Miệng "bốc hỏa" khi mắc phải bệnh mùa nóng

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/05/2013

Môi bạn sẽ nứt nẻ và miệng luôn có cảm giác khô rát rất khó chịu đấy!

Miệng "bốc hỏa" khi mắc phải bệnh mùa nóng 1

Khoảng gần 2 tháng nay, khi bắt đầu vào mùa nóng là em bỗng nhiên rất hay cảm thấy miệng bỏng rát. Mặc dù em uống khá nhiều nước nhưng môi lúc nào cũng trong tình trạng nứt nẻ, thậm chí rơm rớm máu. Ngoài ra, em ăn uống cũng không thấy ngon vì chẳng cảm nhận được mùi vị gì. Điều này khiến em chán ăn nên cơ thể sụt cân và suy nhược thấy rõ. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không ạ? Em xin cảm ơn! (hailua...@yahoo.com).

Miệng "bốc hỏa" khi mắc phải bệnh mùa nóng 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng khô miệng.

Chứng này chiếm khoảng 10% dân số và không phải là một bệnh lý nhưng nó đem đến khá nhiều phiền phức vì có thể dẫn đến hôi miệng, sâu răng, bệnh nha chu, teo nứt niêm mạc gây chảy máu, nhiễm trùng ngược dòng...

Nước bọt được sản xuất từ các tế bào ở mặt trong của môi và vòm miệng. Sự tiết nước bọt được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh thực vật như một quy luật, kích thích hệ phó giao cảm làm tăng hay giảm lưu lượng nước bọt.

Những nguyên nhân cơ bản gây nên hiện tượng khô miệng bao gồm:

1. Nguyên nhân tiên phát:

- Thiếu tuyến nước bọt.

- Tuyến nước bọt bị nhiễm trùng do virút (ví dụ như bệnh quai bị), vi trùng, hoặc nấm.

- Bệnh tuyến nước bọt tự miễn: làm phá hủy từ từ các mô tuyến nước bọt và hậu quả là làm giảm việc tiết nước bọt.

- Sỏi tuyến nước bọt.

- Do ung bướu.

2. Nguyên nhân thứ phát:

- Mất nước: xuất huyết, tiểu tiện, nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều, đái tháo đường, suy tim, hội chứng tăng urê máu.

- Do thuốc: như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, một số thuốc hạ áp, thuốc trị chứng đau nửa đầu (migraine), thuốc chống nôn, thuốc giảm co thắt...

- Bệnh thiếu máu: thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu ác tính.

- Một số bệnh lý khác như: rối loạn nội tiết, căng thẳng, lo âu, trầm cảm, thiếu hụt dinh dưỡng...

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án giải quyết tối ưu đối với từng trường hợp. Ví dụ:

- Do thuốc: giảm liều lượng thuốc hoặc sử dụng thuốc thay thế.

- Viêm nhiễm do vi trùng: dùng kháng sinh; do nấm: dùng thuốc trị nấm...

- Do sỏi tuyến nước bọt gây tắc nghẹt: phẫu thuật.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó nhận được chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời cho tình trạng của mình.

Ngoài ra, để cải thiện triệu chứng khô miệng và giữ cho răng luôn khỏe mạnh thì em nên thực hiện những điều sau:

- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường.

- Tránh các loại thực phẩm có đường hoặc có tính acid vì chúng làm tăng nguy cơ sâu răng.

- Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn vì có thể làm khô miệng.

- Uống từng ngụm nước hoặc ngậm mẩu nước đá trong suốt cả ngày để làm ẩm miệng, có thể uống nước trong bữa ăn để hỗ trợ quá trình nhai, nuốt.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng vào ban đêm.

 Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Miệng "bốc hỏa" khi mắc phải bệnh mùa nóng 3