Giảng đường đại học có gì khác?

Nguyễn Huy, Theo Trí Thức Trẻ 00:11 25/07/2016

Chắc chắn bạn đang rất băn khoăn không biết giảng đường đại học sẽ như thế nào, có cần sách vở như thời cấp 3 hay không? Có cần phải mua áo đồng phục của trường hay không? Rất nhiều câu hỏi đặt ra về một môi trường “lạ lẫm” mà chính bạn sẽ là người khám phá nó.

Như vậy là các bạn đã chuẩn bị những hành trang đầu tiên cho cuộc đời sinh viên của mình. Cuộc sống mới, môi trường mới, đó cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ dành cho bạn ở phía trước. Chắc chắn bạn đang rất băn khoăn không biết giảng đường đại học sẽ như thế nào, có cần sách vở như thời cấp 3 hay không? Có cần phải mua áo đồng phục của trường hay không? Rất nhiều câu hỏi đặt ra về một môi trường "lạ lẫm" mà chính bạn sẽ là người khám phá nó. Vậy thì giảng đường đại học có gì, nó khác so với học cấp 3 như thế nào? Hãy điểm qua những điều mà chắc chắn bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi tập làm quen với môi trường hoàn toàn mới này.

Giảng đường đại học có gì khác? - Ảnh 1.

Bạn phải tự chủ trong việc học tập

Không còn là những bộ sách giáo khoa hay những cuốn sách bài tập mà bạn bắt buộc phải mua như ở thời còn học phổ thông nữa, thay vào đó là những cuốn giáo trình có nội dung liên quan đến học phần mà bạn học. Giảng viên sẽ dạy theo phương pháp định hướng, còn nội dung kiến thức bạn sẽ phải tự tìm thêm ở những cuốn giáo trình hay những cuốn sách liên quan. Gói gọn trong hai từ để nói về việc học ở đại học là "tự chủ". 

Đa số các trường bây giờ đều đào tạo theo hệ thống tín chỉ, điều đó đồng nghĩa với bạn sẽ đăng kí những học phần theo chương trình đào tạo ở trường, sao cho hoàn thành đủ số tín chỉ bắt buộc, cũng như tín chỉ tự chọn thì bạn sẽ tốt nghiệp ra trường. Giảng viên sẽ dạy bạn trên phương pháp hướng dẫn, gợi ý những đề tài hay các phương pháp nghiên cứu liên quan để bạn tự tìm hiểu nội dung bài học. Các cuốn giáo trình bổ trợ bạn cũng sẽ phải tự tìm và mua nó, có chăng là giáo viên chỉ gợi ý cho bạn để bạn tìm mua cho phù hợp hơn mà thôi. 

Cách học tưởng chừng như đơn giản vì không có kiểm tra bài cũ hay kiểm tra định kì nhiều như ở phổ thông, nhưng chính điều đó mới là khó khăn cực lớn. Mỗi kì như vậy chỉ có 2 bài kiểm tra chính, bài giữa kì và bài kiểm tra kết thúc học phần, ngoài ra sẽ có những bài tiểu luận hay những bài thuyết trình kèm theo. Tưởng như đơn giản nhưng thực chất đòi hỏi bạn phải tự tìm hiểu và chủ động trong các nội dung bài học. Không còn kiểu "thầy giảng trò nge", bây giờ bạn sẽ là người tương tác những nội dung bài học với giảng viên, đặt ra những câu hỏi và những chủ đề để cùng thảo luận. Đừng nghĩ rằng đại học là "học đại" như mọi người vẫn thường nói.

Tự do, thoải mái và tự quyết định mọi việc

Ngoại trừ những trường đặc thù có những nội quy riêng, còn lại những trường đại học đều khá thoải mái vì bây giờ bạn đã là người trưởng thành. Bạn được phép mang áo quần tự do nhưng phải lịch sự, không còn bị "gò bó" trong những bộ đồng phục hay những quy định về giày dép đôi khi khiến bạn cảm thấy "khó chịu" như khi còn học phổ thông. 

Bây giờ bạn được phép sắm cho mình những "bộ cánh" yêu thích, tự do thể hiện cá tính ở ngay trong trường học. Bạn cũng không còn  bị bắt buộc phải tham gia những hoạt động phong trào mà đôi khi không hề "hứng thú" với những việc làm đó. Các hoạt động phong trào thường là những hoạt động ý nghĩa và nhân văn, tuy nhiên có những việc làm bạn không thấy "hào hứng" hay những lúc bận rộn việc cá nhân nhưng cũng phải tham gia. Sinh viên thì hoàn toàn ngược lại, có quyền tham gia hoặc từ chối những điều như thế, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ thì cơ bản bạn là người quyết định trong mọi việc. 

