Che giấu cảm xúc – chuyện thường ngày lại gây hại cho teen

Chuột Chít, Theo Mask Online 00:00 09/02/2012

Dù trong lòng chỉ muốn khóc nhưng ngoài mặt ấy vẫn cười là ấy đang che giấu cảm xúc đấy!

Từ xa xưa, cha ông chúng mình thường dạy con, cháu rằng làm người phải sống thật với chính mình. Điều này không chỉ là đạo đức làm người, là điều hay - lẽ phải teen nên cố gắng thực hiện mà nó cũng là một cách để chúng mình có thể gìn giữ sức khỏe tốt hơn đó! Mới đây, trong một nghiên cứu về tâm lí của con người, các nhà khoa học Nga đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra, những người có thói quen che giấu suy nghĩ thật (dân gian chúng mình hay gọi là “sống 2 mặt” đó!) có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh tâm lí nặng gấp 2 lần so với những người “ruột bỏ ngoài da” đấy các ấy ạ! Cùng xem những tác hại mà nó gây ra với sức khỏe của chúng mình là gì nhá!

Thần kinh phân liệt chỉ vì “sống 2 mặt”

Nghe có vẻ vô lí nhưng trường hợp này lại hoàn toàn có thể xảy ra đó nghen! Thông thường những bạn quen “sống 2 mặt” thường giấu nhẹm đi cảm xúc của mình. Dù vui, buồn, tức giận, ghét bỏ thì các bạn này vẫn luôn thể hiện ra ngoài ở trạng thái cảm xúc cố định (thường là luôn tỏ ra hài lòng, vui vẻ với mọi thứ xung quanh mình). Điều này dần dần tạo nên phản xạ vô điều kiện cho não bộ làm xuất hiện thêm một trạng thái tâm lí tồn tại song song với cảm giác thật. Biểu hiện mới đầu của căn bệnh chỉ là đa nhân cách. Sau một thời gian bệnh tiến triển, các ấy này sẽ có những trạng thái tâm lí đáng sợ hơn như: cho rằng ý nghĩ của mình bị phát thanh, ý nghĩ của mình bị người khác biết hoặc họ đọc được ý nghĩ của mình; nghi ngờ có người theo dõi, ám hại hay đầu độc mình, ghen tuông vô lý; nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những gì mà người khác không thấy (không có trong thực tế); tính khí vui buồn, giận dữ thất thường…

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Đây chính là căn bệnh tâm lí phổ biến thứ 2 trên thế giới và cho đến giờ vẫn chưa thể xác định chính xác được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, theo điều tra của các chuyên gia, trong 10 bệnh nhân mắc phải chứng tâm lí này thì có đến 4 người thường có thói quen “không khai thật lòng mình”. Thậm chí ngay cả khi được các bác sĩ phỏng vấn, họ cũng tìm cách để giấu cảm xúc và suy nghĩ thật. Lý giải về điều này, chuyên gia tâm lí học John Mcfield cho rằng mới đầu, bạn chỉ giấu cảm xúc theo thói quen và tự tin rằng não bộ và tâm lí của mình có thể điều khiển được tình cảm và biểu hiện gương mặt của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm lí đủ vững để có thể thực hiện thói quen này trơn tru suốt được, đặc biệt là với tuổi chúng mình - khi tính cách còn chưa được định hình rõ ràng. Điều này dẫn đến sự rối loạn giữa biểu hiện bên ngoài và cảm xúc thật, dần dần trở thành bệnh tâm lí rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Chứng tự kỉ chỉ vì “sống 2 mặt”

Các ấy biết không, những người mắc chứng bệnh tự kỉ thường có kĩ năng cao trong việc quan sát, nhìn nhận và dò xét thái độ của người xung quanh… Và đáng tiếc thay, đây cũng là một trong những tài năng “trời ban” dành cho những ấy “sống 2 mặt”. Do luôn phải giấu cảm xúc, các bạn này phải tự rèn cho mình sự quan sát biểu hiện của người khác thật kĩ càng, chú ý đến mọi điều diễn ra xung quanh mình và thực tế, tâm hồn của họ rất nhạy cảm. Chính sự sợ hãi nỗi cô đơn, sợ mình bị cô lập là một trong những nguyên nhân chính khiến các bạn này không sống thật với mình. Thế nhưng, càng chú ý đến phản ứng của người khác bao nhiêu, càng nói dối chính mình nhiều bao nhiêu thì các bạn này càng phải tiếp nhận những phản ứng trái chiều bất lợi cho mình. Chỉ cần 1 chút sơ hở thôi, khi sự thật lộ ra, họ sẽ phải gánh chịu việc bị tẩy chay, bị ghét bỏ, nói xấu nhiều vô kể… Nỗi sợ hãi chồng chất lên nhau khiến tâm lí của các bạn này luôn trong tình trạng căng thẳng, tâm trí bất ổn. Kết quả cuối cùng, vỏ ốc được dựng lên của các bạn này đã đẩy họ rơi vào chứng bệnh tự kỉ cấp độ 2 luôn đó!

Kết

Ở tuổi chúng mình, khi còn chưa phải tiếp xúc nhiều với xã hội phức tạp, việc sống thật với bản thân là yếu tố cực kì quan trọng giúp ấy định hình tính cách và trở thành người hòa nhập với xã hội tốt nhất. Vì thế, đừng vì sự e ngại đối với bất cứ điều gì trong cuộc sống hay chỉ vì chút ghen tị nhất thời mà các ấy tạo ra cho mình “chiếc mặt nạ thủy tinh” mong manh. Nếu nó vỡ, hậu quả mà tụi mình phải gánh chính là cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người xung quanh. Còn nếu nó tồn tại vững bền thì tâm lí và sức khỏe của các ấy lại chính là những yếu tố phải chịu thiệt hại nhiều nhất đấy!