Góc sáng tạo: rái cá con không biết bơi, “mẹ đã biến em thành chiếc phao” bằng cách này

Đ.L, Theo Helino 21:22 02/09/2018

Bạn sẽ phải cảm động trước cách chăm con tận tụy đến vật vã của bà mẹ rái cá!

Rái cá là động vật có vú ăn thịt, quan hệ bà con với họ Chồn. Nó sống ở nhiều môi trường nước trên thế giới, bao gồm cả đại dương.

Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về đời sống ly kỳ của mẹ con rái cá ở khu nước lạnh lẽo, đầy tảo bẹ, nằm trong cánh rừng phía bắc bang California. Môi trường sống ở đây khá khắc nghiệt.

Góc sáng tạo: rái cá con không biết bơi, “mẹ đã biến em thành chiếc phao” bằng cách này - Ảnh 1.

Khác với nhiều loài thú sống dưới nước, ngay cả khi sinh con, rái cá cũng chẳng chịu lên bờ hay tìm mặt bằng vững chãi. Nó cứ cho con lọt lòng ngay dưới nước.

Mà rái cá con rất yếu, không thể tự kiếm mồi, cũng không biết bơi. Vì thế, rái cá mẹ cứ phải đặt con vào lòng rồi bơi ngửa.

Góc sáng tạo: rái cá con không biết bơi, “mẹ đã biến em thành chiếc phao” bằng cách này - Ảnh 2.

Tuy nhiên, tạo hóa cũng dành ưu đãi riêng cho loài rái cá chứ. Đó là chúng có bộ lông rất đặc biệt. Với mật độ 1.000 sợi lông trên 1mm vuông, rái cá có bộ lông dày hơn tất cả mọi loài thú khác!

Hơn nữa, lớp lông bên ngoài không chỉ dày, mịn mà còn giữ được phần da bên trong khô ráo. Giữa da và lông có thêm 1 lớp không khí để giữ ấm.

Góc sáng tạo: rái cá con không biết bơi, “mẹ đã biến em thành chiếc phao” bằng cách này - Ảnh 3.

Lớp không khí này còn có tác dụng giống như một chiếc phao cứu sinh, giúp rái cá con dù không biết bơi vẫn có thể nổi trên mặt nước!

Rái cá mẹ bèn tận dụng ngay ưu điểm trời cho này. Lúc nào kiếm ăn, nó sẽ tìm một chỗ an toàn, để đứa con tự nổi một chút.

Tất nhiên cũng cần vài công đoạn chuẩn bị. Rái cá mẹ sẽ liếm lông con để tăng tính kháng nước, thổi khí vào dưới lông để "em bé" nổi lâu hơn. Nó còn tìm 1 sợi cỏ hay 1 sợi tảo bẹ, đóng vai trò như chiếc mỏ neo giúp rái cá con không "lạc trôi".

Mọi thứ đã xong, rái cá mẹ gấp rút lặn xuống bắt trai, sò. Kiếm thức ăn là nhiệm vụ tối quan trọng đối với rái cá, vì chúng không có mỡ để dự trữ năng lượng.

Mỗi ngày, chúng phải kiếm cho được lượng thức ăn tương đương với 20 - 25% trọng lượng cơ thể. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với rái cá mẹ chăm con.

Mặt khác, việc kiếm ăn phải mau lẹ để còn quay về trước khi rái cá con bị kẻ thù tấn công. Khi đã ngoi lên, rái cá mẹ dùng đá đập vỏ sò, trai để lấy phần thịt bên trong. Sau đó nó liền quay sang cho con bú.

Nuôi con lấy đi rất nhiều năng lượng của rái cá mẹ. Khi thức ăn khan hiếm, nó buộc phải đưa ra sự lựa chọn tàn nhẫn. Một là bỏ rơi con.

Góc sáng tạo: rái cá con không biết bơi, “mẹ đã biến em thành chiếc phao” bằng cách này - Ảnh 5.

Những "em" rái cá bơ vơ

Nếu không, rái cá mẹ sẽ cạn sữa, kiệt sức đến chết. Chuyện này trên thực tế diễn ra khá phổ biến, hàng năm làm sụt giảm số lượng rái cá ở miền bắc California (bên cạnh vấn đề bị săn bắt vì bộ da, lông quý).

Nhiều ý kiến nói rằng chỉ con người mới có tình mẫu tử đích thực, còn động vật chỉ có bản năng làm mẹ, duy trì nòi giống mà thôi. Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện về mẹ - con động vật làm chúng ta cảm thấy thật ấm áp, đúng không?

Nguồn: Seeker