Nỗi khổ của teens mắc bệnh quáng gà

Sức khỏe & Đời sống, Theo 00:01 09/01/2010

Trái với nhiều người coi buổi chiều tối là khoảng thời gian lãng mạn nhất trong ngày, những bạn bị mắc bệnh quáng gà đặc biệt “sợ” thời điểm này vì mắt bắt đầu chẳng nhìn rõ cái gì.<img src='/Images/EmoticonOng/01.png'><img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>

Âm thầm ngồi nhà khi trời tối

Trong khi mọi người vẫn có thể “tung tăng” đi chơi khi trời tối và chỉ về nhà khi bụng đã đói meo thì những bạn bị mắc bệnh quáng gà lại thường phải cố gắng hết sức để về nhà trước khi trời tối. Nếu không thì các bạn ấy sẽ phải rất khó khăn để nhìn cho rõ mọi thứ. Điều đó vô tình đẩy nhiều teens mắc chứng bệnh oái ăm này vào những tình huống “cười méo miệng”.

H.Linh (NS) tâm sự: “ Không đến mức là không nhìn thấy gì nhưng lúc tối mình nhìn mọi thứ kém đi nhiều. Phải căng mắt ra để nhìn mới thấy được nên bất tiện lắm. Có lần mình xung phong chở một bạn nữ trong lớp về nhà nhưng không ngờ là nhà bạn ấy xa đến thế. Đường nhà bạn ấy lại tối nữa nên mình hầu như chẳng nhìn thấy gì. Mình cứ đi như bò ra trên đường mà ngại không dám nói với bạn ấy. Thấy mình đi chậm quá bạn ấy gặng hỏi mình mới đành phải nói. Thế là bạn ấy bảo mình xuống để bạn ấy chở. Lúc về thì bố bạn ấy chở mình về. Giờ nghĩ lại vẫn thấy ngại quá.”



Chỉ vì chứng quáng gà, Hoàng (QN) đã bị gắn thêm biệt danh “dê xồm” vì trong một lần vô tình do không nhìn rõ Hoàng đã lỡ tay chạm vào ngực của một bạn. Sau khi hết lời giải thích, “nạn nhân” cũng bỏ qua cho Hoàng nhưng biệt danh “dê xồm” thì vẫn bị bọn bạn réo gọi hàng ngày.

Rút kinh nghiệm từ sự cố ấy, Hoàng luôn cố gắng về nhà sớm hết mức có thể và khi đi đường luôn chọn những đường có đèn đường sáng. Hoàng than thở: “ Cứ trời tối là mình lại phải âm thầm ngồi nhà, chẳng làm được cái tích sự gì cả. Mai sau có bạn gái thì làm thế nào nhỉ? Chắc không bao giờ dám đi chơi buổi tối mất.”

Nguyên nhân của bệnh quáng gà

Quáng gà là biểu hiện nhìn kém khi về chiều, giống như con gà hơi chạng vạng về chiều đã lo về chuồng vì sợ không nhìn rõ đường. Một số nguyên nhân dẫn tới bệnh quáng gà là:

- Bệnh lí do gen di truyền. Ví dụ như tổn thương đáy mắt trong bệnh võng mạc sắc tố gây nên quáng gà.

- Bệnh lý thần kinh của thị giác.

- Do một số dược phẩm gây phản ứng phụ.

- Tình trạng thiếu vitamin A.



Tuy nhiên không phải cứ mắt bạn nhìn kém khi trời tối có nghĩa là bị quáng gà. Bạn cần phải phân biệt quáng gà với hiện tượng thích nghi bóng tối kém. Đó là khi thay đổi đột ngột từ vùng sáng sang vùng tối khiến cho bạn cảm thấy mờ mắt, say sẩm mặt mày và phải nghỉ ngơi một lúc mới nhìn rõ trở lại. Đó chỉ là một hiện tượng sinh lí bình thường của cơ thể vì vậy không có gì đáng lo ngại.

Để phát hiện bệnh quáng gà một cách chính xác teens cần phải đi khám để làm các xét nghiệm, test thích nghi sáng - tối, điện võng mạc, thị trường... ở các bệnh viện, chuyên khoa về mắt.

“Nạp” đủ vitamin A cho mắt

Thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà. Nhiều bạn sau khi được điều trị bằng vitamin A đã khỏi hẳn bệnh quáng gà. Vì thế, cách tốt nhất để phòng chống bệnh quáng gà là teens nhà mình hay “nạp” đủ lượng vitamin A cần thiết.

Vitamin A có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm vì thế sẽ không quá khó khăn cho teens khi cần bổ sung vitamin A đâu.

Đầu tiên là hãy chịu khó “măm măm” gan nhé! Vì đây là một nguồn vitamin A rất dồi dào. Bạn nào không thích ăn gan thì có thể ăn trứng, cá, lươn, bơ và uống thêm sữa.



Tiếp theo phải kể đến các loại rau, củ quả rất giàu vitamin A và đứng đầu  bảng chính là cà rốt. Ngoài ra, teens còn có thể bổ sung vào thực đơn của mình lá cải bông xanh, khoai lang, xà lách, rau bina, cà chua. Các loại quả có màu sắc vàng hay đỏ như đu đủ, xoài, cam..vv… Các loại rau lá sẫm màu vì có chứa nhiều beta caroten - một tiền tố của vitamin A. Tiền chất này sẽ được men trong thành ruột và gan chuyển hóa thành vitamin A.

Một cách bổ sung vitamin A rất hữu hiệu cho cơ thể nữa là uống viên dầu gan cá đấy.

Teens nhà mình cũng cần lưu ý phải cân đối bữa ăn có đủ chất đạm, dầu mỡ vì điều đó sẽ giúp tăng hấp thụ và chuyển hóa vitamin A. Do vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu.