Mất khả năng di chuyển vì chấn thương khi đá bóng

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:01 23/04/2012

Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nhỉ?

Cách đây vài ngày, khi tham gia đá bóng ở trường trong giờ ra chơi, em đã va chạm với một bạn nữa. Lúc đó, em chỉ thấy toàn bộ chân trái của mình đau và tê cứng. Đến khi về nhà thì phát hiện đầu gối còn bị thâm tím, trầy xước kèm theo sưng to nữa. Mọi khi em bị thương như vậy chỉ khoảng 2 hôm là sẽ đỡ nhưng không hiểu sao lần này tình trạng càng ngày càng xấu đi, thậm chí em không thể lên xuống cầu thang hay di chuyển được nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu chân em có mắc phải vấn đề gì nghiêm trọng không ạ? Em xin cảm ơn! (chu...@yahoo.com)

Chào em,

Đầu gối một khi bị chấn thương sẽ rất có thể xảy ra hai loại tổn thương sau:

- Giãn hoặc đứt dây chằng: đầu gối có đến hai ba loại dây chằng khác nhau như dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên... Dấu hiệu của việc đứt hoặc giãn dây chằng này là đau sau đó khi đã hết đau thì cảm giác khớp gối lỏng lẻo. Mức độ lỏng tùy theo độ nặng nhẹ của chấn thương.

Trường hợp giãn dây chằng nhẹ thì sẽ tự hồi phục sau khoảng 2 tháng. Tuy nhiên nguy cơ tái phát rất cao nếu không có chế độ tập luyện phục hồi chức năng đúng cách.

- Rạn hoặc rách sụn chêm đầu gối: sụn chêm chính là phần bọc ngoài cùng của xương chày cũng như ổ khớp gối. Lúc bình thường, mặt lớp sụn chêm này nhẵn, lại có dịch trơn làm giảm ma sát nên xương chày xoay trơn tru trong ổ khớp. Khi bị rách hoặc rạn, bề mặt sụn không còn trơn mà có rãnh vỡ, nên khi di chuyển không trơn tru nữa mà ma sát mạnh vào nhau gây đau.

Rất đáng tiếc vì những triệu chứng em mô tả trong thư còn quá chung chung, không rõ ràng nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác vấn đề mà chân em đang gặp phải.

Để chẩn trị cho chính xác thì trước hết cần chụp X-quang xem xương có rạn nứt gì không. Sau đó thì chỉ có cách chụp cộng hưởng từ mới có thể nhìn được xem mức độ giãn/đứt dây chằng và nhất là rạn/rách sụn chêm. Nếu mức độ nhỏ, tuổi còn trẻ thì em thường sẽ chỉ tiêm dịch kích thích cho sụn liền lại. Nếu nghiêm trọng thì sẽ có chỉ định mổ (nội soi) để gắp hết những miếng sụn rách vụn ra, hoặc nối lại dây chằng bị đứt.

Vì vậy, việc quan trọng nhất em cần làm ngay đó là phải đến bệnh viện chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó có phác đồ điều trị kịp thời, tránh để lâu có thể dẫn đến thoái hóa khớp, khó chữa hơn rất nhiều.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý rằng khi bị chấn thương về dây chằng, tuyệt đối không nên dùng các loại cao chườm nóng. Nguyên nhân vì các loại này chỉ tác dụng tốt với các chấn thương về co cơ, còn nếu căng cơ mà dùng thì chỉ làm sưng hơn và khiến tình hình xấu hơn. Chườm đá lạnh ngay trong trường hợp này mới luôn luôn là cách xử lý chính xác.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!