Gian lận thi cử: Phải đặt vào tình huống là con mình mới thấy xót xa thế nào

Thái Linh, Theo Tổ Quốc 15:02 23/04/2019

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT đã trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc về việc xử lý như thế nào với các học sinh bị đuổi học do gian lận kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018.

- Thưa ông, nhiều nhà trường đã công bố buộc thôi học với các thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và theo công bố, các thi sinh này vẫn được tiếp tục nộp hồ sơ dự thi tuyển năm nay và các năm sau nữa? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Quan điểm của tôi là, người ta bảo các em không can dự gì cả, về mặt tình thì là như vậy, nhưng về mặt lý thì không thể không can dự được.

Ta thử so sánh, hành vi mang điện thoại vào phòng thi, hay quay cóp là bị dừng hẳn, đuổi thẳng ra khỏi phòng thi. Đối chiếu với trường hợp này dư luận đặt câu hỏi có cấm vĩnh viễn hay không? Theo tôi, việc này là đuổi học thí sinh gian lận, trả về địa phương.

Còn thi vào trường cũ hay không tùy thuộc vào việc nhà trường đó có chấp nhận hay không. Nhưng các trường công an đòi hỏi các tiêu chí rất là cao, gian lận thi cử đã bị xử lý rồi, "có tiền án, tiền sự" thì người ta không chấp nhận đâu, kể cả là thi trung cấp chuyên nghiệp.

Gian lận thi cử: Phải đặt vào tình huống là con mình mới thấy xót xa thế nào - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Zing.vn

Đây là lần đầu có sự cố thi nghiêm trọng được phát hiện, một số trường ĐH có thí sinh gian lận thì nên loại bỏ, đây là bài học và để các em thấy rằng làm gì cũng phải đứng trên đôi chân của mình.

Còn vào các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, nếu đủ điểm tốt nghiệp THPT thì có thể vào học. Quá kém thì cũng chẳng thể học được ĐH đâu.

Ở đây còn một điều nữa là bộ lọc của các trường ĐH hiện quá kém, nếu bộ lọc tốt thì lọc ra ngay, học như thế làm sao vào học được ĐH Luật. Đây cũng là việc cảnh tỉnh các trường ĐH, phải xem xét, thẩm tra, thi đánh giá của các trường ĐH như thế nào.

Có thể điều tra ngẫu nhiên nếu mấy điểm vào ĐH mà học được, thì hoặc không cần phải thi tốt nghiệp THPT nữa, thứ 2 là có bê bối trong trường ĐH trong chuyện dạy và học hay không?

- Có một số nghi ngờ dấy lên với kết quả của thí sinh gian lận, đó là họ không điền các đáp án nào. Theo ông, Công an có nên vào cuộc điều tra làm rõ việc này hay không?

+ Theo tôi là nên vào cuộc điều tra rõ. Làm gì có chuyện làm bài trắc nghiệm mà 2 bài đều không được điểm nào? Đây là cuộc gian lận có tổ chức, bày mưu tính kế, dàn trận, nhìn thấy ngay. Thông thường, trong trường hợp, nếu không làm được bài nhưng thí sinh tích hết một phương án cũng đã trúng 25% số điểm. Nhiều em còn nói, không làm gì nhưng khó có sự việc ấy, đã vào phòng thi chắc chắn sẽ phải làm gì đó.

Tôi cho rằng khó có sự tình cờ với các thí sinh được nâng điểm.

Và người nào mà tô điểm vào thì người trực tiếp tô đó sẽ khai ra ngay thôi nếu công an điều tra. Vì thí sinh để trắng, người ta mới dễ tô vào và khó phát hiện ra.

- Thí sinh gian lận khi có bằng đó học sinh được nâng điểm và đỗ vào các trường ĐH thì cũng có ngần ấy thí sinh khác không có cơ hội trúng tuyển thì giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?

+ Vấn đề này phải xem các thí sinh đó đã chọn ngành nghề khác chưa. Một số em thiếu sát nút 0,5 điểm (với những em thuộc diện 29 điểm mà vẫn trượt ấy) nên có xem xét để tuyển các em vào. Còn một số em khác bị lỡ cơ hội vào trường mình đăng kí có thể đã chọn cơ hội khác, đại diện Bộ GDĐT nên có lời xin lỗi vì việc tổ chức kỳ thi này đã làm lỡ mất cơ hội của các em.

Phải đặt con mình vào trong hợp ấy mới thấy xót xa.

- Bộ GDĐT cho phép sử dụng kết quả chấm bài thi của Bộ GDĐT là kết quả chính thức của bài thi, kết quả này thay thế kết quả do các hội đồng thi đã công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho các thí sinh liên quan. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, phải cấm thi các đối tượng này trong 2 năm? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Đây là vấn đề tranh cãi, nhưng vấn đề tùy theo mức độ tự giác, chúng ta đã kỷ luật mang tính răn đe, nhận thức được vấn đề để chuẩn bị tránh gian lận cho đợt thi 2019 tới. Nếu thấy tự giác, tự nhận lỗi đó có thể tha thứ nên khoan dung. Nhưng gian lận mà bảo anh không biết, anh tự làm thì theo tôi nên xử nặng.

Các vị phụ huynh nói họ không biết con họ được sửa điểm làm gì có chuyện vô lý đó được.

Họ nhận lỗi sai về mình thì dễ được dư luận khoan dung hơn nhưng nếu vậy họ sẽ bị "bay" sạch ghế, hoặc quy hoạch chức vụ, hoặc bị xử lý kỉ luật Đảng. Thậm chí có thể bị xử tù, xử lý hình sự.

- Với những Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tại địa phương mình để xảy ra sai sót như vậy thì họ bị kỷ luật như thế nào thưa ông?

+ Chắc chắn là bị kỷ luật rồi, họ đã buông lỏng. Là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, trách nhiệm nhà nước đã giao cho anh làm chủ trì, đã phân cấp rồi thì phải thực hiện, không tròn nghĩa vụ thì phải bị kỷ luật. Nếu họ có con, cháu được nâng điểm thì phải xem xét, thậm chí ra tòa, ông dùng môi giới, dùng quyền lực để điều khiển việc này. Công an chỉ cần vào cuộc điều tra là có bằng chứng, tin nhắn, cuộc gọi ông gọi cho ai, đều lưu giữ hết. Mọi thứ rất rõ ràng.

- Xin cảm ơn ông!