Hoảng sợ với hiện tượng mụn mọc khắp nơi

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 31/03/2014

Mụn có ở khắp nơi: từ lưng, cổ, tai cho đến chân và cả vòng 3.

Chào bác sĩ, em là nữ, năm nay 20 tuổi. Em có một số thắc mắc xin bác sĩ giúp với. Chuyện là lưng của em mọc rất nhiều mụn nhỏ, cũng từ lâu rồi, em thấy cũng không có gì nên không đi khám, nhưng dạo gần đây thì em lại bị nổi mụn ở gáy (4-5 cục), bên cạnh đó ở mang tai của em cũng bị nổi một cục mụn như mụn bọc nhưng rất cứng, khi sờ vào thì đau. Ngoài ra, cách đây vài hôm thì chân em lại bị nổi những đốm nhỏ như muỗi cắn, nhưng kì lạ là các đốt này thì cứ từng đôi song song với nhau. Trên "bàn tọa"  theo em đang để ý thì cũng mọc lên những đốm đó. Em thấy hoang mang trước việc da xuất hiện các dấu hiệu bất thường như vậy, nên mong bác sĩ giúp em. Em xin cảm ơn! (ngocha...@gmail.com)

Trả lời:

Chào em,

Mụn
là một trong những vấn đề thông thường mà ai cũng có thể gặp phải. Bác sĩ Mèo sẽ giúp em đoán biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua vị trí mụn mọc trên cơ thể nhé:

Mụn mọc trên tai

Nếu em bị mọc mụn trên tai, có thể thận của em có vấn đề. Mụn xuất hiện ở khu vực xung quanh tai (đôi khi ở bên trong tai) nghĩa là cơ thể em cần thêm nước. Điều này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ caffeine và muối trong máu của em cao.

Mụn mà em gặp có thể là một dạng mụn cóc, một bệnh ngoài da lành tính. Mụn cóc có thể là những cục sẩn cứng nhô trên da, mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2mm đến vài chục milimét, có màu xám, sờ cứng. Mụn cóc có thể lây lan qua sờ, nắm, cầm, gãi từ vùng này qua vùng khác hoặc từ người này qua người khác.

Mụn ở cổ

Rất ít người nhận ra rằng dầu gội lại có thể là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mụn ở đầu, cổ, gáy... Các chất bảo quản và nước hoa trong dầu gội có thể gây kích ứng da.



Mụn ở chân

Nếu em có mụn trên chân, nguyên nhân phổ biến nhất là viêm nang lông. Điều này bắt đầu khi các nang lông bị ứ lại do ma sát từ quần áo. Trong hầu hết trường hợp, các nang này bị tắc sau đó gây bệnh viêm nang lông.

Mụn ở lưng

Mụn ở lưng thường xuất hiện do mồ hôi đọng lại trong lúc hoạt động. Ngoài ra, ma sát gây ra bởi túi xách tay hoặc ba lô đeo trên vai cũng có thể chặn sự thoáng khí của lỗ chân lông và gây ra mụn trên vai.

Mụn ở mông

Vùng da quanh vòng 3 luôn được bao phủ bởi mấy lớp trang phục nên thường tụ mồ hôi, lỗ chân lông dễ bị bít gây mụn ở mông. Hơn nữa, mông cũng là vùng thường xuyên tiếp xúc với mặt phẳng cứng, luôn bị tỳ đè (do ngồi nhiều) nên có khuynh hướng thô dày.

Do đó khi bị mụn sẽ càng dễ trở nên chai sần và thâm đen. 70% mụn ở mông là mụn trứng cá. Ngoài ra, cũng có thể có mụn nhọt, mụn bọc do viêm nang lông. Nguyên nhân có thể do nội tiết thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, do thuốc (dị ứng, tác dụng phụ của thuốc), do thay đổi nội tiết liên quan đến kỳ kinh, thai nghén, do vệ sinh cá nhân mặc quần áo quá chật, dùng xà phòng có tính ăn mòn, do stress....

Bác sĩ Mèo khuyên em nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đúng cách. Đối với vùng da bị mụn phải dùng sữa rửa mặt trị mụn và không gây kích ứng da. Em cũng hạn chế nặn, bóp mụn sẽ làm cho tình trạng mụn ngày càng tệ thêm, hơn nữa sẽ để lại sẹo thâm đen rất thiếu thẩm mĩ. Mụn cũng là vấn đề thuộc da liễu, là một lĩnh vực rất khó chẩn đoán trong y học thậm chí cho dù có nhìn thấy tận mắt, vì vậy bác sĩ Mèo cũng khuyên em nên đến những cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời!

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Trị chứng "tiểu són" bằng bài tập Kegel 2