Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm?

Bikipmuathi.vn, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 17/04/2016

Học CNTT ra trường sẽ làm gì? Có một số ngành học sẽ "hot" trong một thời gian nhất định, nhưng ngành CNTT vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt hơn thập kỉ qua, vì sao?

Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến rất gần, đây cũng là lúc các bạn học sinh bước vào giai đoạn căng thẳng nhất khi vừa ôn tập, vừa trăn trở những định hướng cho nghề nghiệp bản thân. Ngày càng có rất nhiều ngành nghề cho học sinh lựa chọn, điều này cũng đồng nghĩa rằng để chọn được ngành nghề phù hợp và có tiềm năng trong tương lai, học sinh sẽ phải khá "đau đầu". 

Để giúp các bạn định hướng và hình dung được cụ thể hơn về ngành nghề mình dự định theo đuổi khi vào Đại học, Bikipmuathi.vn đã tìm đến những chuyên gia, thầy giáo, cán bộ tư vấn tuyển sinh... từ các trường Đại học uy tín để phỏng vấn. Với những câu hỏi cũng chính là thắc mắc từ học sinh, phụ huynh hiện nay cùng sự tư vấn tận tình, chúng tôi tin loạt bài này sẽ rất hữu ích đối với các bạn đang đứng trước kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. 

Và để mở đầu, Bikipmuathi.vn đã thực hiện một bài phỏng vấn với anh Vũ Chí Thành - Trưởng ban Tuyển sinh và Công tác sinh viên của ĐH FPT về ngành Công nghệ thông tin hiện nay.

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 1.

 Anh Vũ Chí Thành - Trường ban Tuyển sinh và Công tác sinh viên của ĐH FPT.

Ngành CNTT là gì? 

Công nghệ thông tin (IT – Information Technology) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Nói nôm na, đây là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.

Hiện nay, ngành Công nghệ thông tin thường phân chia thành 5 chuyên ngành phổ biến, gồm: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm. Trong đó, hai ngành đang "hot" nhất hiện nay và trong tương lai đó là Kỹ thuật phần mềm và An toàn thông tin.

Khi theo ngành này thì sinh viên sẽ được học những gì?

Tùy từng chuyên ngành mà sinh viên sẽ được học những giáo trình thú vị khác nhau. Ví dụ, đối với ngành Kỹ thuật phầm mềm tại ĐH FPT, sinh viên sẽ được học các nhóm kiến thức như:

- Kiến thức căn bản về CNTT

- Quy trình phát triển phần mềm, từ phương pháp, kỹ thuật, công nghệ trong phân tích, thiết kế, phát triển, kiểm thử, bảo trì phần mềm và quản lý dự án phần mềm cũng như các ứng dụng CNTT theo xu hướng SMAC của thế giới.
(SMAC: viết tắt của Social - Mạng xã hội, Mobility - Di động, Analytics - Phân tích dữ liệu, Cloud - Điện toán đám mây)

- Ngoài ra, sinh viên có tối thiểu một học kỳ được học tập và đào tạo thực tế tại các công ty phần mềm có tiếng trong nước, có cơ hội học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành.

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 2.

Ngành CNTT phục vụ cho những nghề nghiệp nào? Hay học xong CNTT có thể làm những nghề gì?

Đối với ngành kỹ thuật phần mềm, sinh viên ra trường có thể làm các công việc như lập trình viên, Kĩ sư cầu nối, kiểm thử phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm, Quản trị dự án, Giám đốc kỹ thuật.

Đối với ngành An toàn thông tin, sinh viên ra trường có thể lựa chọn các công việc như Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng, Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu, Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn, Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống, Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin, Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin, Chuyên gia phân tích mã độc và ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính...

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 3.

Những tố chất cần thiết của sinh viên để theo học ngành CNTT?

Điều quan trọng nhất theo tôi là các bạn trẻ cần có đam mê và niềm yêu thích đối với công nghệ. Ngoài ra, các bạn giỏi về các môn khoa học tự nhiên, có tư duy logic, thích tìm tòi sáng tạo, làm nên cái mới sẽ là ứng viên vô cùng phù hợp với ngành học này.

Thêm nữa, chọn học ngành công nghệ thông tin, các bạn trẻ phải có một vốn ngoại ngữ nhất định.

Có một số ngành học sẽ "hot" trong một thời gian nhất định, nhưng ngành CNTT vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt hơn thập kỉ qua, vì sao?

Điều khiến CNTT chưa bao giờ giảm nhiệt vì ngành này đang là xu hướng phát triển của tương lai. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần công nghệ và những sản phẩm công nghệ cao. Dù là lĩnh vực nào đi nữa, dù là ngân hàng, hay hàng không, viễn thông, an ninh quốc phòng, tiêu dùng, giải trí... tất cả đều cần đến các ứng dụng CNTT. Có thể nói CNTT chính là hạ tầng của mọi hạ tầng.

