GS Đỗ Đức Thái: “Chúng ta học không phải để đi thi”

NGUYỄN QUYÊN, Theo Pháp luật TPHCM 16:43 24/11/2019

GS Đỗ Đức Thái, Chủbiên môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Trưởng khoa Toán Tin,trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khẳng định như trên tại Ngày hội Toán học mởnăm 2019 tại TP.HCM diễn ra vào sáng 24-11.

Chương trình do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hội Toán học TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM và trường Đại học Sài Gòn phối hợp tổ chức.

Theo GS Thái, chương trình phổ thông môn Toán mới là sự thai nghén trong 6 năm với quá trình làm việc cần mẫn, nỗ lực của cả đội ngũ soạn thảo. Chương trình ra đời không phải là sự vội vàng hay đẻ non như nhiều người lo lắng. Đối với chương trình này, ban soạn thảo mong muốn đạt được các tiêu chí “tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo”.

GS Đỗ Đức Thái: “Chúng ta học không phải để đi thi” - Ảnh 1.

GS Đỗ Đức Thái , Chủ biên chương trình môn Toán giáo dục phổ thông 2018, Trưởng khoa Toán Tin - trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ thông tin tại buổi nói chuyện. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trước hết chương trình phải tinh giản, nghĩa là nó vẫn phải chứa những vấn đề học vấn cốt lõi mà còn người cần ở giáo dục toán học phổ thông. Chương trình phải rất thiết thực để giúp học sinh phổ thông học xong có được học vấn toán học phổ thông để giải quyết được những vấn đề thực tiễn của cuộc sống chứ không phải học để thi. Ngoài ra, chương trình phải đáp ứng được chuẩn mực chung của các nền giáo dục khác trên thế giới về toán, để con em của chúng ta có thể du học được, tham gia vào thị trường lao động quốc tế sau khi tốt nghiệp.

“Tôi có thể đảm bảo với các thầy cô, chương trình Toán vừa được công bố năm 2018 đủ hiện đại và không thua kém bất cứ chương trình của quốc gia nào trên thế giới", GS Thái nhấn mạnh.

Về yêu cầu khơi nguồn sáng tạo, chủ biên chương trình Toán cho rằng đó là điểm yếu rất lớn của con người Việt Nam nói chung và học sinh nói riêng. Lối dạy, lối học đặc biệt lối thi cử của chúng ta đã đào tạo ra những con người có tư duy khuôn mẫu chứ không khơi nguồn được sự sáng tạo. Điều này sẽ cản trở đất nước đi lên để có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không có sự sáng tạo trong nguồn nhân lực do nền giáo dục tạo ra thì tất cả những vấn đề trên đều không phát huy tác dụng.

GS Đỗ Đức Thái: “Chúng ta học không phải để đi thi” - Ảnh 2.

Học sinh hào hứng tham gia Ngày hội Toán học mở tại TP.HCM năm 2019. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Chúng ta học không phải để đi thi”, GS Thái nhấn mạnh.

Ông lý giải thêm, một năm nước ta có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, đỉnh cao là kỳ thi Toán quốc tế cho học sinh THPT (IMO) không phản ánh thành tựu sáng tạo của học trò như nhiều người nhầm tưởng. Có những năm chúng ta mới bắt đầu thi IMO trong một trào lưu hoang đường và nó để lại hậu quả lâu dài. Do sự hoang đường đó, chúng ta đã đánh giá thành tựu giáo dục toán học phổ thông, đánh giá sức mạnh của nền toán học đất nước thông qua mấy cái giải quốc tế, như vậy là không đúng. Bởi việc đem một vài trường hợp cá thể để khái quát hóa thành đặc trưng cho một vấn đề phổ quát là sai lầm. Khơi nguồn sáng tạo của người học không phải là đẩy học sinh đi học những bài thi học sinh giỏi. Hai việc đó khác xa nhau.

“Tôi không phủ định một trong những nguyên tắc cao nhất của giáo dục đó là nguyên tắc cá thể hóa người học. Không có một nền giáo dục nào lý tưởng bằng có một thầy để dạy một trò", GS Thái nói.

Ông Thái dẫn ra trường hợp của bà Marie Curie và nhiều viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp nhận thấy các trường phổ thông ở Pháp không thể dạy được con mình nên họ đã tự dạy con họ. Lớp đó chỉ có khoảng 15 học sinh, là con của những nhà khoa học lẫy lừng của Pháp thời điểm đó. 5 trong số 15 học sinh đó sau này đã đoạt giải Nobel.

"Từ câu chuyện trên để thấy rằng một nền giáo dục có rất nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng thật sự có năng khiếu về toán học, làm trụ cột cho sự phát triển của toán học và của khoa học kỹ thuật là sự thật. Nhưng chúng ta không thể đem đối tượng đó trở thành kim chỉ nam, ngọn hải đăng để hướng toàn bộ giáo dục toán học phổ thông của chúng ta đi theo những em đó. Quan điểm này hoàn toàn sai”.

“Chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng trong chương trình, sự đa dạng trong đào tạo và triết lý chung để giáo dục toán học phổ thông đi đến đối với cả triệu học sinh phải bắt đầu từ mục tiêu giáo dục của nền giáo dục chứ không được chi phối bởi một số đối tượng”, GS Thái nêu ý kiến.

Vì thế, GS Thái phản bác trước những ý kiến cho rằng chương trình Toán vừa công bố năm 2018 đã làm giảm nhẹ năng lực toán học của học sinh phổ thông, làm mất ưu thế đối với các nước trong kỳ thi học sinh giỏi và không đáp ứng được yêu cầu thi cử.