la hét, TNV vừa phải nhanh chóng liên hệ để cứu trợ, vừa phải liên tục giữ liên lạc, trấn an tinh thần mọi người trong đoàn.

Tới 12h, tất cả đều đồng loạt không liên lạc được vì hết pin. Nhóm phải gửi lời kêu cứu đến tất cả các đoàn cứu hộ đang có mặt ở Lệ Thủy lúc đó. Thật may mắn, một đoàn đã tiếp nhận được thông tin. Đến 12h30, chúng tôi nhận được tin báo an toàn cả đoàn. Thật sự thở phào nhẹ nhõm.

Trong nhóm tình nguyện viên, tôi nhớ mãi câu chuyện của anh Đoàn - người con được nuôi lớn bởi mảnh đất miền Trung. Anh vừa tiếp nhận thông tin cứu hộ, vừa ngóng về quê nhà. Anh tận dụng từng giây từng phút cập nhật, kết nối những người cần cứu trợ. Phần trăm pin cuối cùng khi nhận cuộc gọi báo nhà bị bật nóc, ba mẹ đều phải trốn ra toilet xây đằng sau. Anh đã xin phép tiết kiệm pin, tạm dừng không tiếp nhận cuộc gọi cứu trợ, để dành liên lạc với gia đình.

Cơn bão đi qua, gia đình may mắn đều bình an.

Sau tất cả, tôi nhận thấy, tập hợp và huy động sức mạnh từ cộng đồng là cách tốt nhất để xây dựng một dự án thành công.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 14.

Nhóm truyền thông chúng tôi là nhóm có nhân sự thiếu ổn định nhất trong dự án. Trong khi ở các nhóm việc khác, khối lượng công việc đồ sộ có thể chia nhỏ thành các công đoạn và mỗi người chuyên tâm phụ trách một đầu việc; thì nhân sự của nhóm truyền thông cần đi theo dự án từ đầu, tập trung 24/7 để ghi chép và phân tích các sự thay đổi theo độ nở của dự án. Dù nhóm chúng tôi thường trực 20 nhân sự on-off, song việc thiếu nhân sự thực sự theo sát được dự án mang lại rất khó khăn. Ví như sáng ra một phóng viên liên hệ có bạn A tiếp nhận, đến chiều phóng viên cần hỗ trợ bạn lại không hỗ trợ được, cử người khác thì lại phải kết nối lại từ đầu. Không dưới 3 lần chỉ trong 10 ngày, tôi nhắn cho các anh xin nghỉ vì áp lực.

Bạn có thể tưởng tượng trong 10 ngày trọng điểm của dự án, mỗi ngày chúng tôi vận hành một chiến dịch truyền thông, mỗi chiến dịch kéo dài trong 24 giờ với đầy đủ các bước: Họp chiến lược dự án 22h đêm hôm trước để cập nhật thay đổi, quyết định ma trận mục tiêu, công chúng, thông điệp, hình thức sản phẩm, quản trị việc xuất bản trên các kênh. Chiến lược của chúng tôi cho dự án này là: thông điệp đơn giản nhất có thể, kêu gọi hành động dễ dàng nhất có thể và "nhờ vả cộng đồng" nhiều nhất có thể.

Ban đầu nhiệm vụ truyền thông chủ yếu để tuyển dụng, mỗi ngày dự án cần 500 tình nguyện viên xử lý thông tin và hơn 50 chuyên gia phát triển nền tảng công nghệ; kế đó truyền thông có nhiệm vụ tối đa hoá số lượng người dân vùng lũ và họ hàng của họ biết đến đầu số cứu hộ, việc này đi song song với việc truyền thông thể hiện sự uy tín của dự án.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 15.

