Giữa tâm dịch châu Âu khan hiếm khẩu trang, một quốc gia hơn 5 triệu dân lại bình tĩnh với kho dự trữ y tế bí mật suốt 70 năm

Jayden, Theo Tổ Quốc 22:14 06/04/2020

Kho dự trữ này không chỉ có thiết bị y tế như khẩu trang mà còn bao gồm dầu, ngũ cốc, nông cụ và nguyên liệu để chế tạo đạn dược. Nó có quy mô lớn nhất nhì châu Âu và không ngừng được vun đắp suốt hàng chục năm qua.

Các quốc gia ở Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... đều có những kho dự trữ súng đạn, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế với quy mô lớn từ thời Chiến tranh lạnh (1947 - 1991). Nhưng sau mấy chục năm sóng yên biển lặng, hầu hết các nước đã ngừng việc dự trữ kéo dài, chỉ trừ một quốc gia duy nhất - đó là Phần Lan.

Giữa tâm dịch châu Âu khan hiếm khẩu trang, một quốc gia hơn 5 triệu dân lại bình tĩnh với kho dự trữ y tế bí mật suốt 70 năm - Ảnh 1.

Bức tượng "Ba người thợ rèn" đứng vững ở Helsinki, Phần Lan từ năm 1932, nay cũng đã đeo khẩu trang (Ảnh: EPA/ Shutterstock)

Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, nhiều người lại nhớ đến Phần Lan với sự bền bỉ và chu đáo, nhất là so với nhiều hàng xóm châu Âu khác đang ráo riết tìm nguồn cung cấp thiết bị y tế. Vậy tại sao người Phần Lan lại tích trữ "khủng" đến vậy? 

Suốt nhiều năm được xếp thứ hạng cao trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhưng vị trí địa lý chiến lược và những bài học lịch sử đã dạy cho 5,5 triệu dân Phần Lan hiểu rằng: hãy luôn chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất, theo Tomi Lounema - người đứng đầu Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia - cho biết. "Người Phần Lan đã được sinh ra với ý thức chuẩn bị sẵn sàng trong ADN" - ông Lounema chia sẻ.

Phía Bắc của Phần Lan giáp với Thụy Điển, Na Uy và Nga; chỉ có phía Nam giáp với Biển Baltic. Vì vậy, đa số hoạt động giao thương của Phần Lan đến từ các chuyến tàu cập vào vùng biển phía Nam. Đây thực sự là một rủi ro, vì nếu Biển Baltic "dậy sóng" do vấn đề an ninh thì nguồn cung ứng của Phần Lan sẽ bị cắt đứt đột ngột. Không ngạc nhiên khi quốc gia này đã liên tục chuẩn bị chu đáo để đảm bảo đời sống của người dân và an ninh quốc gia. So sánh với hàng xóm Thụy Điển chẳng hạn, nước này không chỉ giáp Biển Baltic ở phía Đông mà còn giáp Biển Bắc ở phía Tây, nên vận chuyển hàng hóa cũng có phần chủ động và dễ dàng hơn nhiều.

Giữa tâm dịch châu Âu khan hiếm khẩu trang, một quốc gia hơn 5 triệu dân lại bình tĩnh với kho dự trữ y tế bí mật suốt 70 năm - Ảnh 2.

So với các nước Bắc Âu tiếp giáp nhiều vùng biển, Phần Lan chỉ giáp Biển Baltic.

Cách đây 2 tuần, dịch Covid-19 cũng bùng phát mạnh ở Phần Lan. Hiện tại, nước này ghi nhận 2.176 người nhiễm bệnh và 27 người tử vong. Vào chủ nhật (5/4), Bộ Y tế và Xã hội Phần Lan đã ra lệnh chuyển số khẩu trang dự trữ đến các bệnh viện trên khắp cả nước. "Mặc dù cũ nhưng số khẩu trang này vẫn còn dùng được" - ông Lounema xác nhận.

Có rất ít thông tin chính xác về số lượng khẩu trang và cách thức mà chúng được dự trữ. Nói như ông Lounema, "mọi thông tin liên quan đến kho dự trữ đều được phân loại", xếp vào nhóm bí mật quốc gia. Vậy nhưng, giới chức Phần Lan cũng thừa nhận kho dự trữ được phân bổ trên khắp cả nước và hệ thống theo dõi hàng hóa đã kế thừa liên tục từ thập niên 1950.

Giữa tâm dịch châu Âu khan hiếm khẩu trang, một quốc gia hơn 5 triệu dân lại bình tĩnh với kho dự trữ y tế bí mật suốt 70 năm - Ảnh 3.

Các nhân viên hiệu thuốc mặc đồ bảo hồ và đeo tấm che mặt ở Phần Lan (Ảnh: AP)

Giữa tâm dịch châu Âu khan hiếm khẩu trang, một quốc gia hơn 5 triệu dân lại bình tĩnh với kho dự trữ y tế bí mật suốt 70 năm - Ảnh 4.

Phần Lan đã quyết định sử dụng lô khẩu trang từ các kho dự trữ giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến khó lường (Ảnh: AFP/Getty)

Trong khi Phần Lan yên tâm phần nào với kho dự trữ suốt gần 70 năm, nhiều quốc gia hùng mạnh như Mỹ lại đang thiếu hụt khẩu trang, máy thở và đồ bảo hộ. Mỹ cũng chính là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 336.000 người nhiễm Covid-19 và hơn 9.600 người tử vong. Khi tình hình dịch càng trở nên căng thẳng thì càng có nhiều lo ngại về cuộc chiến không khoan nhượng để giành khẩu trang và các thiết bị khác ở thị trường quốc tế. Ví dụ như gần đây, Mỹ đã dùng tiền tươi mua đứt lô hàng y tế sắp đi Pháp, thương vụ diễn ra chớp nhoáng ngay trên đường băng ở Trung Quốc.

Không nói đâu xa mà ngay tại Bắc Âu, những nước hàng xóm với Phần Lan cũng đang cuống cuồng tìm phương án giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế. Ở Na Uy, giới chức đã đề nghị công ty Laerdal và các đối tác cung cấp nhanh 1.000 chiếc máy thở từ nay đến hết tháng 5. Ở Đan Mạch, nhà sản xuất máy bơm Grunfos đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, thiết kế ra đồ bảo hộ cho y bác sĩ chỉ trong vòng 36 giờ. Ở Thụy Điển, các nhân công bị sa thải từ nhà máy ô tô Scania đã được gửi đến làm việc tại các doanh nghiệp chế tạo máy thở. Và nhà sản xuất vodka Absolut Company cũng hứa hẹn sẽ đóng góp ethanol (cồn công nghiệp) để sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn.

(Theo NY Times)