"Giáo sư Xoay" bàng hoàng nghe tin Táo Quân dừng phát sóng, tiết lộ hậu trường viết kịch bản vô cùng vất vả

AN, Theo Helino 18:28 22/11/2019

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng - người giữ vai trò viết kịch bản "Táo Quân" suốt 12 năm qua đã dành một chia sẻ dài khi nghe tin chương trình dừng phát sóng từ năm 2020.

Thông tin chương trình "Táo Quân" sẽ chính thức dừng phát sóng từ năm 2020 vẫn làm nhiều nghệ sĩ, khán giả vô cùng tiếc nuối. Đối với khán giả Việt, chương trình là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về suốt 16 năm qua nên quyết định dừng phát sóng như một sự mất mát rất lớn. Ngoài những chia sẻ của dàn nghệ sĩ gắn bó với "Táo Quân" hơn 1 thập kỷ qua như NSND Công Lý, Tự Long, Quang Thắng, Quốc Khánh, Vân Dung… thì mới đây "giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng - người chắp bút chính cho kịch bản "Táo Quân" cũng dành một dòng trạng thái rất dài lên trang cá nhân để nói về chương trình mà anh tâm huyết suốt 12 năm qua này.

Đinh Tiến Dũng cho biết, anh đang ở xa nhưng khi nghe tin "Táo Quân" dừng phát sóng đã vô cùng sốc, bàng hoàng. Theo "giáo sư Xoay", quá trình viết kịch bản cho chương trình năm nào cũng rất vất vả. Ngay từ tháng 11 đã phải lên ý tưởng, thay đổi kịch bản liên tục cho tới tận lúc phát sóng. "Táo quân dạy cho mình rất nhiều thứ, kể cả việc phải chấp nhận một thất bại biết trước, gồng mình chịu đựng những lời chê bai và tập trung làm tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình", Đinh Tiến Dũng viết.

Giáo sư Xoay bàng hoàng nghe tin Táo Quân dừng phát sóng, tiết lộ hậu trường viết kịch bản vô cùng vất vả - Ảnh 1.

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng chính là người viết kịch bản chính cho chương trình "Táo Quân" suốt 12 năm qua.

Giáo sư Xoay bàng hoàng nghe tin Táo Quân dừng phát sóng, tiết lộ hậu trường viết kịch bản vô cùng vất vả - Ảnh 2.

Với Đinh Tiến Dũng, "Táo Quân" dừng phát sóng là mất mát lớn nhưng cũng giống như việc đánh dấu một chặng đường mới, để anh và các nghệ sĩ "tốt nghiệp" sau nhiều năm gắn bó.

Nguyên văn chia sẻ của "giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng:

TÁO QUÂN HẾT THẬT RỒI ÔNG GIÁO Ạ

Đang ở phương trời xa, lòng không khỏi bàng hoàng khi nghe tin năm nay không còn Táo quân nữa. Bình thường đầu tháng 11 là đạo diễn đã mời đi ăn uống, vuốt ve động viên ngọt ngào... Năm nay qua cả ngày Nhà giáo mà vẫn không thấy gọi đi ăn, tưởng anh ấy đã có người khác, ai dè là kinh phí mời ăn năm nay không được duyệt nữa...

Mười hai năm, nguyên một giáp đã trôi qua gắn bó cùng Táo quân, bảo nhiều thì cũng chả phải, nhưng cũng đủ để thấy thân quen mỗi dịp Tết đến. Năm nào quy trình cũng thế. Đầu tháng 11 được đi ăn, nếu vẫn chưa ra ý gì thì lại đi ăn tiếp, có năm ăn đến 4 bữa mà các biên kịch vẫn chưa nghĩ ra cái gì, đạo diễn đi ra ngoài châm thuốc chửi thề...

Nghĩ ra rồi là không được mời ăn nữa, mà sẽ là những cuộc điện thoại góp thêm ý tưởng, bất kể ngày đêm, nắng mưa. Nhiều cuộc đến nửa tiếng, đầu không kịp nhớ...

Tiếp đến là giai đoạn thúc giục, chửi bới, doạ dẫm, hờn dỗi khiến mình không thể yên thân cho đến khi nộp kịch bản xong. Mình sẽ có khoảng 2 ngày nghỉ ngơi (vì đạo diễn đọc đống chữ đó cũng phải mất hai ngày), sau đó là khen xã giao, rồi chửi chân thành, tiếp đến là chi tiết chỗ nào chưa được, chỗ nào không ổn, sửa lại, viết mới... Cảm giác như một cậu học trò đang bị ông thầy khó tính chỉ bảo cho từng chút một vậy. (Sau nhiều năm, mình nhận ra đây là giai đoạn thu được nhiều kinh nghiệm nhất để nâng cao tay nghề kịch bản).

Xong kịch bản là đạo diễn chìm vào những ngày rã rời cùng diễn viên, mình xong nhiệm vụ, trơ ra như đồng lúa gặt xong chờ vụ mới. Cho đến ngày gần diễn, lại đến lượt mình ngọt nhạt, dỗi hờn đủ kiểu để xin vé từ đạo diễn. Đến khổ.

Mười hai năm, coi như mình đã tốt nghiệp Phổ thông Táo quân, cảm ơn giáo viên chủ nhiệm Đỗ Thanh Hải đã tuyển chọn, chỉ bảo, dìu dắt suốt 12 năm học qua. Cảm ơn các bạn học cùng lớp đã phối hợp cùng nhau vô cùng hiệu quả với đầy đủ sự nể trọng lẫn nhau. Táo quân dạy cho mình rất nhiều thứ, kể cả việc phải chấp nhận một thất bại biết trước, gồng mình chịu đựng những lời chê bai và tập trung làm tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình.

Táo quân cho mình hưởng cái cảm giác được là một phần trong một ekip toàn những người tuyệt vời, và ngoài công việc còn có thêm tình cảm hết sức gắn bó cùng anh chị em nghệ sỹ, dù xa nhau nhưng luôn nhớ về nhau mỗi khi có show.

Vậy là đã tốt nghiệp, giờ nên đi học nghề hay nên học tiếp lên đại học biên kịch? Thấy lòng cũng có chút phân vân. Nhưng ngay lúc này là cảm giác nhẹ nhõm, xong việc rồi. Không còn những tháng ngày thiếu ngủ ngơ ngác để làm "bài thi cuối năm" nữa rồi. Xa thầy cô và mái trường rồi.

Chả biết có liên hoan mừng ngày tốt nghiệp ra trường không nữa...