Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 29/04/2016

Một căn phòng được xem là "Kỳ quan thứ 8" của thế giới, chế tác từ hơn 6 tấn hổ phách, đã biến mất trong khói lửa chiến tranh và để lại nhiều câu chuyện huyền thoại trong giới săn kho báu.

Từ lâu, hổ phách đã được con người xem như một loại đá quý giá trị cao bởi mang màu sắc và vẻ đẹp quyến rũ. Thứ tuyệt tác này tạo thành từ nhựa của các loài cây thời cổ đại tiết ra chống lại mầm bệnh hay côn trùng gây hại. Sau thời gian dài bị vùi lấp dưới trầm tích, chịu nhiệt độ và áp suất cao, nhựa cây đã xảy ra phản ứng trùng hợp và hóa rắn, tạo thành thứ chúng ta gọi là hổ phách.

Nhưng bạn có tin được rằng trong lịch sử đã từng có người tạo nên cả một căn phòng rộng lớn bằng hổ phách, mang tên: Căn phòng hổ phách. Căn phòng "vô tiền khoáng hậu" đó đã có một hành trình vô cùng cùng li kì, để rồi biến mất một cách khó hiểu và trở thành kho báu bí ẩn bậc nhất trong Thế chiến II.

Quá trình xây dựng và thay đổi chủ nhân…

Căn phòng hổ phách bắt đầu được xây dựng vào năm 1701 theo lệnh của Frederick I, hoàng đế nước Phổ lúc bấy giờ (nay là Đức). Mục đích Frederick I khi xây dựng căn phòng xa hoa này là để đáp ứng ý muốn người vợ thứ hai của ông, Sophie Charlotte. Bà muốn dùng một căn phòng hổ phách để trang trí tại cung điện Charlottenburg tại Berlin, nơi nghỉ ngơi của Sophie và Frederick I.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 1.

Frederick I và Sophie Charlotte

Nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức Andreas Schlüter là người đảm nhận soạn thảo bản thiết kế căn phòng. Hai bậc thầy hổ phách là Ernst Schacht và Gottfried Turau đến từ Ba Lan phụ trách thi công. Việc xây dựng hoàn tất vào năm 1709, tại cung điện Charlottenburg, Berlin.

Đến năm 1716, trong chuyến thăm đến Phổ, Peter Đại Đế của Nga tham quan và tỏ ra rất thích thú với căn phòng hổ phách. Với ý định củng cố liên minh Nga – Phổ chống lại Thụy Điển, hoàng đế Frederick William I, người kế vị Frederick I đã tặng căn phòng cho Nga hoàng như một món quà hữu nghị.

Khi được đưa về Nga, căn phòng hổ phách được cho lắp đặt tại cung điện Catherine ở Saint Petersburg, nơi nghỉ hè của hoàng gia, và tiếp tục quá trình chế tác thêm bởi các thợ thủ công của cả Nga và Đức.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 2.

Cung điện Catherine, Saint Petersburg - nơi lắp đặt căn phòng hổ phách

Sau 10 năm được xây dựng, căn phòng hổ phách tổng cộng có diện tích hơn 55m2, với các bức vách được tạo ra từ hơn 6 tấn hổ phách, trang trí bằng vàng lá, gương bạc, cùng nhiều đồ vật quý giá khác. Các sử gia ước tính rằng, căn phòng vào thời điểm đó có giá trị tương đương hơn 500 triệu đô la Mỹ (khoảng hơn 11.000 tỉ đồng) ngày nay.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 3.

Căn phòng hổ phách được chế tác hoàn chỉnh tại cung điện Catherine

… và sự biến mất bí ẩn

Sau khi chế độ Sa hoàng kết thúc và nhà nước Liên Xô được thành lập, căn phòng hổ phách vẫn được xem là một bảo vật quốc gia.

Đến năm 1941, Phát xít Đức phát động xâm lược Liên Xô. Khi tiến quân tới Saint Petersburg, tập đoàn quân Bắc của Phát xít tiến hành tháo dỡ toàn bộ căn phòng trong vòng 36 giờ dưới sự giám sát của hai chuyên gia.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 4.

Một góc căn phòng hổ phách chụp năm 1931, bức ảnh được tô màu bằng tay

Các phần của căn phòng được đóng gói trong 27 thùng và di chuyển tới thành phố Königsberg của Đức (nay là Kaliningrad), sau đó được tái thiết và trưng bày tại lâu đài Königsberg bên bờ biển Baltic. 

Ngày 13/11/1941, tờ báo Königsberger Allgemeine Zeitung đã công bố chi tiết việc trưng bày nhiều phần của căn phòng hổ phách trong lâu đài.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 5.

