Giòi trong cơm căn tin, báo động chất lượng bữa ăn sinh viên

Tuổi Trẻ, Theo 11:38 17/06/2016

Sau sự việc sinh viên phát hiện giòi bò lúc nhúc trong phần cơm mua tại căn tin B3 - KTX khu B - ĐHQG TP.HCM ngày 14-6, nhiều sinh viên tỏ ra lo ngại về vấn đề ăn uống của mình.

Giòi trong cơm căn tin, báo động chất lượng bữa ăn sinh viên - Ảnh 1.

Phần thức ăn có giòi bò lúc nhúc - Ảnh: Facebook

“Thường sinh viên chuộng đồ ăn rẻ. Nhiều bạn vì điều kiện kinh tế không cho phép nên buộc phải chấp nhận ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh” - bạn Nguyễn Thị Bích Trâm, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) nói.

Cảm thấy sốc!

Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm nói: "Mình có nhiều người bạn hiện đang sống ở KTX này, các bạn cũng từng kể là thức ăn nơi đây rất tệ nhưng mình không nghĩ đến mức có giòi. Chẳng hiểu lương tâm của người bán ở đâu khi bán đồ ăn như vậy cho sinh viên?" - bạn Bích Trâm bày tỏ.

Nhiều sinh viên sống ở khu KTX này chia sẻ họ cũng thường không “dám” ăn đồ ăn ở căn tin.

Bạn Nguyễn Nhật Lam, sinh viên năm 3 Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) nói: "Bản thân mình sống ở KTX cũng nhận thấy là đồ ăn không hợp vệ sinh, nhưng do giá cả phù hợp với túi tiền nên nhiều bạn cũng phải chấp nhận".

Bạn Phạm Hồng Phúc, sinh viên hiện đang sống tại KTX khu B ĐHQG TP.HCM chia sẻ rằng mình không chấp nhận được thức ăn với mức giá 15.000-20.000 đồng mà lại kém chất lượng như vậy.

Thức ăn thối rữa có giòi do để nhiều ngày

Theo bác sĩ (BS) Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), người ăn phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng trước nhất sẽ bị thiếu chất do những thực phẩm này đã bị bị hư hỏng và không đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết.

Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương - phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, giòi nở từ trứng ruồi, mà ruồi thì chỉ đẻ ở các bãi phân, bãi rác hoặc những nơi có chất hữu cơ nguồn gốc động vật hoặc thực vật bị thối rữa, nói cách khác là thức ăn bị thối rữa.

“Bản thân giòi không dơ và không có chất độc, nó thậm chí còn là nguồn cung cấp chất đạm. Nhưng vấn đề là khi thức ăn có giòi, có nghĩa là có chất hữu cơ đang phân hủy.

Đây là nơi chứa rất nhiều mầm bệnh, là môi trường phát triển của nấm mốc và vi trùng. Con người ăn phải những nấm mốc và vi trùng này có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bị kiết lị, tả, thương hàn và có thể nhiễm vi trùng HP trong dạ dày” - BS Lưu Phương cho biết.

Các chất dinh dưỡng như chất béo, chất bột dường, chất đạm bị ôi thiu đều biến chất và chứa độc tố ảnh hưởng đến con người, gây ra nguy cơ dị ứng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc,…

Một điều nữa là những thức ăn này có thể chứa nhiều mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa do ruồi đem tới khi đậu vào thức ăn để đẻ trứng.

Theo TS. BS Huỳnh Tấn Tiến - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, lý tưởng nhất là người sử dụng ăn thực phẩm sau khi nấu trong vòng 2 tiếng.

“Còn thức ăn mà có giòi thì tức là đã để nhiều ngày. Thức ăn có giòi dẫu có nấu lên rồi thì vi sinh vật có thể chết, giòi có thể chết nhưng chất độc và mầm bệnh vẫn còn đó” - BS Huỳnh Tấn Tiến nhận định.

Sự việc thức ăn ở KTX sinh viên có giòi cũng báo động hiện tượng coi thường tính mạng, sức khỏe người khác và bất chấp pháp luật của một số địa điểm cung cấp thực phẩm.

TS. BS Huỳnh Tấn Tiến cho rằng không ban ngành chức năng nào có thể đi kiểm tra từng món, từng bữa của các quán ăn. Thực phẩm chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm xã hội của cơ sở cung cấp thực phẩm.

Trong trường hợp này, Phòng y tế Q.Thủ Đức phải có trách nhiệm cùng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện vật chất, nhân viên phục vụ có đảm bảo vệ sinh cá nhân… của cơ sở này. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý thích đáng.

Làm sao có bữa ăn vừa rẻ vừa đảm bảo chất lượng?

Theo BS Đào Thị Yến Thủy, các bạn sinh viên nên mua thức ăn còn tươi tốt, khi về nên rửa sạch, nấu chín kỹ rồi mới ăn.

Thức ăn thừa thì phải hâm nóng trước khi ăn, không ăn thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng... để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng.

BS Yến Thủy cũng khuyên các bạn sinh viên nên mua thực phẩm theo mùa vì mùa nào thì thức nấy sẽ rẻ.

Nếu thịt mắc thì có thể bổ sung cá, trứng, đậu hũ vào bữa ăn để thay thế giữa các thực phẩm cùng nhóm giàu đạm.

Theo BS Lê Quang Hào (Viện dinh dưỡng quốc gia), điều quan trọng đầu tiên là vấn đề sức khỏe để học tập và lao động. Vì vậy sinh viên trong mọi trường hợp phải có những sự lựa chọn thực phẩm khôn ngoan.

Ví dụ thay vì thịt cá đắt đỏ thì có thể ăn các loại rau quả có nhiều chất đạm như các loại đậu đỗ, vừa rẻ vừa nhiều chất dinh dưỡng.

BS Lê Quang Hào cho rằng chế độ dinh dưỡng của mỗi người phải tùy thuộc vào loại hình vận động của người đó để bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết vào bữa ăn.

“Sinh viên nếu chỉ đi học thì thành phần bữa ăn cũng không cần phải phức tạp, chỉ cần đầy đủ các nhóm chất là được. Còn nếu phải đi làm thêm thì năng lượng phải được bổ sung nhiều hơn bình thường” - BS Lê Quang Hào đưa ra lời khuyên.

Bác đề xuất xây nhà ăn cho sinh viên

Một số bạn sinh viên mong muốn có một khu nấu ăn riêng cho sinh viên ở KTX.

Khi hỏi ông Trần Thanh An về vấn đề này, ông cho biết: "BQL KTX cũng rất muốn xây dựng khu vực nấu ăn riêng dành cho sinh viên, nhưng không được, vì quy trình nhà cao tầng không được phép nấu trong nhà ăn. Ngay cả bếp ăn cũng phải xây dựng khu khác để nấu cho sinh viên".

"KTX có quy định sinh viên không được nấu ăn ở KTX, tuy nhiên vẫn được nấu nước sôi. Bởi vì thử nghĩ xem nếu toàn bộ KTX với 21.000 sinh viên này ai cũng nấu ăn, KTX sẽ thành cái gì? Về quy trình công nghiệp, vấn đề cấp thoát nước, bảo hiểm cháy nổ… không thể cung cấp đầy đủ. Bắt buộc chúng tôi phải xây dựng nhiều nhà ăn để sinh viên chọn", ông An chia sẻ.