Đáng sợ khi sẹo lồi xuất hiện vì đeo khuyên tai

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 15/04/2014

Sẹo lồi này có thể to như hạt bắp đấy!

Chào bác sĩ Mèo. Em năm nay 19 tuổi, năm học lớp 9 em có xỏ khuyên tai ở vành trên, không biết lý do gì mà ở chỗ xỏ biến thành sẹo lồi to như hạt bắp. Em có đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ ở đó chỉ nói do cơ địa yếu. Em không biết liệu bệnh này có chữa trị được không? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Em xin cảm ơn!(lethuyli...@gmail.com)

Trả lời:

Chào em,

Việc xỏ khuyên tai ở vành trên đang ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên trào lưu này không hẳn là an toàn bởi việc bấm khuyên ở phần sụn như vành tai dễ gây ra nhiều biến chứng. Các vết thương ở đây chậm lành và đau hơn do kiểu mô và sức ép trên vùng xỏ khác nhau. Chính vì thế, nó dễ dàng gây ra nhiều biến chứng tai hại như tiêu sụn hay biến dạng vành tai.

Theo các chuyên gia y tế, việc dùng dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng, đã qua sử dụng nhiều lần có thể khiến chúng mình bị nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan… Bên cạnh đó còn dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như chảy máu, nhiễm khuẩn và virus (tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, vi khuẩn mủ xanh...). Chưa hết, những trường hợp như rách mô, sẹo lồi do cơ địa kém, tổn thương thần kinh, dị ứng… cũng đều có thể rình rập tấn công khi bấm khuyên.  Đối với trường hợp sẹo lồi của em khả năng cao là do cơ địa yếu. Trước khi cân nhắc điều trị, em cần nắm được một số điều sau đây:



Sẹo lồi là dạng sẹo gồ trên da do sự phát triển quá mức, thường gây ngứa đau và đôi khi gây co kéo. Nó thường xuất hiện ở trên xương ức,  lưng trên, sau cổ, tai, trước ngực, vùng râu... Người da màu có nguy cơ bị sẹo lồi cao hơn 15 lần so với người da trắng.

Hiện nay, chưa phương pháp nào đạt hiệu quả tuyệt đối, ngăn chặn được tác dụng phụ và nguy cơ tái phát sẹo lồi.

Các phương pháp điều trị gồm có:

- Phương pháp tiêm corticosteroids tại chỗ: Được thực hiện trong khoảng 4-6 tuần, trong nhiều tháng hay cho tới khi sẹo lồi bằng phẳng. Đây được xem là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là: teo da, mất sắc tố, giãn mạch.

- Phương pháp áp lạnh: Dùng nhiệt độ lạnh phá hủy trực tiếp tế bào vi mạch. Tại sẹo lồi sẽ có sự tạo thành huyết khối, thiếu ôxy, dẫn tới hoại tử và thải bỏ mô. Nhờ đó, chỗ có sẹo lồi trở nên bằng phẳng. Phương pháp này đạt hiệu quả 51-74%.

- Phương pháp phẫu thuật: Được chỉ định khi sẹo lồi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc sang thương quá lớn. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ sẹo và khâu kín, ghép da với mảnh da ghép toàn phần hay ghép da mỏng để giảm lực căng trên toàn bộ da được khâu. Tỷ lệ tái phát 50-80% .

- Phương pháp tia xạ: Thường áp dụng sau phẫu thuật cắt sẹo lồi ngăn cản sự tái phát trong vòng 1-3 năm. Tỷ lệ thành công 88%. Những tác dụng phụ là tăng sắc tố, có khả năng gây ung thư.

- Phương pháp phẫu thuật bằng laser:
Phương pháp này không ngăn được sẹo lồi tiến triển và sự tái phát.

- Phương pháp băng ép: Được sử dụng trong việc đề phòng và điều trị sẹo lồi sau bỏng.

Như em có thể thấy, điều trị sẹo lồi có nhiều phương pháp nhưng kết quả không phải bao giờ cũng mĩ mãn. Ở các vùng thôn quê, cơ sở y tế và trang thiết bị thiếu thốn thì việc chữa trị càng khó khăn hơn. Bác sĩ Mèo khuyên em không nên tiếp tục đeo khuyên ở vị trí vành tai do cơ địa em yếu, việc tác động nhiều sẽ càng khiến tình trạng sẹo tệ hơn, đặc biệt nguy hiểm hơn nữa nếu em đeo khuyên làm từ các chất liệu không an toàn và dễ gây dị ứng như nhựa, mỹ ký… Nếu em có ý định phẫu thuật cắt bỏ sẹo thì cần cân nhắc thật kỹ và lựa chọn cơ sở y tế có uy tín em nhé!

Chúc em luôn khỏe và vui!

Trị chứng "tiểu són" bằng bài tập Kegel 2