Chính vì thế, nhu cầu nhân lực cho ngành này sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Theo định hướng quy hoạch quốc gia đến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1.000.000 lao động thuộc lĩnh vực này. Những điều đó lý giải vì sao CNTT vẫn luôn hot.

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 4.

Vậy có thể nói, hễ cứ học CNTT là ra trường có việc làm?

Đúng là nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT là rất lớn. Hầu hết các sinh viên ra trường đều có được việc làm. Tuy nhiên, theo những cuộc trò chuyện của tôi với các doanh nghiệp, các ứng viên mà họ lựa chọn bên cạnh kiến thức chuyên môn, cần phải giỏi ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Vì trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập như hiện nay, hai tiêu chí này vô cùng quan trọng, giúp các cử nhân CNTT nắm bắt được cơ hội, dễ dàng thích nghi và toả sáng hơn.

Do đó, khó có thể khẳng định cứ học CNTT là ra trường có việc làm lương cao. Nhưng chúng ta có thể khẳng định, những cử nhân CNTT giỏi ngoại ngữ, được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết chắc chắn sẽ nắm bắt được những cơ hội việc làm toàn cầu sau khi ra trường.

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 5.

 "Khó có thể khẳng định cứ học CNTT là ra trường có việc làm lương cao".

Vậy các trường đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu trên - tức là vừa đào tạo ra các cử nhân giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ và sành sỏi kỹ năng mềm hay chưa? Riêng đại học FPT đã làm gì để giải quyết nhu cầu này từ phía doanh nghiệp?

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ 2/3 số trường đào tạo về CNTT đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Và để giải quyết bài toán này, các trường đào tạo vẫn đang "bắt tay" với các doanh nghiệp để đưa ra những bộ giáo trình giảng dạy sát với thực tế nhu cầu lao động. Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn luôn cập nhật các giáo trình từ nước ngoài để đảm bảo lượng kiến thức giảng dạy chất lượng và "sát sườn" với xu hướng thế giới.

Tại đại học FPT, các giáo trình CNTT nói riêng và chương trình giảng dạy các ngành nói chung luôn được phát triển qua 3 màng lọc, đầu tiên, giáo trình cập nhật từ nước ngoài, để đảm bảo lượng kiến thức chuẩn và cập nhật nhất cho sinh viên. Tiếp đến, chuyên gia đào tạo của FPT chắt lọc để phù hợp với bối cảnh đào tạo tại Việt Nam. Cuối cùng, trước khi đưa vào giảng dạy, các chương trình đào tạo luôn được tham khảo ý kiến chuyên gia từ các doanh nghiệp, để đảm bảo đào tạo đúng nhu cầu thực tế, giúp sinh viên dễ kiếm việc làm đúng ngành khi ra trường.

Mô hình này khá thành công, sinh viên tốt nghiệp ngành này hiện làm việc tại những thị trường CNTT quan trọng của thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore với mức lương xứng đáng.

Hễ cứ học Công nghệ thông tin là ra trường sẽ có việc làm? - Ảnh 6.

Anh có thể dự đoán về xu hướng về ngành này trong 3-5 năm tới được không?

Những năm gần đây ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao (năm 2013 tăng 55,3% so với năm 2012) khiến cho nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng cao.

CNTT trong vài năm tới sẽ vẫn là một ngành "hot". Theo Sách trắng CNTT Việt Nam 2014, ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng một triệu lao động ngành CNTT, nhưng hiện tổng số nhân lực làm việc trong ngành này mới đạt hơn 440.000 người, trong đó kỹ thuật Phần mềm là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất trong khối ngành CNTT.

Còn theo báo cáo HR Insider 6 tháng đầu năm 2015 của Vietnamworks cho thấy ngành công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 1.200 việc làm tăng thêm so với cùng kỳ năm 2014.

Tôi đưa ra nhiều con số như vậy, để thấy rằng, không chỉ 3-5 năm tới, mà trong tương lai, nhu cầu nhân lực về CNTT là rất lớn. Do đó, theo học ngành này, các bạn trẻ không quá áp lực chuyện xin việc làm sau khi ra trường. Và nếu chọn được ngôi trường phù hợp, có được một việc làm mơ ước sau khi ra trường không phải là ước mơ xa vời.

Xin cảm ơn anh đã trả lời những thắc mắc này!

Hãy chờ đón những video tiếp theo của Bikipmuathi.vn vào thời gian sắp tới. Không chỉ riêng khối tự nhiên, các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh cũng sẽ có video chia sẻ rất nhiều bí quyết hay. Đừng bỏ lỡ bất kỳ điều gì nhé!

Bikipmuathi.vn - Hành trang cho các sĩ tử sắp bước vào kì thi Đại Học. Tất tần tật những gì bạn cần biết, muốn biết và nên biết về mùa thi năm nay đều sẽ được cập nhật một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.