Băn khoăn nỗi lo vô sinh khi bị hẹp bao quy đầu

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:00 23/03/2012

Liệu đây có phải là sự thật không XY nhỉ?

Từ ngày bé, em đã bị hẹp bao quy đầu. Gần đây, khi em bước vào tuổi dậy, tình trạng này gây ra rất nhiều rắc rối trong cuộc sống hàng ngày của em. Cụ thể là mỗi lần đi tiểu em lại thấy khó khăn và ngứa ngáy. Không những thế, đôi khi "cậu bé" của em còn bị sưng to và khó chịu mỗi lần gặp "giấc mơ ướt". Hiện em rất lo lắng về triệu chứng này vì các bạn bảo nếu không cẩn thận sẽ bị vô sinh. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có nguy cơ bị như vậy thật không và phải làm sao để chấm dứt triệu chứng này ạ? Em xin cảm ơn! (star_a...@yahoo.com)

Chào em,

Bao quy đầu là phần da chụp lên đầu của dương vật. Bình thường phe XY sinh ra ai cũng có bộ phận này nếu không thì đó là biểu hiện của một số bệnh như lỗ tiểu đóng thấp hay bao quy đầu không che kín quy đầu.

Bệnh hẹp bao quy đầu (tiếng Anh là phimosis) chỉ trường hợp bao da quy đầu không tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được.

Cụ thể là bình thường, khi đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao ngoài dương vật (gọi là da quy đầu) sẽ tuột xuống ít hoặc nhiều khi dương vật cương cứng để lộ quy đầu. Tuy nhiên, ở một số XY, lớp da này vẫn bao lấy toàn bộ phần đầu dương vật và chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để tháo nước tiểu. Do đó, nước tiểu thường còn sót lại bên trong bọc da, đóng cặn, gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh. Nếu không chữa thì nó có thể làm viêm quy đầu hoặc gây ung thư dương vật.

Hẹp bao quy đầu nếu chít hẳn thì gây bí tiểu, nếu chít khá chặt thì gây tiểu khó. XY nào không may mắc phải chứng bệnh này sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn gấp 20 lần người bình thường. Ngoài ra, lỗ tiểu cũng dễ bị hẹp và nguy cơ ung thư dương vật cũng cao hơn. Tất cả là do chất bợn dơ hôi hám đọng lại bên dưới bao.

Do đó, nếu phát hiện bị bệnh thì nên điều trị sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chúng ta sau này.

Cắt da quy đầu là một phẫu thuật đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ đối với người lớn (trẻ em thì phải gây mê) và mất khoảng 15 - 20 phút để thực hiện và chỉ 3 - 4 ngày sau thì vết thương sẽ lành. Trước đây, ở những quốc gia mà bao quy đầu được cắt hầu hết ở trẻ em thì đôi khi có trường hợp cắt phạm phải quy đầu. Trường hợp này cực hiếm nên em không cần phải quá lo lắng. Nếu có cắt phạm quy đầu thì phải khâu lại, quy đầu sẽ méo mó một chút nhưng chức năng vẫn bình thường. Tai biến thứ hai là chảy máu tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần mổ lại ngay để cầm máu. Thời gian lành vết thương sẽ lâu hơn vài ba ngày, tuy nhiên sẽ không để lại di chứng gì khác.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám bệnh trực tiếp và nhận được chỉ định điều trị cụ thể cho trường hợp của em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!