Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 10:04 27/07/2016

Liên quan đến vụ xe ô tô 7 chỗ lao từ cầu cạn vành đai 3 xuống đất khiến 1 người tử vong, ngày 26/7, Sở GTVT Hà Nội đã đặt dải phân cách bê tông để cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cái "bẫy" tồn tại.

Vụ tai nạn hy hữu xảy ra vào khoảng 2h ngày 25/7 xe 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva do tài xế Nguyễn Văn Lý (43 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) điều khiển chạy hướng từ cầu Thanh Trì về Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi đến đường trên cao Vành đai 3, đoạn ngã ba Pháp Vân, xe đâm văng lan can cầu cạn và lao xuống đoạn giữa phố Bùi Huy Bích.

Bị bắn văng xuống đường, anh Lý tử vong tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào góc chuyển tiếp làn đường của đường trên cao, rồi rơi xuống phía dưới tử vong.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 1.

Góc nơi ô tô 7 chỗ lao xuống đất khiến tài xế tử vong đang được sửa chữa lại.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 2.

Dải phân cách bị ô tô húc văng đã được đổ bê tông lại.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 3.

Theo nhiều tài xế, những điểm như thế này gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 4.

Lan can chắn bị húc móp chưa được lắp đặt lại.

Chiều 26/7, theo ghi nhận của chúng tôi, quanh nút giao Vành đai 3 trên cao xuống Pháp Vân - Giải Phóng ít nhất có 3 đoạn phần góc chuyển tiếp làn đường được thiết kế vuông góc. Tuy nhiên, chỉ có điểm đối diện với phố Trần Huy Bích, quận Hoàng Mai được thiết kế thuận chiều xe chạy. Nhiều tài xế cho rằng đây là cái bẫy đối với phương tiện, đặc biệt đi vào ban đêm. Tại điểm này, mặt đường trên cao được thi công với đoạn lan can cao bằng bê-tông khoảng 50cm và khoảng 50cm lan can bằng kim loại.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 5.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa cho lắp đặt dải phân cách bằng bê tông, sơn phản quang, đặt theo hình vòng cung để chắn trước lối dẫn đến góc vuông chuyển tiếp làn đường.

Tại điểm góc đường trên cao gần nút giao với Pháp Vân có một phần góc chuyển tiếp cũng không khác gì cái bẫy nguy hiểm đối với những phương tiện đi ngược chiều. Đáng chú ý tại điểm này phần ốc lan can đã bị bung ra. Khung sắt bắt mối hàn cũng bị tách rời và không những thế chân cột lan can gắn với mảng bê-tông đã bị bung cả mảng, nứt toác. Nhiều người cho rằng điểm này rất có thể do bị va chạm từ trước đó.

Để tránh tai nạn đáng tiếc như rạng sáng ngày 25/7, Sở GTVT Hà Nội sử dụng dải phân cách bằng bê tông, sơn phản quang, đặt theo hình vòng cung để chắn trước lối dẫn đến góc vuông chuyển tiếp làn đường. Từ đó giúp các lái xe vào ban đêm dễ quan sát.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 6.

Tại điểm góc vuông gần Pháp Vân cũng vô cùng nguy hiểm.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 7.

Theo đó, cột lắp đặt lan can cũng đã bung mảng bê tông lớn.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 8.

Đinh ốc lan can bung ra...

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 9.

Và không ăn khớp với nhau. Nếu lắc mạnh rất dễ văng ra.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 10.

Thanh sắt đã bị bung mối hàn.

Sau sự việc trên, nhiều người cho rằng nguyên nhân tai nạn không riêng lỗi của tài xế mà còn có cả lỗi của nhà thiết kế, thi công. "Sau sự cố lần này, tôi mới để ý rõ rằng nó không khác gì cái bẫy chết người. Nếu ai đó không để ý, thiếu quan sát là sập bẫy ngay. Đáng ra đoạn này phải làm hẹp dần dần thì lại cụt luôn thế này, nhìn đã thấy vô lý", anh Nguyễn Văn Hùng, một lái xe tải chia sẻ.

Theo anh Hùng đường cao tốc thì phần lan can phải làm dọc theo hướng xe chạy chứ không vuông góc như thế này. "Việc thiết kế vuông góc như thế này nếu không có sơn phản quang hoặc lâu ngày sơn phản quang bị mờ sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và gây nguy cơ tai nạn đáng tiếc mới xảy ra", anh Hùng nói.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng lỗi phần lớn do tài xế có thể chạy tốc độ nhanh đã không chú ý quan sát dẫn đến xảy ra tai nạn. Nhiều năm qua kể từ khi khánh thành chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 11.

Những dải phân cách bằng bê tông, sơn phản quang sẽ giảm tai nạn về đêm.

Hà Nội: Những nguy hiểm cận kề trên cầu cạn vành đai 3 sau vụ ô tô lao xuống đất - Ảnh 12.

Từ đó giúp tài xế dễ quan sát hơn.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (PMU Thăng Long) - chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 trên cao cho biết, đây là công trình được Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Phương Đông – OCI thiết kế và được đối tác phía Nhật Bản xem xét và thẩm định phê duyệt. Dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ 10/10/2010.

Đoạn đường trên cao này được thiết kế hẫng 1 nhịp dầm như hiện tại bởi nó liên quan tới yếu tố hình học của tuyến đường. Nhà thiết kế đoạn mở rộng này là dành cho nhánh từ dưới đi lên cầu theo đường cong. Tới đoạn đó thì cắt độ rộng.

Vị đại diện PMU Thăng Long thông tin, do dầm cầu không thể làm chéo được nên đã tính toán khoảng cách đoạn đường dẫn và nhập làn, vì vậy tuyến đường có đoạn rộng đoạn hẹp. Mặt đường đã được tính toán đủ làn đường theo vạch cong của tuyến và kẻ vạch sơn chéo, không cho phép xe đi vào phần đường này.

Thiết kế đã được tính toán cho phép xe chạy bao nhiêu km/h và chạy với khoảng cách cách hành lang an toàn thế nào, hộ lan được thiết kế với sự chịu đựng lực tác động đảm bảo an toàn với tốc độ tối đa cho phép xe chạy. Vị đại diện PMU Thăng Long khẳng định, đây hoàn toàn không phải điểm nối với đường dẫn rời cầu như nhiều người đặt nghi vấn mà nó nằm trong thiết kế.