Giải mã bệnh khiến XY dễ bị vô sinh nhất

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 08/08/2012

Đó là chứng tinh hoàn ẩn đấy các ấy ạ!

giai-ma-benh-khien-xy-de-bi-vo-sinh-nhat
Năm nay em 19 tuổi và là nam. Từ khi mới sinh ra, em đã bị ẩn tinh hoàn bên trái bẩm sinh. Khi đó, em được làm phẫu thuật luôn nhưng chỉ đưa tinh hoàn bị lạc xuống đến ống bẹn. Cho đến nay, nó vẫn không chịu vào đúng vị trí ở bìu. Tình trạng này khiến em vô cùng lo lắng cho tương lai của mình. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có nhiều nguy cơ bị vô sinh không và phải làm sao để chữa khỏi hoàn toàn chứng bệnh quái ác này ạ? Em xin cảm ơn! (phanho...@yahoo.com)
giai-ma-benh-khien-xy-de-bi-vo-sinh-nhat
Chào em,
 
Tinh hoàn không xuống bìu (hay tinh hoàn ẩn) là thuật ngữ được dùng để chỉ các trường hợp tinh hoàn không nằm ở bìu do bị dừng lại bất thường trên đường di chuyển từ ổ bụng xuống bìu, bị lạc chỗ hoặc tinh hoàn dao động. Nó có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên.

Những nguyên nhân cơ bản gây ra chứng bệnh này là:

- Cản trở cơ học: Bất cứ sự trở ngại nào của dây chằng và ống bẹn đều có thể làm hạn chế sự di chuyển của tinh hoàn hoặc dẫn đến tinh hoàn lạc chỗ ở vị trí bất thường.

- Nguyên nhân nội sinh: Do chính bản thân tinh hoàn, thường gặp trong những bất thường nhiễm sắc thể 46, XXY hoặc có thể phối hợp với nhiều hội chứng dị dạng khác.

- Bất thường về nội tiết: Do tổn thương trục dưới đồi yên - sinh dục khi mắc các hội chứng: Kallmann, Prader-willi-Labhart, suy tuyến yên do trục dưới đồi yên - sinh dục bị tổn thương hoặc không bình thường về cấu trúc...

Theo nhiều nghiên cứu, những trường hợp mắc chứng tinh hoàn không xuống bìu đều có sự khiếm khuyết về cả số lượng và chất lượng tinh trùng. Cụ thể là số lượng tế bào mầm và ống sinh tinh giảm rõ rệt so với tinh hoàn bình thường.
 
Ngoài ra, nguy cơ ung thư hóa tinh hoàn gặp trong chứng bệnh này có tỷ lệ cao gấp 35-48 lần so với tinh hoàn bình thường. Khoảng 10% nam giới bị ung thư tinh hoàn có tiền sử mắc tinh hoàn không xuống bìu. Nguy cơ ung thư tăng lên với những trường hợp tinh hoàn ở vị trí cao trong ổ bụng (do nhiệt độ tại đây cao hơn bìu).

Tuy nhiên, đây là dị tật có thể sửa chữa bằng phương pháp tiêm thuốc hormone (nội khoa) hoặc phẫu thuật (ngoại khoa):

- Điều trị ngoại khoa có thể đưa ngay tinh hoàn xuống bìu nhưng lại mang nguy cơ làm thương tổn ống dẫn tinh, mạch máu nuôi tinh hoàn trong quá trình phẫu thuật. Các tai biến này sẽ làm cho tinh hoàn bị teo hoặc tắc ống dẫn tinh sau mổ.

- Điều trị nội khoa bằng hormone HCG có thể làm cho một số tinh hoàn di chuyển xuống bìu hoàn toàn, số còn lại nếu chỉ di chuyển một phần cũng làm cho phẫu thuật được dễ dàng hơn.

Ngày nay xu hướng phẫu thuật sớm hơn trước 2 tuổi. Trường hợp của em rất may mắn là đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, vì bệnh vẫn chưa hoàn toàn bình phục nên bác sĩ Mèo khuyên em hãy tái khám ở bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt để nhận được tư vấn và chỉ định điều trị phù hợp tại thời điểm này.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

giai-ma-benh-khien-xy-de-bi-vo-sinh-nhat