Cảnh tượng còn lại sau khi căn phòng hổ phách bị Phát xít Đức tháo dỡ

Nhưng rồi đến cuối năm 1943, khi Thế chiến II dần đi vào giai đoạn kết thúc với sự thất thế của quân Phát xít, giám đốc bảo tàng Königsberg và cũng là một người đam mê hổ phách Alfred Rohde nhận được lời khuyên nên tháo dỡ và di chuyển căn phòng.

Vào tháng 8/1944, các cuộc đánh bom của quân Đồng minh phá hủy nặng nề thành phố Königsberg và biến tòa lâu đài lưu giữ căn phòng nổi tiếng thành đống đổ nát. Kể từ đó, căn phòng hổ phách đã biến mất không để lại dấu vết.

Do không tìm lại được bản gốc nên vào năm 1979, chính phủ Liên Xô đã cho dựng lại bản sao của căn phòng hổ phách tại thành phố Tsarskoye Selo. Quá trình phục dựng kéo dài 24 năm và cần tới sự làm việc tỉ mỉ của 40 chuyên gia của Nga và Đức trong lĩnh vực hổ phách.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 6.

Bản sao căn phòng hổ phách được chính phủ Liên Xô chế tạo lại dựa trên bản vẽ gốc

Và hành trình truy tìm lại căn phòng hổ phách

Một kho báu có giá trị khủng khiếp như vậy không thể tự nhiên biến mất, đúng hơn là con người sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Trải qua hàng chục năm, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải cho sự mất tích này.

Giả thuyết cơ bản nhất là căn phòng hổ phách thật sự đã bị phá hủy trong các cuộc ném bom của quân Đồng minh vào năm 1944. Tuy nhiên, không nhiều người bị thuyết phục, trong đó nhiều người vẫn tin rằng có thể căn phòng vẫn được lưu giữ an toàn tại một địa điểm bí mật trong thành phố Königsberg, mà ngày nay là Kaliningrad.

Cũng một số nhân chứng cho biết đã nhìn thấy căn phòng được đưa lên tàu Wilhelm Gustloff, mà sau đó con tàu bị tấn công và đánh chìm dưới đáy biển Baltic bởi ngư lôi từ tàu ngầm Liên Xô.

Hành trình truy tìm kho báu bí ẩn bậc nhất Thế chiến II - Ảnh 7.

Căn phòng hổ phách có khả năng bị chìm dưới đáy biển như nhiều kho báu khác...

Năm 1997, một trong bốn tấm khảm đá từng được dùng để trang trí căn phòng hổ phách được tìm thấy tại Đức. Tấm khảm thuộc sở hữu của gia đình một người lính đã chết, mà theo ông ta tuyên bố là người đã tham gia vào quá trình thu dọn căn phòng.

Hiện nay, căn phòng hổ phách vẫn được xem như một trong những kho báu mất tích được khao khát tìm thấy nhất. Vào tháng 8/ 2015, hai thợ săn kho báu nghiệp dư thông báo họ phát hiện thấy một con tàu bí mật của phát xít Đức được giấu trong một đường hầm ở gần thành phố Wałbrzych, phía Nam Ba Lan. Con tàu được cho rằng chở nhiều vàng bạc, kho báu, và trong đó có cả các phần của căn phòng hổ phách. Nhưng đến tháng 12 cùng năm, giới chức Ba Lan sau quá trình điều tra kết luận không có con tàu nào như vậy.

Hy vọng mới dành cho nhân loại?

Và vừa mới đây vào ngày 22/04/2016, Bartłomiej Plebanczyk, người chủ của bảo tàng Mamerki gần thị trấn Wegorzewo, Ba Lan cho biết đã tìm thấy một căn phòng ẩn sau một hầm chiến tranh cũ. Theo lời khai của một cựu cận vệ Đức Quốc Xã, vào mùa đông năm 1944, ông ta đã thấy các xe tải hạng nặng chở đến và bốc dỡ một loại hàng hóa lớn vào trong hầm.

Căn phòng ẩn lần nữa lại làm dấy lên nghi ngờ về nơi cất giấu của căn phòng hổ phách. Theo kế hoạch, sắp tới nhóm nghiên cứu dự định khoan một lỗ xuyên qua tường để đưa máy quay vào khám phá những thứ có bên trong. Đến khi đó, chúng ta sẽ biết liệu một trong những bí ẩn lớn nhất Thế chiến II cuối cùng đã được giải mã hay đây lại là một quả "bom xịt" nữa của giới săn kho báu.

Nguồn: Smithsonian, Theguardian, Dailymail