Cũng tư duy "open source" trong truyền thông, chúng tôi tổng hợp và đưa ra những thông tin chính xác được cung cấp từ hệ thống công nghệ, còn lại, khai thác chúng như thế nào để thành câu chuyện truyền thông hoàn toàn là ở sự chung tay của cộng đồng. Các sản phẩm truyền thông sau khi được cân nhắc kỹ sẽ được phát ra theo quy trình: Kênh chính thức đăng trước, "nội bộ" 500 tình nguyện chia sẻ ngay sau đó, cuối cùng là kêu gọi cộng đồng. Các Nhà báo, Người ảnh hưởng trên mạng xã hội, Các thủ lĩnh cộng đồng, Các học giả và hàng triệu tài khoản trên mạng xã hội đã phản hồi lời kêu gọi giúp sức của chúng tôi.

Mỗi đêm sau những giấc ngủ ngắn tỉnh dậy, việc đầu tiên là cầm điện thoại kiểm tra lượng người truy cập và tương tác trên các kênh thấy số nhảy tưng bừng, cả nhóm chỉ biết thể hiện muôn vàn sự biết ơn, và nhắn nhau "Cộng đồng thật là kỳ diệu". Mệt mỏi và ý định "xin nghỉ việc" tan biến cùng những màn hình báo cáo số "share" từ những người chúng tôi hằng mến mộ.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 16.
Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 17.

Trong nhóm, tôi là người có ít liên hệ với miền Trung nhất và có ít lý do để tiếp tục nhất và sự thật đã định nghỉ từ ngày thứ 2. Nhưng những lời kêu cứu đã níu tôi lại vì cuối cùng vì nếu người trong xã hội không giúp nhau thì còn chờ ai, nếu ngày mai kia danh sách kêu cứu kia có tên tôi thì tôi chờ mong điều gì? Mọi người gọi tôi là "quản lý" nhưng tôi vẫn luôn thành thật nói không làm được gì, bởi tôi có gọi được cuộc điện thoại nào hay trực hotline đêm nào đâu? Tôi chỉ là viên gạch nối tiếp sức cho anh chị em tình nguyện viên, lập trình viên đang làm mọi cách trong sức của mình để góp sức cho quê hương trong cơn hoạn nạn.

Dự án cuuhomientrung xuất phát từ những con người xa lạ, kết nối với nhau. Nhiều người có quê hương, gia đình ở miền bão lũ; nhưng cũng có không có ít người hăng hái góp sức vì đây là việc đúng đắn và là việc xã hội cần. Khi bão lũ đi qua, anh chị em lại quay về với cuộc sống và công việc riêng. Hầu hết cộng đồng tình nguyện viên không biết nhau, cũng không có ý định phải biết nhau nhưng tôi biết khi nào xã hội cần thì cộng đồng sẽ lại tìm tới với nhau.

Hệ thống Cứu hộ Miền Trung ra đời từ những lời kêu cứu: “Khi xã hội có những nỗi đau lớn, sẽ có những nhóm như chúng tôi cùng tập hợp lại” - Ảnh 18.

Không chỉ có những cá nhân tham gia dự án, mà còn có các team công nghệ khác sử dụng dữ liệu của dự án để vẽ bản đồ, giúp những người cứu hộ biết nơi nào nhiều nhà dân, nơi nào bị ngập nặng, chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi rất tin tưởng trong tương lai sẽ có một đơn vị hay tổ chức nào để gửi gắm kho dữ liệu "khổng lồ" và ý nghĩa này, để năm sau hay những năm sau nữa sẽ có ai đó tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ bà con miền Trung tự tin bước qua mùa thiên tai khắc nghiệt.

Xã hội là nơi chúng ta giúp đỡ nhau, mà không cần ai mang ơn ai cả. Không cần bất cứ ai phải cảm ơn chúng tôi, và chúng tôi cũng không mong chờ lời cảm ơn. Chúng ta giúp đỡ nhau, là câu chuyện hy vọng có thể truyền cảm hứng tới mọi người, để cùng nhau tạo ra điều gì đó tương tự hoặc tốt hơn trong tương lai.