Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong "First Man"

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 16/10/2018

Bộ phim tiểu sử về sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của Mỹ "First Man" (Bước Chân Đầu Tiên) tiếp tục thể hiện tài năng đạo diễn của Damien Chazelle khi tái hiện hành trình chinh phục không gian đầy nguy hiểm và thử thách vào thập niên 60.

Trong bộ phim The Right Stuff (Điều Đúng Đắn) từng giành được 4 giải Oscar vào năm 1984, nhân vật phi công Chuck Yeager (Sam Shepard) đã móc mỉa NASA và chương trình tàu vũ trụ của họ bằng câu này: "Bất cứ ai đi lên thứ đó thì đều thành thịt hầm trong can sắt". First Man (Bước Chân Đầu Tiên) của đạo diễn Damien Chazelle đã dành ra 2 tiếng 20 phút để chứng minh người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng lớn lao hơn nhiều một... miếng thịt hộp. Hoành tráng và chân thực, First Man tiếp tục là thành công lớn của tài năng trẻ Damien Chazelle cùng cái duyên màn ảnh với Ryan Gosling.

Trailer "First Man"

Chúng ta thường chỉ biết tới khoảnh khắc Neil Armstrong bước ra từ con tàu vũ trụ, đặt bước chân đầu tiên xác tín sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng mà không biết tới những hy sinh và áp lực trong suốt quá trình 10 năm chạy đua để đưa con người lên mặt trăng "từ chỗ không có gì trong tay" như giám đốc cục du hành vũ trụ Deke Slayton đã nói. Hàng chục tỉ USD tiền thuế của người Mỹ, nhiều năm liền phát triển lý thuyết không gian và không ít người phải chết, những gia đình mất đi người thân, vợ mất chồng, con mất cha, lòng tin của xã hội lung lay.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 2.

Neil Armstrong và nỗi ám ảnh với chị Hằng

Không có chất anh hùng của Apollo 13, First Man là hành trình quyết đoán và chân thực tới gai góc để chinh phục thứ tưởng như hoang đường. Đúng như Ryan Gosling mô tả trong một lần họp báo rằng "Neil Armstrong không nghĩ rằng anh ta là một người hùng nước Mỹ", nhân vật này dưới góc nhìn của Chazelle là một phi công ám ảnh với mục tiêu mình đặt ra. Armstrong không cho rằng anh ta là anh hùng của người Mỹ, anh ta không quan tâm. Thứ duy nhất khiến anh ta nghĩ về trong thập niên 60 ấy là đưa được người lên mặt trăng, cùng với nỗi đau mất mát khi con gái nhỏ bị bạo bệnh mà ra đi.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 3.

Thảm họa Apollo 1 năm 1967 cướp đi sinh mạng của 3 phi hành gia là đồng nghiệp của Neil càng khiến sứ mệnh chinh phục "cục đá" khổng lồ trên bầu trời kia đối với anh chỉ còn là sớm hay muộn.

Neil của Gosling, của Chazelle là một người tuyệt đối trung thành với mục tiêu anh ta đặt ra tới mức ám ảnh. Neil hát ru cho con gái rằng "Ta nhìn lên trăng và trăng nhìn lại ta". Neil khiêu vũ với vợ trên nền nhạc của bài Lunar Rhapsody. Người ta không thấy được sự lãng mạn trong cái ôm của Gosling với Claire Foy như cái cách anh từng hát cho Emma Stone cũng trước màu rèm cửa xanh ngọc giữa bóng tối của La La Land.

Hai thái cực cuộc đời: Nhiệm vụ không gian nguy hiểm và đời tư tẻ nhạt

Bất chấp sự xuất sắc của Claire Foy, mối quan hệ của Neil Armstrong và người vợ Janet không có được sự rung động và cảm thấu mà khán giả có thể thấu hiểu. Người ta thấy một sự kháng cự từ Neil, hay từ chính Ryan Gosling cố gắng chôn mình vào công việc sau cái chết của con gái vì u não. Tương tự, những mối tương tác giữa Neil với xã hội từ các cảnh uống bia, trao đổi với sếp và đồng nghiệp, hay họp báo... cũng chưa thực sự tạo được sức nặng. Đúng như tờ Slate đã nói Chazelle, giống như người hùng trong câu chuyện của anh ta, cố gắng câu giờ khi tương tác với người khác kiểu lấy lệ cho tới một sự kiện không gian dữ dội nào đó xảy tới.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 4.