Giảng đường đại học có gì khác? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là bản thân mình cũng cần phải xem xét trên khía cạnh chuẩn mực xã hội. Bạn có quyền thể hiện cá tính trong ăn mặc nhưng làm sao phải lịch sự, tôn trọng người khác. Bạn có quyền từ chối các hoạt động thiện nguyện nhưng đó là những hoạt động hết sức ý nghĩa và cho bản thân những bài học rất quý giá, những trải nghiệm sẽ không có được trên giảng đường. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng xem nó có lợi ích hay ý nghĩa gì trước khi đưa ra quyết định, tự do không có nghĩa là bạn muốn làm gì cũng được đâu nhé !

Quan hệ bạn bè cũng sẽ khác rất nhiều

Do đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên lớp học cũng như cách học khác xa so với những gì bạn được học suốt 12 năm qua. Như vậy bạn sẽ có 2 lớp, một lớp được gọi là "Lớp sinh hoạt" – là lớp chính thức theo bạn trong suốt quá trình ở trường, theo dõi, đánh giá quá trình học tập cũng như rèn luyện, lớp thứ 2 là "Lớp học phần" – là lớp bạn đăng kí các môn học theo chương trình đào tạo, mỗi môn như vậy sẽ có những lớp học phần khác nhau. Cũng chính vì lí do đó mà bạn bè không còn "học chung" như thời phổ thông nữa. Bạn sẽ chọn cho mình lịch học riêng, giảng viên riêng, môn học cũng có quyền học trước hoặc học sau tùy theo điều kiện và quy định của từng trường. Thường thì sẽ có những nhóm nhỏ đăng kí chung lịch học cùng nhau, còn lớp sinh hoạt là nơi để bạn tham gia các hoạt động phong trào cũng như đánh giá điểm rèn luyện ở trong nhà trường.

Vậy điểm rèn luyện là gì?

Đây cũng được xem như là xếp loại hạnh kiểm như thời phổ thông, tuy nhiên nó được đánh giá một cách khách quan và khoa học hơn. Việc quy ra thang điểm nhằm đảm bảo tính công bằng cũng như việc đánh giá chính xác hơn quá trình rèn luyện của bạn. Dựa vào số điểm mà bạn tích lũy được để xếp loại rèn luyện, những đóng góp hay việc chấp hành quy định sẽ được tính điểm, những vi phạm cũng sẽ bị trừ điểm giống như ở phổ thông. Chỉ khác duy nhất là đánh giá trên những điểm số cụ thể và rất khách quan.

Giảng đường đại học có gì khác? - Ảnh 3.

Bạn có thể tự chọn lịch học

Thay vì sáng nào cũng cắp sách đến trường thì bây giờ bạn có thể tự chọn cho mình một lịch học ưng ý, phù hợp với sinh hoạt riêng của bạn. Nhà trường sẽ đưa ra những học phần và kèm theo đó là lịch học và giảng viên giảng dạy. Thông thường mỗi môn như vậy sẽ có những thời gian học khác nhau, bạn có quyền tự chọn thời gian và giảng viên sao cho hợp lí. Lịch học được tính theo tín chỉ, mỗi môn trung bình từ 2 đến 3 tín chỉ, như vậy mỗi môn sẽ kéo dài tầm 2 đến 3 giờ đồng hồ. Lịch học bạn sẽ có thể linh động, nhiều bạn sinh viên đã tranh thủ để làm thêm hoặc học dồn để rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần tranh thủ làm việc cá nhân. Miễn sao bạn thấy hợp lí và đảm bảo được việc học thì việc cân đối lịch học là một lựa chọn mà bạn cần quan tâm để có thể phát huy tối đa thời gian mà bạn có.

Giảng đường là một môi trường mới hoàn toàn, nhiều bạn sẽ phải lúng túng trước những thay đổi đó. Tuy nhiên, giảng đường cũng là cơ hội để bạn chứng minh bản thân và chuẩn bị hành trang cuối cùng cho công việc sau khi tốt nghiệp. Cơ hội là thế nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, những khác biệt là những thách thức nhưng cũng là những trải nghiệm thú vị đang chờ bạn ở phía trước.