Hành trình thú vị của bánh trôi bánh chay: Từ một điển tích đến sự tinh tế của ẩm thực Việt

Minh Ngọc, Trà My, Theo Trí Thức Trẻ 11:08 30/03/2017

Trải qua bao nhiêu năm, phong tục ăn bánh trôi bánh chay đã trở thành nét đẹp văn hóa của riêng người Việt.

Người ta kể rằng vua nước Tấn khi lưu vong, được Giới Tử Thôi tận tình cứu giúp. Khi đoạt lại được ngai vàng, vua quên mất Tử Thôi, ông bèn bỏ vào rừng sống. Sau này nhớ ra, vua sai đốt rừng nhằm ép Từ Thôi trở về, nhưng ông kiên quyết ở lại và chết cháy. Vì thế vào dịp dỗ của Tử Thôi, người ta kiêng lửa lẫn nấu nướng, từ đó sinh ra ngày lễ hàn thực – tức thức ăn nguội.

Hàng năm vào dịp này, người Việt cũng thường ăn món nguội, nhưng với ý nghĩa hướng về nguồi cội, tưởng nhớ đấng sinh thành. Tết Hàn thực rơi vào tháng 3, là giao mùa từ xuân sang hè, nên đây cũng là dịp để cúng ông bà tổ tiên. Vì lẽ ấy mà họ đã sáng tạo ra bánh trôi bánh chay - hai món đơn giản mà để nguội sau khi cúng vẫn ngon, lại nhẹ nhàng thanh tao, hợp với thời tiết khi bắt đầu nóng lên.

Thành phần chính của hai loại bánh này là bột gạo nếp và đường. Nghe thì đơn giản, nhưng biến những nguyên liệu bình dân ấy trở nên ngon miệng, đẹp mắt mới thật kì tài. Nếp và đường đều phải chọn loại ngon, bột cho vào cối xay với nước cho mịn. Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết, việc xay bột nghe thì đơn giản nhưng lắm công phu nhất. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ, xay cùng nước, sau đó buộc vào túi vải treo lên. Qua một ngày, nước chảy hết mới thu được phần bột ngon để làm bánh.

Hành trình thú vị của bánh trôi bánh chay: Từ một điển tích đến sự tinh tế của ẩm thực Việt - Ảnh 2.

Bánh trôi gồm bột nếp với một viên đường ở trong, khi luộc chín sẽ nổi lên, nên gọi là bánh trôi. Lúc vớt bánh ra phải cho vào ngay thau nước lạnh để bánh không dính. Cái tài tình của người làm bánh là phải làm sao bánh chín dẻo mềm, không nát mà viên đường ở trong vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy mới có những viên bánh trôi tròn trịa, đẹp mắt để sắp lên bàn thờ.

Hành trình thú vị của bánh trôi bánh chay: Từ một điển tích đến sự tinh tế của ẩm thực Việt - Ảnh 3.

Bánh chay thì to hơn. Ngày nay, ngoài đậu xanh, nhân bánh chay còn có đủ loại từ đậu đỏ đến mè đen, thậm chí một số nơi còn dùng cả trái cây... Nước dùng với bánh cũng quan trọng không kém, tùy vùng miền và kết hợp các loại khác nhau, nhưng riêng ở Hà Nội, vào tháng 3 nhân mùa hoa bưởi thì nhất định phải có chút hương hoa trong bát bánh. Thơm nhẹ, thanh tao mà lưu luyến khó quên - hệt như ẩm thực nơi này. Cầu kì một chút, bỏ công một chút, các món ăn ngày Tết của người Việt đều nhằm thể hiện sự thành kính đến với tổ tiên.

Hành trình thú vị của bánh trôi bánh chay: Từ một điển tích đến sự tinh tế của ẩm thực Việt - Ảnh 4.

Bánh trôi bánh chay – tưởng dễ mà không dễ. Trong từng thao tác phải cẩn thận, tỉ mỉ thì bánh mới ngon, không bị dính và đẹp mắt. Dù là với hương vị nào, màu sắc nào, các viên bánh càng phải tròn đều càng tốt. Hình tròn là đại diện cho sự sung túc, như ý, là những gì tốt đẹp nhất mà con cháu muốn dâng lên đáng sinh thành.