Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất

Duy Vu, Theo Helino 00:21 29/03/2019

3 tháng kể từ khi ngọn lửa dữ quét qua thị trấn Paradise, bang California, Mỹ, cuộc sống của các cô cậu học sinh trung học tại đây đã có nhiều biến động. Mọi thứ dường như đều toát lên một vẻ thiếu thốn mất mát rõ rệt, song cách họ đương đầu với nó mới là điều đáng nói.

Ngày 8/11/2018, ngọn lửa Camp bùng phát tại thị trấn Paradise. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, hậu quả mà nó để lại đã là ngoài sức tưởng tượng, với hơn 85 người thiệt mạng, nhiều công trình và nhà cửa, trường học bị phá huỷ hoặc bị tàn phá nặng nề, trong số đó có Trường trung học Paradise. 

Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất - Ảnh 1.

Một tháng sau đám cháy, phần nào các em học sinh đã bắt đầu quay trở lại trường tiếp tục việc học. Số còn lại hoặc đã chuyển sang ngôi trường khác, thành phố khác hay thậm chí rời hẳn sang bang khác của Mỹ. Những người còn ở lại thị trấn cùng gia đình, hầu hết đều phải chịu những mất mát riêng dù là lớn hay nhỏ, dù chỉ là mất đi con thú cưng, hay thậm chí là mất đi cả ngôi nhà mình vẫn đang sống dưới sức công phá của ngọn lửa dữ.

Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất - Ảnh 2.

Những học sinh của thị trấn Paradise đều phải chịu những mất mát rất riêng.

Nhưng dù là đi hay ở, các cô cậu học trò tại trường trung học Paradise - những người đang ở tuổi đẹp nhất đời mình - vẫn có những cách rất riêng để vượt qua sự thiếu thốn, khó khăn ở thực tại.

"Chúng em đã học được nhiều điều, ngay cả khi phải đối diện với sự mất mát"

Vào cái ngày ngọn lửa Camp thiêu trụi nhà của cô học sinh cuối cấp Sarah Peters, em cùng gia đình đã phải chuyển vào một căn nhà tạm bợ với không cả gian bếp, tường thì vẫn chưa được sơn màu tử tế. Sarah cùng bố mẹ phải liên tục giữ ấm cơ thể bằng những chiếc chăn dày khụ, đơn giản vì nhà mới không có máy sưởi. 

Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất - Ảnh 3.

Sarah Peters chụp ảnh trước đống đổ nát mà cô gái trẻ từng gọi là "nhà".

Đây là tình trạng không riêng gì của cô gái trẻ, mà là của vô vàn các học sinh khác cũng mất đi mái ấm. Nhưng sau tất cả những khó khăn chồng chất, Sarah quyết định đối diện với nó bằng cách lấy chính bi kịch này làm nguồn cảm hứng cho bài luận xin vào trường đại học.

"Chúng em - những học sinh tại Paradise - đều là những người sống sót." - cô gái 17 tuổi nói. "Bọn em đều mất mát rất nhiều, nhưng hẳn đã học được nhiều điều sau tất cả những bi kịch ấy!"

Và những "điều mới" mà Sarah đề cập tới, nếu xét đến câu chuyện của một cậu bé 17 tuổi khác có tên Austyn Swarts dưới đây, có lẽ chính là thái độ sống lạc quan trước những thử thách giăng đầy trước mắt.

"Phải chuyển trường cũng khá khó khăn đối với em." - Austyn chia sẻ. "Nhưng em cảm thấy an toàn rồi. Lạ là khi bạn mất đi tất cả, mọi thứ từ bi kịch bỗng trở nên nhẹ nhàng, bình thản làm sao."

Những lời này được thốt lên từ một cậu học sinh đang phải ngủ trên ghế xofa nhà người thân. Hồi tháng 11 năm ngoái, Austyn cùng mẹ có cơ hội được chuyển đến một căn nhà thuê khang trang tại thị trấn Paradise, sau bao ngày phải ở nhờ nhà người khác; nhưng niềm vui không kéo dài bao lâu, vì chỉ 4 ngày sau đó, ngọn lửa Camp đã phá huỷ toàn bộ ngôi nhà mới, đẩy Austyn cùng mẹ quay trở lại chuỗi ngày ở nhờ. 

Và còn nhiều nữa những câu chuyện đau thương, song cách họ đương đầu với khó khăn mới là điều đáng khâm phục

Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất - Ảnh 4.

Học sinh Nate Dailey, 18 tuổi, đứng trên chiếc xe hơi đã cháy rụi của mình sau cơn hoả hoạn.

Giống như Austyn và Sarah, Nate cũng mất đi nhà riêng và cả chiếc xe hơi cá nhân mà bố mẹ mua cho em. Ít lâu sau vụ hoả hoạn, Nate đã phải học cách sống cuộc sống thiếu thốn trên chiếc xe buýt cùng hai người anh chị em ruột khác. Cậu học trò 18 tuổi cũng đã viết luận về trải nghiệm đầy khó khăn này và những điều Nate học được sau tất cả những bi kịch xảy đến với em.

"Bạn buộc phải có cái nhìn lạc quan về tất cả mọi thứ. Phải cố gắng tìm kiếm những điều tốt nhất trong thảm hoạ mà thôi!" - Nate nói.

Hậu thảm hoạ cháy rừng Mỹ: Cách những nạn nhân tuổi học trò phải đương đầu với khó khăn chồng chất - Ảnh 5.

Một học sinh khác, em Lilly Rickards, với hình xăm cây thông cháy nửa trên cánh tay sau khi cô gái 17 tuổi mất đi cả căn nhà trong trận hoả hoạn.

"Vì sao lại là cháy nửa ấy ạ? Vì khi cái cây cháy một nửa, sẽ vẫn còn hi vọng để nó hồi phục và tiếp tục phát triển." - Lilly cắt nghĩa.

Quả thực những học sinh tại trường trung học Paradise nói chung, hay những người quyết định ở lại thị trấn nói riêng, đều phải trải qua những tổn thất sâu sắc về mặt vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, những căn nhà bị thiêu rụi, những công viên xơ xác lá khô hay việc những cô cậu học trò phải xa rời bạn bè vì nhiều lí do khác nhau, đều đã, đang, và chắc chắn sẽ trở thành chất xúc tác cho một cuộc sống mới đầy ắp cơ hội cho các bạn trẻ. 

Nate Dailey và Sarah Peters, những người viết luận về vụ hoả hoạn, đều đã được nhận vào trường đại học mơ ước. Những nạn nhân trẻ khác cho biết họ vẫn đang nỗ lực để "làm quen với bi kịch". 

Không thể phủ nhận những mất mát quá lớn mà các em phải chịu đựng, nhưng cũng giống như hầu hết các thử thách mà một người ắt hẳn sẽ gặp phải trong quá trình trưởng thành, đây cũng là cơ hội để những nạn nhân trẻ tuổi của thị trấn Paradise có động lực để học cách tiến lên phía trước. Điểm chung lớn nhất của các em, có lẽ là câu nói "bạn phải giữ sự lạc quan thôi!" sau tất cả những biến cố diễn ra. Câu chuyện về một vụ hoả hoạn với sức tàn phá kinh khủng nhất trong nhiều thập kỷ tại Mỹ, hoá ra không chỉ mang hai chữ "bi kịch" mà còn có cả sự hi vọng ở đó, cũng chỉ nhờ thái độ lạc quan của những học sinh trường trung học Paradise.

(Theo CNN)