Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ "hỏa táng miễn phí": Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng

L.T, Theo Helino 02:31 13/07/2019

Hiến xác con trai với mục đích cao cả, cặp vợ chồng khốn khổ đâu có ngờ thi thể đứa con trai tội nghiệp của mình bị chia thành nhiều phần để đem bán.

24 năm cuộc đời đầy đau đớn của chàng trai hiền lành

Ngày 2/8/1992, cậu bé Cody Saunders chào đời với một lỗ hổng trong tim và hai bên thận đều bị suy.

Khi Cody qua đời vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 24 của mình, chàng trai nhỏ bé đầy nghị lực ấy đã phải chịu đựng tổng cộng 66 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ và hơn 1.700 lần lọc máu. Cũng có đôi lúc, chàng trai ấy cố che giấu nỗi đau thấu tận tim gan của mình bằng những bức ảnh tự sướng lạc quan trên mạng xã hội Facebook. Và cũng có khi, Cody chia sẻ hình ảnh về một thực tế phũ phàng, nằm trên giường bệnh viện với những chiếc băng buộc trên khuôn ngực đầy sẹo vì bị mổ ra rồi lại khâu vào không biết bao nhiêu lần.

Cody sống cùng bố mẹ trong một chiếc motorhome lâu năm tại một khu cắm trại ở phía Đông bang Tennessee. Khi đủ khỏe, anh chàng làm việc trong một trang trại với cha mình, cho gia súc ăn, dựng cỏ khô...

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 1.

Bức hình của Cody Saunders mà cha mẹ anh giữ lại.

Kể về hành trình chiến đấu giành giật sự sống của con trai mình, vợ chồng bà Angie Saunders và Richard Saunders không khỏi nghẹn ngào.

Bà Angie nhớ rằng trong thời gian mang thai Cody, bà không được bác sĩ thông báo về bất kỳ bất thường nào trong các lần kiểm tra trước sinh và cả siêu âm. Nhưng khi Cody chào đời vào ngày 2 tháng 8 năm 1992, khó khăn bắt đầu ập đến với gia đình nhỏ.

Cody được chuyển từ bệnh viện quận đến Trung tâm y tế Đại học Tennessee ở thành phố Knoxville, bang Tennessee (Mỹ). Cậu bé được chẩn đoán mắc Hội chứng VATER, một tình trạng liên quan đến nhiều dị tật bẩm sinh. Bên cạnh 1 lỗ hổng trong trái tim và suy thận, Cody còn không có trực tràng. Trong hai năm đầu đời, cha mẹ của Cody phải cho con ăn qua ống thông dạ dày. Cậu bé phải tuân thủ một chế độ ăn vô cùng nghiêm ngặt - không sữa, không socola, không cà chua, không muối. Cody cần chạy thận 3 lần 1 tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng.

"Nửa cuộc đời thằng bé không nằm viện thì cũng phải đi chạy thận", ông Richard nghẹn ngào. Vì Cody, ông đã làm vô số công việc trong khi vợ ông phải dành toàn bộ thời gian chăm sóc con.

Khi Cody khoảng 9 tuổi, cậu bé được ghép thận. Ca phẫu thuật thành công giúp Cody không còn phải đến bệnh viện chạy thận như "cơm bữa", cậu bé được học bơi và có nhiều thời gian đến trường. Những tưởng từ đây cậu bé sẽ có một cuộc sống bình thường nhưng phần nội tạng mới chỉ hoạt động trong năm năm ngắn ngủi. Chuỗi ngày chạy thận lại tiếp tục.

Năm 14 tuổi, Cody giành chiến thắng trong một cuộc thi nghệ thuật dành cho trẻ em. Tổ chức từ thiện, Quỹ Thận Hoa Kỳ, đã đưa cậu bé đến thủ đô Washington để chữa bệnh. Trả lời một câu hỏi trong cuộc thi, cậu bé liệt kê những thứ mình yêu thích, bao gồm lớp thể dục, tô màu và đi xe đạp. Diễn viên yêu thích của cậu là Scooby Doo. Cậu bé tiết lộ hình mẫu của mình chính là bố mẹ và muốn được làm việc với cha lúc lớn lên.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 2.

Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Cody rơi vào buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng.

Năm lớp 11, Cody bỏ học. Những lúc khỏe mạnh, cậu ra đồng giúp bố cho gia súc ăn hoặc nhặt cỏ khô, mùa đông thì đi bán củi.

Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Cody rơi vào buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng. Bố mẹ và cả bạn bè đều có thể nhận thấy. Chàng trai trẻ mệt mỏi với những viên thuốc, việc chạy thận, đến bệnh viện và liên tục nhắc về những gì mình có thể và không thể làm. Giáng sinh năm 2015, chàng trai trẻ viết: "Vì sao tôi lại xấu xí thế này cơ chứ". Trên trang cá nhân, Cody chia sẻ chỉ muốn tìm thấy một người bạn gái sẵn sàng chấp nhận cậu.

"Tôi nghĩ không phải thân thể mà tinh thần của thằng bé đã kiệt sức", Richard nhớ lại.

Trái tim của Cody ngừng đập vào ngày 2/8/2016, đúng sinh nhật 24 tuổi. Cody qua đời vì lên cơn đau tim trên đường từ chỗ chạy thận về nhà.

Cha mẹ nghèo không làm nổi đám tang cho con

Quá nghèo để chôn cất hay hỏa táng thi thể con, ông Richard và bà Angie quyết định hiến thi thể con trai cho công ty Restore Life USA với niềm tin rằng khi đã không còn tồn tại trên cõi đời, thi thể của chàng trai trẻ vẫn có ích khi hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, y tế. Thế nhưng, họ chẳng thể ngờ chỉ 1 tháng sau, xương cổ của Cody được rao bán với giá 300 USD.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 3.

Ông Richard và bà Angie bên phần tro cốt của con trai.

Có lẽ, suốt cả phần đời còn lại, cặp vợ chồng nghèo khổ ấy vẫn nghĩ rằng con trai mình đã được yên nghỉ nơi thế giới bên kia nếu như không có cuộc điều tra quyết liệt của phóng viên hãng thông tấn Reuters.

Cuộc điều tra làm vỡ ra nhiều thứ

1 tháng sau khi Cody qua đời, công ty Restore Life đã bán một phần cơ thể của chàng trai trẻ. Giao dịch đơn giản đến mức chỉ cần một vài trao đổi qua email và 300USD cộng với tiền công vận chuyển.

Trước hết, cần phải hiểu sơ qua về công ty Restore Life với ông chủ James Byrd.

Byrd, 50 tuổi, đã "kinh doanh các bộ phận cơ thể người" trong suốt 2 thập kỷ. Trước khi thành lập công ty Restore Life đặt trụ sở tại Elizabethton, Tennessee vào năm 2008, ông ta từng điều hành một ngân hàng mô phi lợi nhuận có tên Dịch vụ Hiến tạng Mỹ. Restore Life nhận thi thể người chủ yếu từ các vùng ở bang Tennessee, Virginia và Bắc Carolina. Restore Life tự giới thiệu rằng họ nhận thu thập xác người, lấy những bộ phận dùng được cho y học rồi hỏa táng miễn phí các bộ phận không sử dụng, sau đó trao trả cho gia đình người hiến tặng.

Năm 2011, Byrd không ngại quảng cáo cho công ty mình trong một bài thuyết trình trước các nhà chức trách ở hạt Sullivan. Bởi khi đó, các vị quan chức địa phương cũng đang đau đầu vì chi phí hỏa táng ngày càng tăng và nó trở thành nỗi ám ảnh cho những gia đình nghèo. Theo một bản ghi âm cuộc họp, Byrd giải thích rằng ông ta có thể giúp giải quyết vấn đề của địa phương. Ông ta cũng lưu ý rằng nhiều gia đình sẵn sàng hiến xác người thân của mình cho Restore Life vì lý do tài chính. Bởi công ty ông ta chấp nhận chi trả mọi chi phí, bao gồm cả hỏa táng.

Từ ngày thành lập, Restore Life không ngừng phát triển, doanh thu hàng năm của công ty này từ 49.251USD năm 2009 lên 1,1 triệu USD năm 2016.

Trong năm 2009, chi phí vượt quá doanh thu 1.277USD. Năm 2016, doanh thu cao hơn 187.884USD so với chi phí. Hồ sơ thuế cho thấy tài sản ròng của công ty được gọi là "tổ chức từ thiện" này là 354.556USD vào ngày 31 tháng 8 năm 2016.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 4.

Ngày 29/8/2016, phóng viên Brian Grow của hãng Reuters, người điều tra về thị trường môi giới thi thể, đã đóng vai một người cần "hàng" để liên hệ với Restore Life về việc tìm kiếm xương cổ người giá rẻ với mục đích "nghiên cứu không cấy ghép". Đồng thời cung cấp địa chỉ giao hàng tại Minneapolis, cách phòng thí nghiệm giải phẫu của đại học Minnesota không xa.

Một chi tiết đáng chú ý là, để liên lạc với Byrd, phóng viên đã sử dụng tên thật và tài khoản email Thomson Reuters của mình. Còn để tuân thủ các cân nhắc về pháp lý, đạo đức và an toàn trước khi mua bộ phận cơ thể người, Reuters đã tham khảo ý kiến của bà Angela McArthur, người chỉ đạo chương trình hiến tặng cơ thể tại Đại học Y khoa Minnesota và lập tức nhận được cái gật đầu đồng ý.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 5.

Bà Angela McArthur, người chỉ đạo chương trình hiến tặng cơ thể tại Đại học Y khoa Minnesota.

Chờ khoảng 1 giờ, phóng viên của Reuters nhận được trả lời của James Byrd: "Cảm ơn vì email của anh. Tôi tin rằng chúng ta chưa từng làm việc với nhau. Làm sao anh biết đến công ty chúng tôi?".

Phóng viên đáp: "Một người trong ngành đã chỉ dẫn".

Byrd hỏi liệu có phải Grow muốn mua một đốt sống cổ đầy đủ - đốt sống và mô ở cổ, ngay dưới hộp sọ.

Khi được đồng ý, trong email phản hồi tiếp theo, Byrd thông báo chi phí, giá xương cổ là 300USD cộng thêm 150USD tiền phí vận chuyển. Hình chụp X-quang đính kèm mail cho thấy bộ phận này thuộc về một chàng trai 24 tuổi.

3 ngày sau, Grow đồng ý giao dịch. "Cảm ơn bạn một lần nữa vì đã cho phép chúng tôi có cơ hội làm việc với bạn và tổ chức của bạn", Byrd viết trong email. Ông ta chỉ hỏi thêm về hình thức thanh toán, tình trạng bộ phận vận chuyển (đóng băng hoặc tan băng) và mục đích sử dụng. "Nghiên cứu y học", Grow trả lời ngắn gọn.

Ngoài việc xác định mức độ dễ dàng để mua các bộ phận cơ thể, phóng viên Reuters đã tìm cách đánh giá chất lượng của mẫu vật và tài liệu đi kèm. Khi phóng viên trả lời đơn giản rằng "sử dụng cho nghiên cứu y học" thì Byrd đã chốt thỏa thuận nhanh chóng mà không cần hỏi gì thêm.

Cuộc mua bán hoàn tất, nhanh - gọn - nhẹ đến ngỡ ngàng!

Bà Angela McArthur, cho biết việc mua bán thi thể người tại Mỹ dễ dàng không tưởng. Chính quyền chỉ cấm mua bán nội tạng để cấy ghép còn trao đổi bộ phận đã được hiến tặng hoàn toàn hợp pháp. Mặc dù việc bán nội tạng được sử dụng để cấy ghép là bất hợp pháp, nhưng ở hầu hết các bang của Mỹ, việc bán các bộ phận cơ thể người được hiến cho nghiên cứu hoặc giáo dục không bị cấm.

"Ai cũng có thể "đặt hàng" thi thể người tới nhà riêng rồi sử dụng vào bất cứ mục đích gì", bà Angela McArthur. Việc mua rượu qua Internet thậm chí còn bị kiểm soát chặt chẽ hơn là việc mua bán bộ phận cơ thể người vì ít ra họ còn quy định số tuổi.

Ngày 27/9/2016, một tài xế của hãng vận chuyển FedE gửi một thùng carton màu nâu tới địa chỉ mà Grow đã cho. Nhanh chóng, phóng viên giao gói hàng cho nhân viên chuyên vận chuyển bộ phận người để đưa phần xương cổ đến Đại học Y Minnesota.

Bà McArthur dễ dàng nhận thấy điều kỳ lạ là bên ngoài chiếc thùng đó không hề dán nhãn cảnh báo chứa bộ phận người và bên trong chỉ có hai văn bản. Một tờ ghi kết quả xét nghiệm bệnh truyền nhiễm còn tờ kia được viết tay, cung cấp rất ít thông tin bệnh sử của người hiến tạng.

Byrd khẳng định Restore Life "giúp đỡ vô số người" bằng cách cung cấp bộ phận cơ thể cho khoa học. Thế nhưng, chẳng biết mục đích của họ tốt đẹp đến đâu, chỉ biết rằng cách công ty này xử lý thi thể rất kém và không hề đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của các phòng nghiên cứu.

Bà McArthur cho rằng các câu hỏi mà Byrd đặt ra với Grow chỉ hoàn toàn tập trung vào việc hoàn thành giao dịch chứ ông ta không có ý muốn tìm hiểu kỹ hơn về mục đích sử dụng của khách hàng.

Điều đáng nói hơn nữa là nếu quan tâm đến danh tính người mua thì vị chủ tịch kia đã phát hiện Grow là một phóng viên bởi anh dùng tên thật cùng email của cơ quan - Thomson Reuters. Trước đó, Byrd còn chào mời phóng viên Grow mua đầu gối và chân với "giá đặc biệt" để "giải phóng không gian" cho kho chứa hàng của công ty.

"Tôi thực sự lo lắng về tương lai cũng như lòng tin của cộng đồng về việc hiến tạng", bà McArthur nói.

Ông Thomas Champney, giáo sư giải phẫu tại Đại học Miami cũng bày tỏ sự thất vọng: "Bộ phận cơ thể người không đáng bị mua bán như một món đồ đông lạnh". 

Nỗi đau đớn tột cùng của cặp vợ chồng khi nhận tro cốt con trai

Ông Richard và bà Angie cho biết ban đầu họ muốn chôn cất con trai bên cạnh những người thân trong một nghĩa trang gần nhà. Thế nhưng, vì hoàn cảnh túng thiếu nên một lễ tang đơn giản cho con trai, họ cũng không làm được. Không muốn làm phiền bạn bè, vợ chồng nhà Saunders đành chấp nhận hiến thi thể Cody cho Restore Life mà không hề biết thi thể con trai sẽ bị chia cắt thành nhiều phần và đem bán với giá rẻ mạt như vậy. Thế mà, trước đó ông Richard còn vô cùng biết ơn khi công ty này hứa hỏa táng miễn phí.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 6.

Martha Thayer, chủ nhiệm chương trình Khoa học Xã hội Trường Cộng đồng Arapahoe nói một câu chua xót: "Đúng là không có tiền để chết còn khổ hơn không có tiền để sống. Chua xót quá". Bà cũng cho biết nhiều gia đình nghèo không thể đưa ra lựa chọn nào khác.

Vài tuần sau ngày Cody qua đời, nhân viên Restore Life gửi phần tro của chàng trai đến nhà Saunders.

Xác định danh tính Cody bằng cách xét nghiệm ADN từ phần xương cổ đã mua của Restore Life, phóng viên của hãng Reuters tìm đến gia đình Saunders. Nghe tin công ty Restore Life đã phân chia cơ thể con mình, cặp vợ chồng như "hóa đá". Bà Angie nhìn chằm chằm vào khoảng khoảng không vô định còn ông Richard thì cúi gằm mặt xuống đất. "Tôi tưởng họ chỉ lấy đi một phần da chứ", bà Angie lên tiếng rồi bật khóc.

Góc khuất rùng rợn sau dịch vụ hỏa táng miễn phí: Bố mẹ lặng người khi biết thi thể con bị chia thành nhiều phần bán giá rẻ mạt trên mạng - Ảnh 7.

Bà Angie bật khóc.

Nếu biết thi thể Cody bị đối xử như thế, vợ chồng nhà Saunders đã không bao giờ đồng ý hiến tặng. Chàng trai trẻ ấy đã phải trải qua quá nhiều ca phẫu thuật và họ không muốn bất cứ ai tiếp tục "cắt xẻ thân xác con mình" thêm lần nào nữa.

Đau đớn tột cùng nhưng ông Richard vẫn phải thừa nhận rằng: "Dù sao tôi cũng không thể chi trả thứ gì nên đó là lựa chọn tốt nhất". Richard hỏi liệu công ty Restore Life có sử dụng bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể của Cody không. Phóng viên nói anh không biết. Các nhà môi giới thường không tiết lộ thông tin đó. Richard cho biết ông sẽ tự tìm kiếm câu trả lời từ Restore Life.

Đầu tháng 10 năm 2017, chấp nhận theo nguyện vọng của gia đình và nhờ chi phí hỗ trợ của Reuters, phần xương cổ của Cody được mang đi hỏa táng. Chính anh phóng viên của hãng Reuters đã trao trả phần tro cốt này về gia đình Saunders...

(Nguồn: Reuters)