Đối mặt với bệnh tật nguy hiểm khi đi bơi

Diệu Linh, Theo Mask Online 00:01 12/05/2012

Hồ bơi không phải "thân thiện" như ấy nghĩ đâu nhá!

 Mùa hè mà được vẫy vùng trong nước sẽ thích lắm các bạn nhỉ? Đi bơi giúp chúng mình giải trí, xả stress và cũng là một môn thể thao tốt cho sức khỏe nữa. Thế nhưng, cách hạ nhiệt "tuyệt vời" này lại ẩn chứa những bệnh quái ác có thể tấn công chúng mình đấy!

Bệnh ngoài da

Các hóa chất để khử trùng, làm xanh nước bể bơi chính là thủ phạm gây các bệnh ngoài da như: viêm da tiếp xúc (xuất hiện ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, nách, bẹn, mặt trong đùi). Các triệu chứng điển hình của những gã đáng ghét này là các vết đỏ da, ngứa và có thể có các mụn nước nhỏ lấm tấm mọc trên nền da đỏ. Nếu gãi nhiều có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm da nặng. Đen da, sạm da, thậm chí bỏng da cũng là một dạng bệnh do hóa chất gây nên đó các ấy ạ!

Để phòng tránh, sau mỗi lần bơi lội, ấy cần phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước từ vòi sen để tẩy sạch hết những chất hữu cơ đã bám dính vào cơ thể và dùng khăn cá nhân lau khô trước khi mặc quần áo. Hạn chế tối đa việc thuê quần áo bơi để sử dụng và tránh bơi vào các giờ nóng gắt: cuối buổi sáng, buổi trưa và đầu buổi chiều. Tốt nhất là dùng kem chống nắng thoa lên da 15 phút trước khi bơi và sau khi bơi phải tắm thật sạch.

Ảnh hưởng đến hệ hô hấp

Chất Clo có trong nước bể bơi rất dễ phản ứng với chất Urine và mồ hôi tạo nên các chất hóa học phụ (chủ yếu là chất Chloramines) có thể gây khó chịu cho hệ hô hấp của con người. Những người thường tiếp xúc với chloramines có nguy cơ mắc các chứng bệnh xoang hay viêm họng, cảm cúm mãn tính nhiều gấp 3 đến 4 lần những người khác. Những người phải tiếp xúc với nồng độ Clo càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên.

Gây hại cho "cửa sổ tâm hồn"

Đi bơi chính là con đường ngắn nhất khiến các ấy nhiễm các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm hạt mắt và nghiêm trọng nhất là lậu mắt. Phần lớn các hồ bơi công cộng trong thành phố vẫn chưa đảm bảo nồng độ chất sát trùng an toàn, người bơi ngày càng đông trong mùa nắng nóng cao điểm, chất thải trong nước ngày càng nhiều nên khả năng lây bệnh càng cao.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần mang kính bơi. Sau khi bơi xong, nên lau mắt bằng bông gòn hoặc khăn sạch, tra dung dịch sát trùng như Natriclorid 0,9%, Neocin, Cloraxin 0,4% hoặc tự pha nước muối loãng vào chậu nước, ngụp mặt vào và chớp chớp mắt để vệ sinh mắt.

Viêm tai ngoài

Nấm mốc, vi khuẩn trong nước hồ bơi sẽ dễ đọng lại ở tai (do cấu tạo đặc biệt của tai) từ đó gây bệnh viêm tai ngoài. Bệnh này nếu không được chăm sóc, chữa trị tốt có thể gây thủng tai trong và cũng có thể gây xáo trộn thính giác kéo dài. Vì thế, nếu thấy tai bị ngứa hay có vết lở loét, bạn nên đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng. Tuyệt đối không được ngoáy tai, vì hành động đó sẽ tạo thêm các vết xước, giúp vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh hơn.

Hư tóc

Tóc sẽ trở nên khô xơ và cứng bởi các chất hóa học lọc nước như: ôxít đồng, muối nhôm, clo... Chính vì vậy, khi bơi nên dùng mũ nilon bảo vệ để tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những chất độc hại này. Nếu tóc đã bị hỏng, không nên dùng dầu gội đầu mà nên đun nước bồ kết để gội sau khi bơi.

 Bạn đã biết cách sơ cứu khi có người bị chết đuối chưa?

(Click vào hình để tìm hiểu nha)