Như con chim trưởng thành, tuổi trẻ nào cũng muốn rời xa chiếc tổ, bay thật xa tìm kiếm những chân trời mới. Thanh xuân có muôn vạn chuyến đi nhưng tuyệt vời nhất vẫn là hành trình trở về ngày Tết.
Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 1.

"Về chưa con
Tiếc nuối chi những phồn hoa đô thị
Với những khôn lỏi, đớn đau và dị nghị
Về đi
Mẹ nuôi mà".

Tôi đã từng chưa biết gì về những câu thơ ấy, đã từng nổi cáu với con sông Vàm Cỏ sau mấy lần hụt chân uống nước sông, cũng đã dằn dỗi vì cái thiếu thốn quê mùa chẳng giúp tôi khá hơn với mấy môn ngoại ngữ. Tôi còn không ít lần khó chịu với thời tiết những ngày cuối năm, buổi sáng trời đầy sương, bụi đường đất đỏ cứ xù lên rồi bám từng lớp vào chiếc áo ba ướt lạnh và ở lại luôn trên áo. Tôi đã từng buồn bã với những khó khăn ở quê nhà, thất vọng, ra đi, tìm kiếm một miền đất hứa, nuôi dưỡng giấc mơ tuổi trẻ của mình một các đầy đủ hơn. Như con chim trưởng thành, tôi rời xa chiếc tổ, bay thật xa tìm kiếm những chân trời mới của đời mình…

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 2.

Cũng như tôi, bạn bè trang lứa háo hức chuyến đi đầu đời: Lên Sài Gòn, vào Đại học. Sau 4 năm nương tựa vào mảnh đất phồn hoa náo nhiệt, tôi tìm thấy rất nhiều điều cho tương lai, cho giấc mơ của mình. Nhưng tôi nhận ra giữa tim mình vẫn khuyết thiếu một điều gì đó mơ hồ, rất thân thuộc

Tôi vác ba lô lên và đi, suốt thời sinh viên tôi cùng bạn bè đi khắp miền Đông Nam Bộ. Tôi cứ ngỡ những khắc khoải trong lòng mình sẽ mất đi, những điều quý giá mơ hồ nào đó tôi sẽ tìm thấy. Nhưng rồi, tôi vẫn cảm giác nhớ nhớ điều gì đấy, tôi quay về căn phòng trọ Sài Gòn, dần quen với nhịp thở đó, chỉ lúc đó, tôi mới ngộ ra rằng một phần hơi thở của tôi có vị mặn của con sông quê. Những lúc Sài Gòn tấp nập, giữa dòng xe, tôi nhớ vô cùng những buổi sương sớm cuối năm. Tôi thương cả bụi đỏ đường làng, chiếc áo ba bám đầy bụi đỏ từng nuôi tôi lớn giờ thành động lực cho tôi thức dậy sau cơn ốm và lại lao vào những giấc mơ tuổi trẻ còn dở dang của mình.

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 3.

Những lúc thất bại, không muốn ba mẹ thấy tôi buồn, tôi lại trốn những chuyến về Đà Lạt. Tôi đi và đi, ngày càng xa và ngày càng nhớ nhiều về những điều tôi từng quay lưng, gắt gỏng…

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 4.

Năm 2017, ngại phố thị đông người, tôi rời khu trung tâm, cuốn ba lô quần áo, vào thuê trọ trong một xóm nhỏ gần vùng ven Phú Mỹ Hưng, nơi có nhiều con sông và cây cối còn nhiều. Ở đó, cuộc sống tôi gần hơn với láng giềng, tôi nghe được rất nhiều tâm tình của những người ở đó. Nhà sát bên cạnh anh giáo viên toán, hằng ngày, tôi nghe anh kể rất nhiều điều, nhưng nhiều nhất là chuyện về mẹ anh. Những câu chuyện của anh luôn làm tôi thấy ấm áp, thân quen và có một niềm an ủi rất lớn trong khoảng hụt hẫng giữa tim mình trong căn gác trọ.

