Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ

Yingie, Theo Trí Thức Trẻ 16:14 04/11/2016

Không may mắn khi mắc căn bệnh quái ác nhưng chàng trai này chưa bao giờ đầu hàng số phận, người ta cố gắng một thì cậu cố gắng mười...

Con người ai cũng có ước mơ, nhưng vì lý do này, lý do kia mà ước mơ mãi bị trì hoãn. Chúng ta cũng thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, nếu chẳng may việc gì đó không được thuận lợi mà không biết rằng chúng ta sống ở đời, không phải ai cũng may mắn có được một cơ thể lành lặn, một gia cảnh tốt đẹp. Có những người dù mang trong mình căn bệnh quái ác, đi không nổi, nói chẳng thông nhưng chưa bao giờ họ ngừng cố gắng vượt qua hoàn cảnh. Có một chàng trai mắc bệnh bại não ở Trung Quốc đã truyền tải cho cả một thế hệ câu chuyện đầy cảm hứng như thế.

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 1.

Chàng trai đó là Mạc Thiên Trì sinh năm 1990, tới từ Hồ Nam, Trung Quốc. Mới sinh ra không lâu, cậu đã bị chẩn đoán mắc chứng bại não, cả đời chẳng thể đứng thẳng, không thể tự mình bước đi, nói năng ú ớ không thành tiếng, tốc độ viết cũng chỉ bằng 1/3 người bình thường. Thế nhưng, tất cả những điều đó đều không ngăn cản được cậu trở thành một tấm gương phi thường.

Hành trình kì diệu của Mạc Thiên Trì bắt đầu từ khi còn là một đứa bé. 2 tuổi mới biết nói, 4 tuổi mới biết ngồi, 7 tuổi làm xong phẫu thuật, hai chân cậu mới không còn bị đan chéo vào nhau. Từ lúc 8 tháng tuổi đã bị bác sĩ phán, rất có thể tương lai cậu sẽ chẳng thể bước đi, có khi còn bị ngốc. Tin đó như sét đánh ngang tai với bố mẹ của Mạc Thiên Trì, nhưng vì tấm lòng người làm cha làm mẹ, kể từ khi ấy, bố Thiên Trì đã kiên trì dạy cậu nhận mặt chữ. 1 tuổi rưỡi, Thiên Trì đã biết được 1500 chữ Hán. Tới năm 7 tuổi, cha cõng mẹ bồng, hai người thay phiên nhau cùng cậu tới trường. 

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 2.

Thiên Trì cùng mẹ.

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 3.

Thiên Trì cùng bố

Và quả thật, ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ, Thiên Trì cũng không hề làm bố mẹ mình thất vọng. Từ cấp 1 đến cấp 2, thành tích học tập của Mạc Thiên Trì luôn đứng trong top 3 của lớp. Tốt nghiệp cấp 2, với bảng điểm toàn A của mình, Thiên Trì được đặc cách theo học trường cấp 3 trực thuộc Đại học Sư phạm Hồ Nam. Năm 2010, cậu được nhận vào Đại học Trung Nam với thành tích khá cao. Cả 4 năm học tập tại trường, thành tích của Thiên Trì luôn duy trì ở top đầu. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2014, những trường đại học tốt nhất Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa cũng có đề nghị Thiên Trì tới đó học cao học nhưng Thiên Trì quyết định ở lại trường cũ để tiếp tục đào tạo chuyên sâu và làm nghiên cứu sinh ngành phần mềm.

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 4.

Mẹ Thiên Trì kể: "Ngoài ăn và ngủ, còn đâu Thiên Trì hầu như dành hết thời gian cho việc học", còn bố Thiên Trì yên lặng đưa ra tổng kết: "Con trai tôi bình thường tiêu tốn ít nhất 12 tiếng cho việc học, tính cả nghỉ đông và nghỉ hè. Tính hết 4 năm đại học, thời gian thằng bé dùng để học phải quá 17.000 giờ rồi!" Bước vào phòng của Thiên Trì, bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi chủ nhân của nó lại là một người bị bại não. Những giá sách đầy ắp được xếp chỉnh tề, giấy khen dán chi chít trên tường, chăn gối được xếp gọn gàng...

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 5.

Làm nghiên cứu sinh được 2 tháng, Thiên Trì đã phát biểu luận văn tiếng Anh tại Hội nghị Công nghệ Châu Á Thái Bình Dương, làm tiền đề cho anh tốt nghiệp thạc sĩ sớm. Về luận văn, Mạc Thiên Trì kể cậu đã phải dùng hai ngón tay gõ từng chữ từng chữ một trên bàn phím. "Những lúc bận, tôi thường đi ngủ sau 1 giờ sáng. Còn ngủ trưa thì hoàn toàn không có thời gian. Tuy sức khỏe của tôi không được như các bạn cùng trang lứa, nhưng điều đó không có nghĩa là việc học hành, nghiên cứu của tôi cũng vậy." - Mạc Thiên Trì cho biết.

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 6.

Để học tiếng Anh cho tốt, Thiên Trì chọn cách xem phim mà không phụ đề, rồi tìm đọc những bài luận tiếng Anh để duy trì cảm giác đọc. Kết quả là tháng 10/2015, khi tham gia vào kì thi TOEFL tại Hongkong, được miễn phần thi nói (30 điểm) vì tốc độ nói quá chậm, không thể hoàn thành trong thời gian quy định, Thiên Trì đã đạt được số điểm 86/90, tức là phần thi nghe, viết cậu đều đạt điểm tối đa, còn phần đọc để sai 1 câu. 

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 7.

Tháng 8 năm nay, Thiên Trì cũng đã hoàn thành bài thi GRE - Bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược, Luật) tại Mỹ với số điểm 329/340, đặc biệt, lượng từ vựng tiếng Anh của cậu đã lên tới 15000 từ. Đó là một thành tích mà kể cả những người bình thường cũng khó có thể đạt được.

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 8.

Thiên Trì cũng vừa hoàn thành việc phát biểu 2 luận văn tiếng Anh, và đang trong giai đoạn chuẩn bị ra nước ngoài du học. "Tôi đã nộp hồ sơ vào một số trường như Đại học Stanford, đại học Carnegie Mellon, đại học Purdue và đã có một số giáo sư phản hồi." Thiên Trì chia sẻ rằng, do rất muốn học Tiến sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo nên cậu đã xin theo học tại 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ, cũng có một số giáo sư hướng dẫn đề nghị cậu nộp vào trường của họ nhưng kết quả chính thức thì phải chờ đến khoảng đầu năm 2017 mới biết. 

Hành trình kì diệu của chàng trai bị bại não nhưng vẫn tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh 9.

Trong thời gian chờ đợi, Thiên Trì cũng không ngồi chơi mà cậu còn dành tâm huyết để viết những cẩm nang cách học và thi TOEFL, GRE chia sẻ cùng mọi người.

Được biết, thần tượng lớn nhất của Mạc Thiên Trì chính là thiên tài Stephen Hawking. Nhưng khi được so sánh với Hawking, Thiên Trì cũng mỉm cười và nói: "Tôi chắc chắn là không thể so sánh được với Hawking. Tôi ngưỡng mộ ông ấy, ông ấy là động lực cố gắng của tôi nhưng ông ấy không phải mục tiêu của tôi. Tôi hy vọng tôi có thể mang đến cho chính tôi, bố mẹ tôi, những người yêu thương tôi một cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp nhất. Có lẽ ở phương diện này, tôi có hơi "đời thường" một chút."