Nguyên nhân của việc không ăn đồ nóng mà mụn vẫn lên đều

bác sĩ Mèo, Theo Pháp luật xã hội 12:01 20/12/2013

Chúng ta có thực sự biết nguyên nhân gây ra mụn không nhỉ?

Bác sĩ giúp em với ạ. Từ khi tới tuổi dậy thì, em bị xuất hiện mụn ở trán và mũi, ở cằm chỉ có mụn li ti nhìn không rõ. Sau khi em thi đại học xong, trán em không còn mụn nhưng thay vào đó em lại bị mụn dưới cằm và hai bên má, mà toàn là mụn bọc trắng từ nhỏ đến to. Em ăn rất nhiều rau xanh cũng như kiêng đồ cay nóng nhưng mụn không hề thuyên giảm. Sau mụn, vết thâm để lại rất nhiều. Em tìm hiểu trên mạng thì họ nói mụn dưới cằm như em là dấu hiệu của bệnh phụ khoa nên em hoang mang lắm. Bác sĩ giải đáp giúp em vấn đề này được không ạ? Em xin chân thành cảm ơn. (cherry…@gmail.com)

 Trả lời:

Chào em,

Em cần phải hiểu, mụn là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó hai yếu tố chính là nội tiết tố (hormone) và vi khuẩn sống ở nang lông. Trong điều kiện thường, vi khuẩn này vô hại. Tuy nhiên, khi chất nhờn tiết ra quá nhiều, cùng với bụi bẩn làm cho lỗ chân lông bị bít kín, vi khuẩn này sẽ có môi trường lý tưởng để sinh sôi. Việc tăng tiết chất nhờn là do hormone trong cơ thể bị xáo trộn dẫn đến mất cân bằng. Việc mất cân bằng hormone xảy ra mạnh khi bạn gái đến tuổi dậy thì, sắp đến chu kì kinh nguyệt hoặc trước khi mãn kinh… Việc em đọc được trên mạng nổi mụn là biểu hiện của bệnh phụ khoa bản chất cũng là do thay đổi nội tiết tố.

Nguyên nhân của việc không ăn đồ nóng mà mụn vẫn lên đều 1

Sự xáo trộn, mất cân bằng hormone cũng có thể có nguyên nhân từ việc bị căng thẳng kéo dài, sinh hoạt bị xáo trộn. Ngoài ra mụn còn là biểu hiện của việc tích tụ độc tố trong cơ thể do gan và ruột không thể lọc hết chất độc.

Mụn có 2 nhóm chính là mụn không viêm và mụn viêm.

- Mụn không viêm gồm mụn đầu trắng và mụn đầu đen, hình thành do lỗ chân lông bị tắc nghẽn.

- Mụn viêm gồm mụn mủ và mụn bọc, hình thành do tác động của vi khuẩn, trong đó mụn bọc là dạng viêm nhiễm cao nhất, gây đau nhức và để lại sẹo sau khi lành.

Trường hợp nổi mụn của em theo bác sĩ không phải là việc bất thường, vì em vừa trải qua thời kì ôn thi đại học nên có khá nhiều thứ thay đổi: thói quen sinh hoạt, tâm lý… dẫn tới việc hormone trong cơ thể bị xáo trộn làm nổi mụn. Theo mô tả của em, bác sĩ xác định mụn của em là mụn viêm và với mức độ này thì em không thể tự khắc phục tại nhà mà cần đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám kĩ càng và tư vấn cách điều trị. Nếu để lâu, tình trạng sẽ còn tệ hơn và khi đó điều trị sẽ tốn kém và mất thời gian hơn.

Trong thời gian bị mụn, em nên giữ cho da mình khô, sạch sẽ, không dùng tay nặn mụn, giữ nếp sinh hoạt điều độ, không thức khuya và hạn chế các thức ăn cay nóng.

Chúc em sớm điều trị thành công!
Nguyên nhân của việc không ăn đồ nóng mà mụn vẫn lên đều 2