Gian lận thi cử công nghệ cao trên thế giới ngày càng táo tợn, giá cả lên tới hơn 150 triệu/lần

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 25/06/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay đã có 3 vụ quay cóp công nghệ cao bị phanh phui với quy mô cả một tổ chức và kế hoạch tính toán từ trước, thậm chí nhận tiền lót tay lên tới hơn trăm triệu đồng/lần.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại nước ta vừa trải qua ngày thi đầu tiên với một nửa chặng đường cho các thí sinh. Đây sẽ là một trong những kỳ thi quan trọng bậc nhất trong cả cuộc đời mỗi sĩ tử, vì nó quyết định một bước ngoặt tiếp theo ảnh hưởng lớn tới dự định cả cuộc đời mỗi người.

Dĩ nhiên, các hình thức gian lận trong kỳ thi này là không thể chấp nhận và bào chữa, biện hộ dưới mọi hình thức và mức độ. Thế mà chỉ trong nửa đầu năm 2018, đã có kha khá những vụ qua mắt táo tợn ở các kỳ thi trên thế giới, lợi dụng sự hỗ trợ của công nghệ cao. Sau đây là những vụ việc được chỉ mặt điểm tên cả trên báo chí quốc tế trong thời gian vừa qua:

1. Singapore: Giáo viên bật FaceTime làm hộ bài học sinh

Gian lận thi cử công nghệ cao trên thế giới ngày càng táo tợn, giá cả lên tới hơn 150 triệu/lần - Ảnh 1.

Tan Jia Yan - một giáo viên kiêm gia sư luyện thi đã bị kết tội cố ý gian lận thi cử tập thể với 6 học sinh của mình, với một kịch bản được lên sẵn từ trước rất kỳ công kèm theo công nghệ được tính toán để thực hiện ý đồ của mình.

Thực chất, hành động này của giáo viên trên dù bị lần theo và phanh phui vừa tháng 4 năm nay nhưng lại diễn ra ở năm 2016 trong kỳ thi O-Level của Singapore. Dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn đang xác định liệu người giáo viên này có sử dụng hình thức tương tự trong suốt khoảng thời gian từ đó đến nay hay không.

Ban đầu, Tan Jia Yan - dù đã là giáo viên - nhưng vẫn tự đăng ký tham gia thi O-Level để biết được đề thi năm nay. Trong giờ thi, cô bí mật mở ứng dụng FaceTime trên iPhone và đọc trực tiếp từng đáp án của mình cho những học sinh đang kết nối liên lạc. Tất cả đều dùng thiết bị di động gắn ẩn trong áo khoác, sau đó đeo tai nghe có màu da người để ngụy trang ở vành tai.

Gian lận thi cử công nghệ cao trên thế giới ngày càng táo tợn, giá cả lên tới hơn 150 triệu/lần - Ảnh 2.

Kỳ thi Đại học trên toàn thế giới luôn chứa đầy áp lực.

Tuy nhiên, sự việc vỡ lở khi một giám thị nhận thấy có tiếng động bất thường từ một trong những học sinh thông đồng đang thi. Họ tiến hành lục soát áo khoác và phát hiện mọi thiết bị liên quan. Hiện tất cả các nhân vật đều phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm khắc liên quan đến tội danh của mình, phải ra tòa làm rõ và đối chất.

2. Thụy Điển: Triệt phá cả đường dây triệu đô kinh doanh công nghệ gian lận

Cũng cùng đợt tháng 4/2018, chính quyền Thụy Điển mới đánh sập được cả một tổ chức chuyên bán đồ quay cóp bài thi công nghệ cao cho thí sinh thi Đại học, với tổng trị giá lên tới hơn 1 triệu USD.

Hàng năm, rất nhiều thí sinh tham gia kỳ thi SweSAT của Thụy Điển - không phải là một kỳ thi bắt buộc, nhưng sẽ là điều kiện quan trọng nếu muốn vào Đại học ở đây. Tình trạng gian lận không phải là mới, nhưng tận năm nay mới có thêm tình tiết bắt được quy mô cả một đường dây tiếp tay cho tội danh này, sử dụng công nghệ cao để qua mặt giám thị.

Tổ chức Phụ trách Tội phạm Kinh tế của Thụy Điển đã bắt giữ 3 người liên quan, và sẽ còn tiếp tục lần ra thêm những manh mối tiếp theo. Đường dây này đã hoạt động được 4-5 năm, liên tục quảng cáo ngầm qua các mạng xã hội về mặt hàng của mình - chủ yếu là tai nghe siêu nhỏ tự chế - để giúp thí sinh làm bài hộ. Được biết, 1 trong 3 người bị bắt giữ kia còn đang làm vai trò giám thị phòng thi.

Gian lận thi cử công nghệ cao trên thế giới ngày càng táo tợn, giá cả lên tới hơn 150 triệu/lần - Ảnh 3.

3. Ấn Độ: Mánh khóe tinh vi bị lật tẩy ngay trước 2 kỳ thi lớn

Ngày 18/6 vừa qua, cảnh sát bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) đã vạch mặt một mánh lới ủ mưu cố tình phá hoại kết quả thi Đại học ở nước này. Tổng cộng 19 người đã bị bắt ở vài điểm thi, được cáo buộc nhận tiền từ những "khách hàng" để chuẩn bị kế hoạch nhắc bài cho họ.

Thí sinh thuê nhắc bài sẽ bằng cách nào đó bí mật chụp được ảnh đề thi và gửi ngược ra ngoài, sau đó những người trên sẽ giải và nhắc đáp án qua một micro/loa siêu nhỏ cài trong người. Giá cả cho một lần nhận nhắc bài lên đến hơn 7000 USD/người, tức hơn 150 triệu đồng.

"Rất nhiều người trong đường dây nhắc bài là những sinh viên học giỏi, thành tích tốt nhưng lại cố tình làm công việc phi pháp này," cảnh sát cho biết. Những thiết bị được dùng để ghi hình, nhận tín hiệu nhắc bài thường được giấu rất kỹ, ở những nơi ít hoặc không thể bị sờ tới theo biện pháp thông thường. Đôi lúc, giám thị còn phải yêu cầu các thí sinh để nữ trang như vòng cổ ở ngoài để tránh khả năng giấu đồ quay cóp.

(Tổng hợp)