Tôi nhớ nhiều những chiều sương cuối năm, độ ngày giáp Tết, khi tôi và những người con xa xứ nơi xóm trọ ấy chưa được về nhà.

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 5.

Chiều 23 Tết, anh thầy giáo trẻ trở về buồn bã, tôi hỏi sao, anh bảo con nhập viện vì sốt: Chắc Tết này anh không về! Nỗi buồn rười rượi trên gương mặt anh như lan sang cả gian phòng tôi ở. Cả năm ròng, vợ chồng anh giấu nỗi nhớ nhà, nhớ người mẹ quê bằng những câu chuyện kể để nguôi ngoai. Hai vợ chồng vất vả cố dành dụm tiền từ nghề giáo để cuối năm có được dăm bảy triệu đồng dư dả về quê cùng mẹ ăn Tết. Vậy rồi con ốm một chốc đã ngốn hết phân nửa. Anh trầm ngâm, tôi ngồi với anh bên lon bia Saigon trên chiếc bàn con cuối dãy phòng trọ. Mùi hương thoang thoảng, ai đó mới thắp đưa ông Táo về trời…

Chiều 25, thằng bạn thân chí cốt từ bé gọi điện từ Úc về, trong video, nó buồn hiu bảo:

- Mày biết gì không? Tao chẳng thấy Úc và Việt Nam xa mấy cho đến khi Tết đến gần.

Như kẻ có tội, nó lẩm nhẩm trách cứ chính mình:

Giá mà tao sắp xếp sớm, giờ đã có thể nghe mùi vạn thọ, nghịch vài viên pháo lậu, nghe mùi pháo thơm lừng mày nhỉ?

Tôi chẳng nói gì, chỉ nghe xung quanh mình mùi Tết quê bủa vây: Mùi nhang thơm quyện trong sương chiều, mùi lá đốt trong góc vườn nhà ai dọp dẹp cuối năm, mùi rạ đồng khô sau vụ gặt, mùi vạn thọ thơm ngát sực nức bao quanh, mùi ngòn ngọt của xửng mứt phơi bên hiên nhà… Chợt sống mũi nóng ran, nhớ da diết trong lòng ký ức tuổi thơ đêm 30, chỉ có mứt dừa.

- Mày nhớ cảm giác cay xè cái lần lỡ chấm vào thau mứt gừng của bà ngoại tao không? Tôi hỏi. Thằng bạn cúi đầu, giấu đôi mắt đỏ hoe vào những ngón tay đan…

Có lẽ, từ những ngày trong xóm trọ ấy, từ cái Tết năm ấy, tôi nhận ra cảm giác khuyết thiếu trong tim mình là gì. Tôi nhận ra có những điều quý giá không thể nào đổi lấy được bằng thứ khác. Dẫu có tìm kiếm bao nhiêu, khỏa lấp bao nhiêu, vẫn không thể nào. Tôi thấy thương vô cùng những điều tôi đã bỏ lại. Ngày ấy, tôi đâu biết con sông quê Vàm Cỏ là dòng chảy êm đềm nhất, có thể gột rửa tất cả những muộn phiền của tôi bây giờ. Tôi đâu biết những sáng cuối năm lại khắc vào tôi những nhớ thương, như một sợi chỉ dẫn lối tôi về với mái nhà bình yên ấm áp. Những thiếu thốn ngày đó, những thứ tôi quay lưng rũ bỏ ấy, là thứ đã cho tôi muôn dặm hành trình xa xôi bây giờ. Tôi ở đây… Còn Tết đang đến trên quê hương mình…

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 6.

Sáng 30 Tết, tất cả các bến xe, nhà ga, sân bay chật kín đầu người, tôi tiễn một người bạn ra sân bay. Nó vỗ vay bảo: "Sắp xếp nhanh về đi mày, ba má trông!". Tôi xử lý vài việc nên rời sân ga muộn khi đã vắng người, một bác bảo vệ vẫn còn làm việc trầm ngâm nhìn những nhành mai đang nở.

