Nghe nhạc to hủy hoại tai của teen

T.Ann (Tổng hợp theo Dân trí, Sức khỏe & Đời sống), Theo 00:01 19/03/2010

Gắn chặt headphone trên tai, nghe với cường độ lớn kể cả khi đang học bài, đi đường là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều teens càng ngày càng trở nên “nghễnh ngãng”.<img src='/Images/EmoticonOng/06.png'><img src='/Images/EmoticonOng/09.png'>

Càng to càng thích

Cứ về đến nhà là Thùy (16t-TP) lại “sán” lại gần máy vi tính và nghe nhạc. Dù đeo tai nghe nhưng Thùy lại thường bật to đến mức mọi người ở ngoài vẫn có thể nghe rõ ràng từng từ một. Thùy giải thích: “Nghe nhạc to thì mới thích chứ. Nghe bé thì nghe làm gì”. Sau khi “sắm” máy mp3 thì hầu như lúc nào Thùy cũng nghe nhạc, kể cả khi học bài. Bố mẹ phải “đấu tranh” mãi Thùy mới chịu để mp3 ở nhà không mang đến lớp.

Bố mẹ Thùy chia sẻ: “Nhắc nhở nhiều lần rồi mà nó vẫn không thể sửa được thói quen nghe nhạc to. Nhiều khi nói chuyện với con mà cứ phải hét toáng hết cả lên vì nói bình thường thì nó có nghe thấy gì đâu”.



Trường hợp của Thùy ngày càng trở nên phổ biến và đang trở thành một nỗi lo với các bậc phụ huynh khi “trẻ con mà còn nghe kém hơn người già”.

Đặc điểm dễ nhận thấy với những teens thường xuyên nghe nhạc quá to là không nghe rõ khi mọi người nói câu đầu tiên mà thường phải nhắc lại. Có nhiều bạn đã bị mọi người “gán” cho tội hỗn xược cũng chỉ vì không nghe rõ mọi người nói gì nên mặt mũi “lạnh lùng” không có phản ứng.

Tuy vậy, nhiều bạn vẫn không tin rằng mình nghe kém đi, hoặc có thể bị điếc chỉ vì thói quen nghe nhạc quá to. Nam (15t-BĐ) nói: “ Em thấy nghe nhạc to thì chỉ thỉnh thoảng bị ù tai thôi chứ làm sao mà bị điếc được. Nhiều khi bạn bè nói em cũng không nghe rõ lắm nhưng đó là do ồn quá chứ có phải là do tai em có vấn đề gì đâu”.



Điếc vì nghe nhạc???

Theo các chuyên gia thì nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn từ 85 decibel trở lên trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của tai. Trong khi các máy nghe nhạc thường có công suất đến 120 decibel.

Với trường hợp bình thường, âm thanh được đập vào vành tai, ống tai trước khi đến màng nhĩ. Nhưng khi nghe bằng headphone, âm thanh được truyền trực tiếp đến màng nhĩ, khiến màng nhĩ rung rất nhiều, biên độ lớn. Với cường độ âm thanh nhỏ nhưng vị trí của tai nghe gần màng nhĩ thì âm thanh vẫn sẽ bị khuếch đại lên. Nếu nghe nhiều, màng nhĩ sẽ bị sơ hoá từ từ, đục dần và rất cứng khiến cho nó không thể rung động được, gây giảm thính lực.

Teens có biết rằng mức âm thanh giao tiếp trung bình khoảng từ 30 - 60 decibel. Nếu nghe vượt quá 90 decibel thì những tế bào thần kinh thính giác bị tổn thương, thậm chí màng nhĩ sẽ bị thủng.



Tuy nhiên đa số mọi người đều không cảm nhận được điều này do chúng ta có thể không bị điếc hoàn toàn mà chỉ điếc ở một tần số nhất định hoặc do hai bên tai điếc không đều. Do vậy các bạn vẫn có thể nghe được nhưng trong một thời gian dài tiếp diễn thì việc nghe kém, điếc sẽ trở nên nặng hơn.

Nghe nhạc quá to còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần như mệt mỏi, cáu gắt, giảm tập trung, kém trí nhớ, đau nửa đầu...

Ngoài ra teens còn phải chấp nhận một sự thật là: hiện nay các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được cách để phục hồi lại thính lực cho những người bị điếc do âm thanh quá to. Vì vậy, nếu bị điếc bạn sẽ phải “chung sống” với tình trạng không nghe thấy gì suốt đời. Mất đi khả năng nghe khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nó cô lập con người với gia đình, bạn bè, xã hội. Những người bị điếc thường rơi vào tình trạng trầm cảm, chán nản, bực tức vô cớ, thu mình.



Những dấu hiệu cần đề phòng

Teens cần hết sức lưu ý nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu sau đây:

- Thường xuyên nói lớn khi giao tiếp với mọi người.

- Không nghe rõ.

- Tai hay bị ù, có những tiếng vo ve hoặc rì rì trong tai rất lâu mới hết. Tai thường có cảm giác lùng bùng sau khi nghe nhạc.

- Nhức đầu.

Để bảo vệ tai của mình khi nghe teens không nên bật quá to, chỉ nên để để ở mức dưới 50% âm lượng tối đa của máy. Không nên nghe quá 1h/1 ngày. Tuyệt đối không nghe headphone khi đi ngủ vì nếu ngủ quên không tắt máy thì sẽ gây ra tình trạng ù tai, mệt mỏi. Không nên nghe nhạc nơi ồn ào vì lúc đó phải chỉnh âm lượng lớn mới nghe được.

Khi đến tham dự các buổi biểu diễn ca nhạc hoặc đến các quán bar, bạn nên tránh đứng gần loa và cứ sau 45 phút nên kiếm nơi yên tĩnh để tai được nghỉ ngơi 5, 10 phút.