Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 30/04/2016

Bị câm điếc bẩm sinh nhưng Khả Ái không theo học tại trường chuyên biệt mà vẫn đều đặn hoàn thành 12 năm học như bao bạn bè của mình. Miệt mài theo hành trình của Ái là người cha, người thầy tận tụy dạy con gái từng tiếng nói, câu chữ và cả cách sống hào sảng với đời.

Kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh

"Vợ chồng tôi thực sự bàng hoàng, không thể tin vào tai mình khi nghe bác sĩ cho hay đứa con gái bé bỏng của tôi bị khiếm thính. Mỗi vòng đạp xe cứ như nặng dần theo đôi chân từ bệnh viện Nhi Đồng về nhà. Tôi cố gắng nuốt nước mắt vào trong lòng. Quá thất vọng khi nhận ra sự thật rằng tất cả ước mơ và tương lai của con mình bị vỡ tan..." - Những dòng nhật ký trên facebook của anh Trần Khương (44 tuổi, quận 12, TP. HCM) khiến ai đọc cũng thấy nghẹn lòng.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 1.

Trần Lê Khả Ái (học sinh lớp 12 trường THPT Lý Thái Tổ, quận Gò Vấp) bị câm điếc bẩm sinh.

Anh mở đầu câu chuyện về chặng đường 18 năm tìm lại tiếng nói cho cô con gái đầu lòng của mình bằng những cảm xúc chân thật như thế. Từ niềm mong mỏi, sự kỳ vọng trong ngày Khả Ái ra đời, cho đến khi tin buồn giáng xuống vợ chồng anh, anh đều đặc tả một cách trọn vẹn qua từng câu chữ.

Anh gọi hành trình để con mình có thể nghe nói lại được như người bình thường giống như việc chơi kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh. Gần 30 tháng từ lúc sinh ra, Ái vẫn không thể cất tiếng nói dù chỉ là một chữ "A", huống chi là tiếng gọi "ba", "mẹ" mà vợ chồng anh hằng khát khao, hằng mong ước được nghe.

Một ngày của anh Trần Khuơng và cô con gái Khả Ái - Thực hiện: Quỳnh Trân.

Sau câu chuyện đáng ngưỡng mộ của hai cha con được chia sẻ trên facebook, chúng tôi đã đến thăm anh và Khả Ái vào những ngày cuối tháng 4, khi cái nắng Sài Gòn vẫn chưa thôi gắt gỏng. Anh vừa chở Ái từ trường THPT Lý Thái Tổ về ngôi nhà nhỏ ở quận 12, cho con gái ăn cơm, nghỉ ngơi để tiếp tục tiết học buổi chiều. Khả Ái là một cô bé có gương mặt thanh tú, em ít khi cười trừ những lúc trò chuyện với ba.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 3.

Ái không theo học trường chuyên biệt mà muốn được học cùng những người bạn bình thuờng.

Trò chuyện đúng nghĩa là trò chuyện, nghĩa là Ái vẫn có thể hiểu được ba nói gì dù em bị khiếm thính, và em cũng có thể đáp lại lời ba dù chỉ là những câu chữ không tròn trĩnh, khó nghe nhưng đủ để hiểu được. Ái nhìn khẩu hình miệng cùng ngôn ngữ cơ thể của ba để hiểu, và nỗ lực cất lời chứ không cần ký hiệu hay phải viết ra giấy. Cứ nhìn cha con họ trò chuyện cùng nhau, người ta mới hiểu chặng đường cả hai cùng đi qua vất vả thế nào để được như ngày hôm nay.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 4.

Dù câm điếc nhưng Ái và ba vẫn có thể trò chuyện với nhau suốt cả ngày.

Cha con cùng học và đi qua những kỳ thi đầy nước mắt...

18 năm ròng bên con, là một người cha, người bạn, anh Khuơng cũng là một người thầy cùng con đèn sách mỗi tối. Tất cả những kỷ niệm, buồn, vui, vụn vỡ suốt chừng ấy năm, anh Khuơng nhớ hết. Anh nhớ từ những bài đồng dao mà anh và các cô giáo đã dạy cho Khả Ái ở lớp mầm non cho đến những câu chuyện cổ tích lớp 1 mà cả nhà phải cùng đóng vai thành những nhân vật để giúp Ái hiểu rõ câu chuyện và phát triển khả năng giao tiếp của mình.

Anh kể về mỗi kỳ thi năm lớp 7, lớp 8, khoảng thời gian mà Ái bù đầu với sách vở và đều cài báo thức để dậy sớm ôn bài. Vì không nghe được nên Ái cài chế độ rung và nắm chặt điện thoại trong tay. Khi điện thoại rung thì Ái bật dậy học bài.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 5.

Anh Khuơng là một người cha, nhưng cũng là người thầy tận tụy dạy con cất tiếng nói như người bình thường, để con gái có thể hòa nhập được với những người bạn trong trường.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 6.

"Mỗi lần cô Ngữ văn dạy thêm là tôi lại đến ngồi kế bên để nghe giảng và khi cô về thì giảng lại cho con mình", anh Khuơng kể.

Chặng đường hai cha con đã đi không phải lúc nào cũng êm đẹp. Thi tốt nghiệp cấp 2 để vào lớp 10, Ái thiếu 1 điểm để đậu. Nỗ lực bất thành khiến Khả Ái suy sụp và thất vọng về bản thân rất nhiều. Nhưng anh Khuơng không vì thế mà bỏ cuộc, anh nói với con gái rằng thua keo này thì bày keo khác, không vào được trường công lập thì học Bổ túc văn hóa, Trung cấp nghề hay trường dân lập, nhưng Khả Ái vẫn buồn và thất vọng rất nhiều.

Nhờ quen biết với thầy Lê Thanh Vương - hiệu phó của trường THPT Dân lập Lý Thái Tổ, anh Khuơng đã trao đổi trường hợp của con gái cho thầy và mong muốn gửi gắm con theo học. "Với sự giúp đỡ của nhà trường từ việc học phí cho đến kèm cặp con mình, Khả Ái đã tiến bộ hơn từng ngày. Cuối năm lớp 10, bé Ái được học sinh tiên tiến, điểm trung bình cả năm là 7,2 điểm", anh Khuơng tự hào khoe.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 7.

Vấp ngã và đứng dậy tiếp tục hành trình, Ái và ba vẫn bền bỉ cho đến những ngày thi cuối cùng của 12 năm đèn sách.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 8.

Các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Ái đều học rất tốt, điểm trung bình các môn đều trên 7,5 điểm.

"Khả Ái là thiên thần, khiếm khuyết chỉ vì sơ suất của ông trời mà thôi"

Cặm cụi bên chiếc máy khâu để hoàn tất sản phẩm cho khách hàng, anh Khuơng kể về những tháng ngày khó khăn khi phải chạy vạy tiền để mua máy trợ thính cho con. Anh và vợ đều làm nghề may, vợ anh may áo dài, có cửa hiệu nhỏ riêng, anh ở nhà nhận may đồng phục cho nhân viên, công nhân các xí nghiệp. Ái và cậu em trai đều lớn lên nhờ chiếc máy khâu của ba và mẹ.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 9.

Anh tranh thủ lúc con gái nghỉ trưa để chỉnh sửa quần áo cho khách hàng.

Dù khó khăn nhưng anh Khuơng rất ngại nhận sự giúp đỡ của người khác. "Tôi luôn dạy Ái không được ỷ lại, không được chủ quan. Ngày trước có nhiều thầy cô thương Ái, ngỏ ý muốn nâng điểm lên cho Ái, nhưng tôi không đồng ý. Con bé thi được bao nhiêu điểm thì đem bấy nhiêu điểm ấy về, đó là điểm của con tôi, là thành quả của nó, dù thấp tôi cũng vui vẻ đón nhận", anh nói.

Về phần anh, sau khi đọc những dòng nhật ký trên facebook, cũng có nhiều mạnh thường quân muốn cho tiền hai bố con, nhưng anh cũng từ chối. Anh nói, mọi người muốn giúp thì giới thiệu mấy đơn vị cần may đồng phục, áo dài cho gia đình anh biết là được, anh muốn kiếm đồng tiền bằng chính sức lao động của mình và cũng là để làm gương cho con gái.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 10.

Anh luôn dạy con tự lập từ nhỏ, rằng người ta có thể giúp mình một lần, chứ không ai giúp mình cả đời. Cuộc đời mình, mình phải tự đứng lên từng ngày thôi.

18 năm vui buồn cùng con, đối với anh, Khả Ái cũng như những đứa trẻ được hạ sinh trên thế gian này, tất cả đều là một thiên thần, có khiếm khuyết hay chăng là do sơ suất nhỏ nhặt của ông trời mà thôi. "Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con. Tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời gièm pha mà đánh mất tương lai của con mình", anh chia sẻ.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 11.

Mỗi sáng, anh chở Ái đến trường rồi trưa đón về, cho Ái ăn uống, nghỉ ngơi rồi đầu giờ chiều lại tất tả đưa con đi học. Học xong ca chiều, anh mang cơm lên cho con ăn để tiếp tục học thêm đến tối.

Khả Ái rất thích vẽ, em ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang trong tương lai, sau đó sẽ mở cửa hiệu riêng giống như mẹ, và em sẽ nhận những đứa trẻ câm điếc vào làm.

Đã có vài trường Đại học ngoài công lập cấp học bổng toàn phần cho Ái, nhưng em vẫn không vì thế mà ỷ lại, Ái vẫn thức khuya dậy sớm học bài, vẫn sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp để lấy điểm xét vào Đại học, dù số điểm đó cao hay thấp nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn với Ái vì đó là thành quả 12 năm nỗ lực của Ái, và cả của ba Khuơng nữa.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 12.

Ái đeo máy trợ thính nên đã có thể nghe được thanh âm xung quanh, nghe được cả giọng nói của mình dù rất nhỏ, thế giới của em so với bạn bè có phần thiệt thòi hơn nhưng không vì thế mà Ái buồn tủi, em vẫn muốn được đối xử bình thường như bao học sinh khác.

Hành trình 18 năm người cha đi tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc - Ảnh 13.

Nếu bạn có thể trò chuyện quên thời gian với một cô gái bị câm điếc bẩm sinh, không cần dùng ký hiệu, không cần giấy bút, người đó chỉ có thể là Khả Ái.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày