Góc giả dối đằng sau sự gia tăng về số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tại Ấn Độ

Kim Chi, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 25/02/2017

Số vụ hiếp dâm được trình báo lên cảnh sát tại Ấn Độ đã tăng mạnh kể từ cuối năm 2012 đến nay. Thế nhưng, trong vấn đề này, có những điều giả dối mà không nhiều người tường tỏ.

Sau khi băng nhóm hiếp dâm sinh viên trên xe bus năm 2012 tại thủ đô New Delhi bị đem ra xét xử, số lượng vụ hiếp dâm được tố cáo với cảnh sát Ấn Độ đã tăng đột biến.

Nhưng một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện tại nước này lại kết luận rằng, trong năm 2013-2014, hơn một nửa số vụ việc được tố cáo là sai sự thật. Điều này đã thúc đẩy các nhà hoạt động xã hội tìm hiểu thực hư chuyện nhiều phụ nữ đã cố tình vu cáo đàn ông với mục đích tống tiền.

Yogesh Gupta – một nhân vật trong cuộc điều tra mới đây đã nói rằng ông luôn luôn có đủ bằng chứng để chứng minh bản thân vô tội, rằng ông không phải là kẻ hiếp dâm. Thế nhưng để cảnh sát công nhận điều đó lại là một vấn đề khác.

Người đàn ông 44 tuổi, làm nghề mua bán bất động sản này bắt đầu gặp rắc rối khi ông phát hiện ra một đồng nghiệp biển thủ tiền công quỹ trước khi đe dọa sẽ báo chuyện này với cảnh sát.

Người đồng nghiệp đó trả đũa bằng cách tìm một người phụ nữ đóng vai khách hàng tiềm năng mua nhà của Gupta. Sau khi xem nhà, người phụ nữ xin đi nhờ xe đến bến tàu điện ngầm. Sau này, chính cô ta là người tố cáo Gupta đưa cô đến một căn hộ tầng 4 và thực hiện hành vi hiếp dâm.

"Rất may là tôi đã lắp đặt máy quay ghi hình trong văn phòng của mình", ông nói.

"Nếu theo lời cáo buộc của người phụ nữ đó, toàn bộ thời gian đi lên cầu thang từ tầng 1 – tầng 4, mở cửa căn hộ, mời cô ta vào xem nhà và sau đó đưa cô ta đến bến tàu điện ngầm phải mất ít nhất 37-40 phút.

Trên thực tế, tôi có thể chứng minh dựa vào máy ghi hình rằng, tôi đã quay trở lại văn phòng sau 11 phút."

Nhưng khi người phụ nữ đó tố cáo với cảnh sát, Gupta thấy mình bị đưa vào một quá trình xét hỏi nhằm mục đích kết tội cho anh hơn là quan tâm đến các bằng chứng hay tình tiết khác.

"Không ai lắng nghe những điều tôi trình bày", anh nói. "Cảnh sát thậm chí còn không cần tham khảo ý kiến của tôi. Tôi đã tìm mọi cách, nhưng không thể nào nhận được sự công bằng."

Tám tháng tiếp theo sau quá trình điều tra của cảnh sát, Gupta bị buộc tội và chịu sự chỉ trích công khai của cộng đồng dành cho tội phạm hiếp dâm.

"Tôi thậm chí không thể nói hết những thử thách mà vợ, con, cha và anh trai tôi đã trải qua," anh nói. "Con tôi đã có khoảng thời gian cực kì khó khăn. Con gái 6 tuổi đã viết thư cho chúa để cầu xin sự tha thứ cho cha."

Góc giả dối đằng sau sự gia tăng về số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Yogesh Gupta.

Khi vụ án được đưa ra tòa, người phụ nữ kia mới thú nhận rằng cô ta đã ngụy tạo câu chuyện này và Gupta được chứng minh trong sạch. Nhưng đến thời điểm đó, mọi thứ đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho anh và gia đình.

Gupta xem bản thân như một nạn nhân của tình trạng nhiều người đàn ông bị phụ nữ cáo buộc hiếp dâm với mục đích tống tiền. Và đó cũng chính là một trong những tranh cãi xuất hiện từ vụ việc hiếp dâm năm 2012 tại Delhi.

Những bức ảnh hay các khẩu ngữ xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình cho thấy những người biểu tình xuống đường để yêu cầu một sự thay đổi trong xã hội coi trọng nam giới tại Ấn Độ cũng như việc không hề quan tâm hoặc thậm chí khuyến khích bạo lực chống lại phụ nữ.

Truyền thông có nhiều phản ứng với các báo cáo về xâm hại tình dục, đặc biệt là tấn công tình dục. Chính phủ Ấn Độ cũng đã định nghĩa lại về tội phạm hiếp dâm, đồng thời ra yêu cầu bắt buộc với cảnh sát về việc tiếp nhận và có tòa án chuyên trách để hỗ trợ, xét xử các vụ tố cáo hiếp dâm.

Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ dám lên tiếng về việc mình bị xâm hại tình dục và số lượng vụ tố cáo đã tăng lên hơn 100% trong vòng một năm sau vụ việc chấn động năm 2012.

Tất cả sự thay đổi này được xem như một bước đi tích cực để chống lại bạo lực tình dục với phụ nữ.

Góc giả dối đằng sau sự gia tăng về số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tại Ấn Độ - Ảnh 2.

Biểu tình phản đối hiếp dâm tại New Delhi.

Mặt trái của vấn đề

Tuy nhiên, trước báo cáo thực hiện năm 2014 bởi Uỷ ban Phụ nữ New Delhi, trong đó ghi nhận 53% trường hợp tố cáo hiếp dâm là hoàn toàn sai sự thật, dư luận và các nhà hoạt động xã hội vì quyền nam giới lại một lần nữa đặt câu hỏi về việc những thay đổi pháp lý và tranh luận công khai thời gian vừa qua liệu có biến đàn ông trở thành nạn nhân hay không?

"Ngày nay, định nghĩa về hiếp dâm đã được thay đổi rất nhiều và bất cứ điều gì cũng đều có thể được tố cáo là hiếp dâm", Partha Sadhukhan - nhà hoạt động xã hội vì quyền nam giới chia sẻ.

"Trong tất cả các cáo buộc hiếp dâm, chỉ có 1% là chính xác", Vinay Sharma, luật sư của Gupta, người thường xuyên bào chữa cho những người đàn ông bị tố cáo hiếp dâm tại Delhi cho biết.

"Phần còn lại là những trường hợp tố cáo để trả thù hoặc vì lý do tiền bạc", ông nói. Và Partha Sadhukhan cũng có chung nhận định:

"Thực tế tại thời điểm, các quy định về mặt luật pháp của Ấn Độ đã đủ mạnh để hạn chế hiếp dâm và trừng phạt những kẻ phạm tội. Định nghĩa về "hiếp dâm" đã thay đổi rất nhiều thế nên bất cứ điều gì người ta cũng có thể tố cáo là hiếp dâm."

Góc giả dối đằng sau sự gia tăng về số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tại Ấn Độ - Ảnh 3.

Cuộc biểu tình rầm rộ phản đối tệ nạn hiếp dâm tại Ấn Độ năm 2012. Kể từ đó, các vụ tố cáo hiếp dâm được công khai hơn.

Nhưng nhận định của Ủy ban Phụ nữ New Dehli liệu có chính xác?

Các bằng chứng được đưa ra bởi Uỷ ban Phụ nữ trên thực tế chưa hoàn toàn thuyết phục. Báo cáo đưa ra danh sách bao gồm tất cả những vụ đã dừng điều tra trước khi được xét xử tại tòa án và cho rằng đây là các trường hợp tố cáo sai sự thật mà chưa phân tích lý do thuyết phục.

Báo cáo này cũng chưa phân biệt, phân loại một cách rõ ràng những trường hợp dừng điều tra vì người phụ nữ chính thức thú nhận vu cáo hay vì những lý do khác như họ bị ép phải rút đơn hoặc chưa có đủ bằng chứng sắt đá để đưa vụ việc ra tòa.

Trong khi đó, các chứng cứ pháp y lại rất ít khi được sử dụng tại Ấn Độ, và thường những tội phạm hiếp dâm sẽ dùng lời ngụy biện để phủ nhận việc làm của chúng.

Tìm hiểu của một nhà báo: Có tồn tại kiểu tố cáo sai sự thật

Một nữ nhà báo có tên Rukmini Shrinivasan đã quyết định tự mình thực hiện những cuộc điều tra.

Khi cô chuyển từ Mumbai đến New Delhi để làm việc cho tờ The Hindu, cô muốn biết và tìm hiểu nguyên nhân tại sao New Delhi được gọi là thủ đô của nạn hiếp dâm tại Ấn Độ.

Thay vì thống kê số vụ việc bị dừng điều tra, cô tìm hiểu 460 vụ hiếp dâm đã được đưa ra xét xử tại Tòa án New Dehli vào năm 2013 và so sánh những lời tố cáo ban đầu mà nạn nhân gửi đến cảnh sát với những gì diễn ra tại tòa.

Phát hiện đầu tiên của cô là: Truyền thông Ấn Độ đã thổi phồng nguy cơ phụ nữ bị hãm hiếp bởi người lạ và "nhiều gia đình sẵn sàng chịu sự kỳ thị khi con gái mình bị hiếp dâm thay vì cho phép họ được tự lựa chọn bạn đời hoặc bạn tình của riêng mình" - nhà báo Rukmini Shrinivasan, phân tích.