Tôi khẽ khàng: "Bác không về quê ăn Tết ạ?". Mặt người đàn ông đã ngoài 50 tuổi bỗng méo xệch như một đứa bé bị cướp mất quà, nhăn nhúm và khó khăn đáp lại câu hỏi dường như quá khó đến mức đau lòng của tôi: "Thiếu quê hương… ta về… về đâu?". Bác như bật khóc, tôi cầm chặt hết một bàn tay gân guốc, gầy guộc, xa lạ trong lòng bàn tay to của mình, nghe run run, nghe rõ niềm đau, tiếc nuối trong lòng người con xa xứ mưu sinh đến khi mẹ mất vẫn chưa kịp về. Để mẹ mất rồi như mất cả quê hương. Những giọt nước mắt xót xa cho những điều chưa kịp nói và những điều chưa kịp làm…mãi mãi là nuối tiếc.

"Về chưa con?" Bác quệt nước mắt, lau những dòng lấm lem trên nếp da đồi mồi.

-Dạ…con về!

Tôi cuốn hành lý chạy đi. Sau lưng tôi, bác bảo vệ già vẫn đứng giữa sân ga vắng, nhìn theo, cho đến khi tôi khuất lối. Lòng tôi như sắp vỡ tung những thứ cảm xúc vui buồn khó tả. Tôi lao đi. Tôi đã đi qua bao cuộc hành trình, đặt chân lên muôn ngàn mảnh đất, nhưng chẳng có nơi nào giống với quê hương. Như con chim trưởng thành, tuổi trẻ nào cũng muốn rời xa chiếc tổ, bay thật xa tìm kiếm những chân trời mới. Thanh xuân có muôn vạn chuyến đi nhưng giờ đây, với tôi, tuyệt vời nhất vẫn là hành trình trở về.

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 7.

Bởi, trở về ngày Tết là hành trình tôi gói trọn cảm xúc trong tim. Dù xuân đến xuân đi, nhưng chuyến trở về cuối năm đều mang những cảm xúc bồn chồn, háo hức như mới lần đầu.

Là nỗi lắng lo trước những đổi thay của mình và nơi thân thương đó? Liệu mọi thứ có quá khác đến không thể nhận ra? Nhà tôi giờ có khác lắm? Ba mẹ có vui vì thành quả của tôi sau nhiều năm xa nhà? Liệu con sông cũ có còn xinh đẹp và ôm trọn lấy tôi đầy bao dung như hồi thơ bé… dù rằng tôi đã ghét bỏ, ra đi?

Là cảm giác nao núng để gặp lại những gương mặt quen, những thằng bạn hồi lên ba lên năm, hay rủ tôi trốn mẹ đi bứt cỏ gà những chiều sương mùa Tết? Chút thấp thỏm băn khoăn liệu những người quen có quên mất mình, ông bà trong xóm gần nhà lại hỏi: Đứa nào đây bây? Sợ lớn lên giữa quê hương mình trở thành người lạ.

Là trông chờ mở nồi bánh tét, nôn nao khoảnh khắc đón Giao thừa, rộn ràng quần áo mới ngày mùng 1, nóng lòng mở bao lì xì của người lớn, những gói quà cô chú từ phương xa trở về.

Dẫu rằng chuyến hành trình nào cũng nhiều hăm hở, nhưng đó là chuyến đi có mỗi tôi và tôi. Còn chuyến hành trình về quê ăn Tết tôi hòa chung với rất nhiều người trong "cuộc di dân lớn nhất". Chuyến hành trình Tết có người già, trẻ nhỏ, có người lao động thật thà, có công chức nhà nước, có nhân viên văn phòng…xa lạ mà quen, cùng một nỗi niềm về quê đón Tết. Hành trình trở về còn mang cả tâm tình của tôi và những người thân yêu đang chờ mong. Nơi quê nhà, ba mẹ ông bà nao nức ra ngõ ngóng con cháu lòng đầy khấp khởi. Lo bắt ấm nước, luộc con gà, chỉ chờ mấy đứa nhỏ ào về đến cửa là lại nô nức, í ới, rôm rả, quây quần bên nhau. Trong mùi nén hương thơm trầm ấm áp, mùi vạn thọ sực nức, mùi bếp lửa củi tí tách, lòng ai nấy đều thấy nhẹ nhàng, an yên.

