Đối mặt với 3 tật xấu khi ngủ của chúng mình

Phương Thảo (Theo Healthcaremagic) - Theo PLXH, Theo 00:01 29/10/2010

Khi chìm vào giấc ngủ, chúng mình có rất nhiều tật xấu đấy. Và thật xấu hổ khi bị người khác phát hiện phải không nào? Hãy nhanh chóng đối mặt và tìm cách chữa trị ngay thôi.<img src='/Images/EmoticonOng/13.png'>

1. Nghiến răng

Nghiến răng là thuật ngữ y học ám chỉ hiện tượng ngậm chặt hai hàm răng và nghiến qua lại hai bên tạo ra tiếng kêu. Tật nghiến răng ban đêm thường khó nhận biết do nó diễn ra trong lúc ngủ.

Triệu chứng có thể nhẹ và thường xuyên, thỉnh thoảng nặng lên. Nghiến răng hay xảy ra khi mới bắt đầu ngủ, thường phát ra tiếng kêu lớn hoặc một số người nghiến răng không phát ra âm thanh.



Tật nghiến răng không chỉ tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh mà còn gây mòn răng. Răng sẽ bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng.

Nguyên nhân:

- Do căng thẳng thần kinh

- Lo lắng thái quá, stress

- Do đau tai hoặc đau răng dẫn đến việc nghiến răng để đỡ đau

- Tác dụng phụ của một số thuốc thần kinh (như thuốc chống trầm cảm)

- Chất gây kích thích như cà phê, thuốc lá có thể làm tăng thêm tật nghiến răng có sẵn

- Khớp cắn (giữa răng hàm trên và hàm dưới) bị lệch.

Cách điều trị và ngăn ngừa tật nghiến răng:

Trước hết bạn cần đến phòng khám nha khoa để xác định nguyên nhân.



Nếu nguyên nhân gây tật là do stress, người bệnh chỉ cần thư giãn, thoải mái tâm trí, hoặc dùng mẹo như đặt một chiếc khăn ấm ở một bên mặt, tắm bằng nước ấm và giảm uống cà phê.

Nếu nghiến răng khi ngủ do khớp cắn bất thường, nha sĩ sẽ mài những điểm cộm của răng, hoặc để người bệnh mang hàm nhựa cho răng dưới vào ban đêm. Có thể làm chân răng giả, trám các lỗ để tránh răng bị mòn nhiều.

2. Ngủ ngáy
                        
Chứng ngáy ngủ là do sự bế tắc đường hô hấp trên vì nhiều nguyên nhân như amiđan quá to, viêm xoang và nghẹt mũi khiến phải thở bằng miệng hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài...

Ngoài ra ngáy ngủ còn do uống rượu say ngủ mê mệt, hay với người béo các lớp mỡ dày cộm lên cuống họng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở không khí, cổ bạnh hoặc giáp trạng bị viêm sưng cũng dễ bị ngủ ngáy.


Cách điều trị

- Khi ngủ, nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn

- Giảm cân bằng cách tập thể dục thường xuyên, vừa để giảm cân nặng vừa tăng oxy cho não.

- Chữa các chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang

- Không uống rượu 4 tiếng trước khi ngủ

- Không ăn quá nhiều vào bữa tối, tránh dùng các thuốc an thần...


3. Chảy nước dãi khi ngủ

Bệnh tiết nước dãi xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Biểu hiện khi ngủ nước dãi chảy ra ở khóe miệng nếu nằm nghiêng, nếu nằm ngửa nước dãi chảy xuống thực quản và dạ dày.

Bệnh do nhiều nguyên nhân như do ký sinh trùng, có bệnh về đường tiêu hoá, stress, rối loạn tuyến nước bọt, hoặc do thói quen ăn quá nhiều  gia vị như ớt, hồ tiêu, bồ tạt... hoặc bữa tối ăn quá no.


Cách chữa trị

- Biện pháp trước mắt là giảm ăn thức ăn gia vị cay nóng, không ăn tối quá no, không nhai kẹo cao su để giảm tiết nước bọt.

- Sau đó nên tìm xem trong các nguyên nhân có nguyên nhân nào có thể tự điều chỉnh được không, như tập thư giãn để giảm stress, chú ý ăn uống các chất tốt cho tiêu hóa…



- Nếu tình trạng kéo dài nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị tốt hơn.