Hai thái cực cuộc đời của Neil Armstrong đã được tái hiện rất rõ ràng như một con người lãnh đạm với tất cả những điều không liên quan tới mặt trăng.

Chỉ khi ngồi trong "chiếc hộp sắt" với những âm thanh chát chúa vang lên khi con tàu cất cánh, khán giả mới thực sự được sống trong không gian nghệ thuật của Chazelle. Vị đạo diễn cùng nhà quay phim Linus Sandgren, nhà hiệu chỉnh âm thanh Phil Barrie cùng âm nhạc của Justin Hurwitz đã khiến những sứ mệnh vũ trụ trở nên hoành tráng và kịch tính hơn bao giờ hết. Sử dụng máy quay cầm tay với góc nhìn từ trong mũ bảo hiểm trông ra, vũ trụ đen đặc và khắc nghiệt vô cùng trong First Man.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 5.

Khán giả có cảm giác rằng chính mình đang bị nhồi nhét trong khoang tàu chật chội nóng hầm hập, bản thân con tàu thì quay mòng mòng muốn lả đi và tiếng cháy nổ ầm ầm bao vây tứ phía, thậm chí đến cả tiếng kẽo kẹt của sắt thép bị vặn xoắn và tiếng ốc vít xiết cũng thật gai người. Tiếng những nút bấm tắt bật, tiếng ro ro của điện, cảm giác không khí bị nén lại và xì ra chân thực tới nỗi ta như ở đó trải nghiệm cùng nhân vật.

Hình ảnh đẹp mắt và... chóng mặt

First Man tất nhiên không phải là phim tài liệu bởi phong cách quay phim cầm tay (handheld) rung lắc đến "mụ cả người" và zoom vào mắt mũi nhân vật. Điều có lẽ khiến khán giả khó chịu giữa rất nhiều điểm tuyệt vời của First Man chính là việc bộ phim quá dựa dẫm vào hiệu ứng quay phim rung bần bật và xoay vòng khiến người xem chóng mặt, đau đầu. Giữa tất cả hỗn loạn đó, hình ảnh Neil Armstrong của Ryan Gosling lại quá đỗi điềm đạm và xa cách giống như sỹ quan K của Blade Runner 2049 vậy. Đến tận cùng, ta vẫn không hiểu được hết điều gì đã xảy ra trong đầu của phi hành gia này.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 6.

Đây có lẽ là ý đồ của Damien Chazelle, nhưng ước gì anh biết kiềm chế nó lại một chút để thương những người xem có tiền đình kém.

Phần hình ảnh trong vũ trụ và bề mặt mặt trăng trong First Man được thực hiện chỉn chu không có gì phải phàn nàn. Đại cảnh hạ cánh xuống vệ tinh của Trái Đất hiện lên thật choáng ngợp và cô đơn trên nền bài "The Landing" tuyệt vời của Justin Hurwitz, mà có lẽ chỉ có màn hình IMAX mới có thể lột tả được hết. Trang phục và tạo hình cùng tư liệu trong phim mang đậm màu sắc thập niên 60.

Hành trình chinh phục Mặt Trăng kịch tính và chóng mặt trong First Man - Ảnh 7.

First Man đúng là một hành trình kiên định của một phi hành gia chu du trong vũ trụ, nhưng dường như anh đã tự xa cách mình khỏi vai trò người chồng, người cha như một sự đắp đổi để có được thành tựu. Bộ phim có sự chỉn chu trong tay nghề đạo diễn Damien Chazelle từ góc quay tới những sự kiện cao trào, thế nhưng vẫn thiếu đi thứ gì đó để có thể trở thành một hành trình cảm động. Đúng như cô vợ Janet đã nói: "Các anh vẫn chỉ là những đứa trẻ giả vờ như các anh hiểu mình đang làm gì", hết phim khán giả cũng vẫn chưa hiểu được làm thế nào mà Neil Armstrong đã hoàn thành sứ mệnh mặt trăng, và anh thực sự nghĩ gì khi đặt bước chân đầu tiên của nhân loại xuống lớp cát mặt trăng.

Phim dự kiến khởi chiếu từ ngày 19/10/2018 tại các rạp trên toàn quốc.