Bức bối khi gót chân cứ luôn đau nhức

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 21/09/2012

Kì lạ là nó chỉ xuất hiện vào sáng sớm thôi!

buc-boi-khi-got-chan-cu-luon-dau-nhuc

Đã gần 1 năm nay, em phải sống chung với triệu chứng đau gót chân. Cứ mỗi sáng ngủ dậy, khi vừa bước chân xuống giường là em liền cảm thấy đau nhói dưới gót như bị kim đâm nhưng sau đó lại hết. Tuy nhiên nếu có lực tác động dưới gót thì lại thấy hơi đau. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có bị bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị như thế nào ạ? Em xin cảm ơn! (angel.in...@yahoo.com)
buc-boi-khi-got-chan-cu-luon-dau-nhuc
Chào em,

Rất đáng tiếc vì những gì em mô tả trong thư còn quá chung chung, không rõ ràng nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác chứng bệnh mà em đang mắc phải. Tuy nhiên triệu chứng đau gót chân có thể là dấu hiệu của một trong những loại bệnh lý sau:

1. Viêm cân gan chân:

Thật ra như tên gọi, viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là một chứng viêm của cân gan chân. Cân gan chân là một dải gân xơ bám từ xương gót đến các chỏm xương bàn. Nó có tác dụng duy trì độ cong sinh lý, khiến cho bàn chân có được độ nhún và làm giảm nhẹ lực đè ép khi vận động. 

Do cân gan chân nằm giữa hai mặt phẳng cứng là xương gót và mặt đất, chính vì thế những người thường xuyên đi, đứng, chạy nhảy nhiều, nhất là bằng chân không, hay mang giày dép đế cứng, sẽ dễ bị tổn thương.

Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử mắc viêm khớp dạng thấp, mang giày gót cao và nhọn hoặc dép bằng, ít vận động thể dục thể thao hoặc vận động nhiều quá mức. Tất cả những yếu tố đó làm dải gân xơ mất dần đi sự co giãn mềm dẻo bình thường mà trở nên chai cứng, có khi còn ngấm đọng chất vôi gọi là viêm gân cốt hóa.

2. Viêm chỗ bám xương của gân gót:

Cũng là đau gót nhưng vị trí đau ở phía trên. Đây là nơi gân gót bám vào củ sau của xương gót. Người bệnh cảm thấy đau nhức quanh gót chân, đau cứng bắp chân, lan lên gối. Đau nhiều khi gấp lưng bàn chân làm căng gân gót. Nguyên nhân chủ yếu là chấn thương do quá tải vận động.

Bệnh còn có thể gây ra một số trường hợp bị viêm gân cốt hóa hoặc bị đứt gân gót trong khi chơi thể thao do độ co giãn kém của gân gót.

3. Gãy mỏi:

Những chấn động không mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần trên nền xương yếu (loãng xương, thấp khớp, suy tĩnh mạch chi dưới...) có thể làm rạn vỡ cấu trúc vi thể của xương gót. Điều này gây đau nhức gót chân. Tuy nhiên không tìm thấy một điểm đau đặc hiệu ở vùng gót.

Thường người bệnh cảm thấy đau hai bên gót, phía dưới mắt cá. Chỉ trên X - quang mới phát hiện được dấu hiệu gãy mỏi với những đường gãy mờ cùng với lớp can xương mới đậm xung quanh. Vỏ xương gót mỏng cùng với mật độ xương kém cho thấy rõ hình ảnh loãng xương.

Bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.
 
Ngoài ra, để chữa trị bệnh có hiệu quả, em cần phải loại bỏ những yếu tố gây nên triệu chứng trên bằng cách thực hiện những điều sau:

- Hạn chế đi lại, tập vận động tại chỗ.

- Vật lý trị liệu: ngâm chân nước nóng, xoa bóp gan chân - gót chân.
 
- Loại bỏ các loại giày dép không thích hợp khi vận động, sinh hoạt và lao động để tránh tổn thương cân gan chân.

- Luyện tập tăng cường độ dẻo dai của cân gan chân như tập đứng nhón gót, nhảy dây... chú ý điều chỉnh mức độ và kỹ thuật tập luyện cho thật phù hợp với từng cơ địa.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

buc-boi-khi-got-chan-cu-luon-dau-nhuc