"Hiếp dâm bởi người lạ, điều được cảnh báo cực kì nhiều tại Ấn Độ thực ra chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số các vụ hiếp dâm, cụ thể là 12 trên 460 trường hợp."

Góc giả dối đằng sau sự gia tăng về số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tại Ấn Độ - Ảnh 4.

Những vụ hiếp dâm đã được đem ra xét xử tại New Dehli năm 2013.

Về các trường hợp tố cáo hiếp dâm sai sự thật, có những lý do sau đây.

Đầu tiên, hơn 1/3 trong số 460 trường hợp có liên quan đến những người trẻ tuổi. Họ quan hệ tình dục dù chưa kết hôn và những người làm cha mẹ một khi phát hiện đã sử dụng hệ thống tư pháp hình sự để kết thúc mối quan hệ của con gái mình.

"Các gia đình sẵn sàng chấp nhận những ánh nhìn soi mói từ việc bị hiếp dâm hơn là chấp nhận để con gái mình được lựa chọn bạn tình hoặc bạn đời của riêng mình," Rukmini Shrinivasan cho biết.

Nhà báo này cũng nhận thấy rằng rất nhiều các trường hợp trong số này có nguyên nhân chính xuất phát từ sự khác biệt về địa vị xã hội hay bất đồng tôn giáo giữa hai gia đình. Đây thường là một kịch bản điển hình sau những vụ cha mẹ tự đệ đơn lên cảnh sát.

Thứ hai, một số lượng lớn, chiếm đến ¼ số vụ là các trường hợp đàn ông đã không giữ lời hứa kết hôn với phụ nữ.

Mặc dù điều này không được coi là hiếp dâm theo luật pháp của nhiều nước, nhưng tại Ấn Độ, một người đàn ông có thể bị buộc tội hiếp dâm nếu anh ta hứa hôn để được quan hệ tình dục với phụ nữ, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định của mình.

"Các bậc cha mẹ cho rằng con gái mình đã mất đi trinh tiết và cô sẽ không thể kết hôn với ai khác. Từ đó, họ thông báo sự việc đến cảnh sát để tạo sức ép cho người đàn ông phải kết hôn với con gái họ", Shrinivasan nói.

Theo báo cáo từ Delhi, mặc dù đã có số lượng đột biến các vụ hiếp dâm được báo với cảnh sát từ sau vụ việc năm 2012, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp những người phụ nữ không dám đưa vụ việc ra ánh sáng, Nithya Nagarathinam, một nhà nghiên cứu cho biết.

Và những gì cô tìm thấy không có trường hợp nào như Yogesh Gupta. "Trong một số trường hợp, có thể lý do tài chính cũng chỉ để ngụy biện cho sự thực đằng sau cáo buộc của người phụ nữ," cô nói. "Nhưng tôi chưa thể nghĩ ra một trường hợp nào đã được chứng minh trên thực tế."

Vẫn còn nhiều vụ chưa được tố cáo

Trong khi đó, nghiên cứu Shrinivasan chỉ ra rằng tỷ lệ các trường hợp tố cáo hiếp dâm không đúng sự thật ở Delhi tăng cao là hệ quả từ nhiều vấn đề bức xúc về tâm lý hơn là phản ảnh sự thật.

"Mặc dù đã có sự nhảy vọt số lượng phụ nữ dám lên tiếng sau vụ việc băng nhóm hiếp dâm tại Delhi, vẫn còn nhiều trường hợp vụ việc không được báo cảnh sát và có rất nhiều lý do cho điều đó", Shrinivasan nói và nhấn mạnh vào tư tưởng gia trưởng cố hữu, trọng nam khinh nữ, từ đó làm cho vấn nạn bạo hành phụ nữ bị xem nhẹ.

"Đối với tôi, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn những trường hợp cha mẹ cố tình cáo buộc người đàn ông hãm hiếp con gái họ."

Nagarathinam trích một nghiên cứu năm 2014 từ Văn phòng Quốc gia Ấn Độ về tội phạm Khảo sát Quốc gia về sức khỏe gia đình cho thấy chỉ có 6% các vụ bạo lực tình dục với phụ nữ được báo cho cảnh sát.

Người phụ nữ này nhấn mạnh rằng Ấn Độ cần những cơ sở dữ liệu tốt hơn để hiểu rõ tính chất của vấn đề.

"Nếu bạn không có những dữ liệu chính xác làm cơ sở, kết quả sẽ không còn khách quan và bị điều khiển bởi cảm tính – điều đó sẽ dẫn đến sự không công bằng cho cả đàn ông và phụ nữ," cô nói.

Tuy vậy những trường hợp tố cáo sai sự thật ở New Delhi cũng đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho cánh mày râu và Yogesh Gupta chính là minh chứng cho thấy, khi bị cáo buộc hiếp dâm, 1 người đàn ông bị kỳ thị đến mức nào.