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 8.

Tiếng xe đỗ kịt trước cửa hàng rào xương cá, thằng cháu nhỏ bi bô ào ra sân. Tôi đã về nhà.

Chiều 30 Tết, tôi ngồi trước sân ngắm nghía mấy chậu mai vừa bung cánh. Thằng bạn chí cốt bỗng ào vào trước mặt.

- Sao mày bảo không về? Tôi nói nửa như hỏi nửa như trách.

- Tao nhớ Tết Việt quá mày, bấm bụng đặt vé đắt bay về!

Tôi không thể nào vui mừng hơn, xách ba lô, băng qua hàng rào râm bụt, qua bên nhà nó. Rồi kéo nó đi…

- Đi đâu mày?

- Đi ra cửa hàng đầu xóm, vác hai thùng Bia Saigon xanh, mừng mày về Việt Nam ăn Tết chứ sao nữa?

Trong buổi chiều xuân đẫm hương mai, tiếng nó cười khanh khách, vang xa giữa cánh đồng, tôi nghe như tiếng cười của nó hồi còn thơ bé. Sau lưng hai đứa tôi, một bầy trẻ con xúng xính áo đỏ áo vàng tung tẩy chạy theo như một đàn chim nhỏ…

Vây quanh gia đình, bên những món quà biếu ba mẹ, mâm tiệc đoàn viên chiều 30 Tết thơm nóng mùi thịt kho tàu, khổ qua hầm, bánh tét, dưa kiệu, lạp xưởng, thơm cả hương bia Saigon đậm vị thân quen . Chúng tôi nâng ly chúc mừng cả gia đình đã về đây tề tựu, sum vầy. Sau bao hành trình bay xa, đàn chim đã trở về bên tổ ấm. Bên thằng bạn thân, tôi chẳng nói nhiều, chỉ nâng ly này thôi là nó hiểu lòng tôi. Tình cảm tôi dành cho nó như thứ men hai đứa vẫn thích nhất, mùi thơm, vị đậm, men nồng như tình quê mộc mạc, thâm tình, không phải ồn ào, không cầu kỳ, chẳng phô trương, chỉ uống vào thì hiểu.

- Cảm ơn mày đã về! Tôi nâng ly.

Hành trình về nhà ngày Tết là hành trình tuyệt vời nhất - Ảnh 9.

Chuông điện thoại đổ một hồi dài, bên kia đầu dây anh giáo viên vội vàng, cuống quýt, tôi nghe thấy trọn niềm vui trong tiếng thở của anh:

- Con xuất viện rồi, anh về với mẹ anh đây! Nâng một ly chúc mừng anh được về nhà ăn Tết nhé!...

Xen lẫn niềm vui của anh và của tôi, giai điệu thân quen trong "Khúc giao mùa" vang lên đâu đó:

Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc.
Chào mừng một mùa xuân đang tới.
Ðêm nay đêm nay ngàn năm sẽ qua
Xuân theo ngàn năm mới về
Dù qua bao tháng năm dài
Tình người không phôi phai…

Trong khoảnh khắc Giao thừa đang tới, trong khoảnh khắc xuân tràn đầy, tôi nghe hơi thở mình, tôi nghe tim mình bồi hồi thổn thức. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà với tất cả, Tết được về nhà luôn là niềm hạnh phúc tuyệt vời, tròn đầy, mong đợi nhất, để gắn kết, để yêu thương. Và chuyến hành trình trở về nhà ngày Tết theo một cách nào đó trở thành chuyến hành trình hân hoan nhất trong mỗi người.


Tuyết Nga
Linh Yoo
Internet
22/01/2020