Giám đốc NXB lên tiếng xung quanh trang sách có "bốn cái làn": Không có gì nhạy cảm ở đây ngoài người đọc suy diễn, chỉ là hình ảnh cho trẻ tập đếm

THIÊN YẾT - VIỆT PHỐ CỔ,, Theo Pháp luật & Bạn đọc 12:07 20/10/2020

Giám đốc nhà xuất bản (NXB) Mỹ thuật đã có những trao đổi rất thẳng thắn liên quan đến tranh luận xung quanh chi tiết "bốn cái làn".

"Bốn cái làn" là một ví dụ hoàn toàn trong sáng

Trước những ồn ào tranh luận xung quanh bài dạy tập đếm cho trẻ có sử dụng ví dụ bốn cái làn là nhạy cảm hay không nhạy cảm , chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ thuật. NXB Mỹ thuật là nơi ký duyệt xuất bản cuốn “Vở Bé làm quen với chữ số (dành cho bé 4 - 5 tuổi)”. 

Bà Bích Ngân chia sẻ, bà được biết đến thông tin tranh cãi xung quanh ví dụ “bốn cái làn” cách đây ít lâu, do mọi người thông báo lại. Phản ứng của bà ngay lúc đó là: “Ồ, bốn cái làn thì có vấn đề gì mà tranh cãi nhỉ?”. Đến khi “vỡ lẽ” ra, bà vẫn bảo lưu quan điểm rằng, ví dụ này không có gì đáng để tranh cãi.

Ai nghĩ ra những điều lệch lạc từ bốn cái làn trong một cuốn sách tập đếm, tôi cho rằng chính họ đã nghĩ lệch lạc chứ không phải sách bậy. Tôi cũng biết một số người còn chế giễu, bịa từ “cái làn” sang thành những từ ngữ thô tục. Nhưng đối với trẻ trước khi vào lớp 1 rất hồn nhiên ngây thơ, hướng dẫn trẻ đếm bốn cái làn thì chúng sẽ hiểu y hệt như thế, không thể là cái gì khác”.

Giám đốc NXB lên tiếng xung quanh trang sách có bốn cái làn: Không có gì nhạy cảm ở đây ngoài người đọc suy diễn, chỉ là hình ảnh cho trẻ tập đếm - Ảnh 1.

Cuốn “Vở Bé làm quen với chữ số"

Bà Ngân lý giải, theo những kiến thức về giáo dục bà được đào tạo ở nước ngoài cũng như kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào thị trường làm sách cho trẻ em, ở nhận thức của trẻ, cái làn đơn giản là cái làn. Nó là một từ rất bình thường chúng ta gặp hàng ngày, như: Cô bé quàng khăn đỏ xách một làn bánh cho bà ngoại, bà xách làn đi chợ...

Có thể ở miền Nam, người ta không dùng từ làn mà dùng từ giỏ. Nhưng không có nghĩa trẻ không cần biết cái làn là gì. Sách chỉ là công cụ, nếu phụ huynh mua về, con xem thấy từ ngữ lạ và hỏi lại, có thể tra từ điển để giải thích thêm cho con, để con có thêm từ vựng mới. Chứ không thể nói vì miền Nam dùng giỏ nên cái làn là từ sai; hoặc vì bốn cái làn nói lái sẽ ra tục tĩu nên phải đổi thành ba cái làn hay năm cái làn...".

Trước việc một số người cho rằng, hình vẽ minh họa trong sách cũng không hẳn là cái làn, bà Bích Ngân cũng cho rằng, về thẩm mỹ, người ta có nhiều cách để cách điệu, trang trí, đơn giản hóa một vật thể. Hình vẽ cái làn được sử dụng đi kèm minh họa số 4 (cũng như các hình vẽ khác trong cuốn sách này) được vẽ cách điệu, dễ thương, gần giống với cái làn nhựa đồ chơi của trẻ. Vẽ cho thiếu nhi như vậy là phù hợp.

Sách tham khảo chỉ dùng để tham khảo, cha mẹ luôn phải là bộ lọc cho việc đọc của con

Hiện nay, nhiều phụ huynh bối rối khi thị trường có quá nhiều sách tham khảo cho trẻ, sách dạy kỹ năng sống, sách hướng dẫn học, sách tập tô… Việc tìm chọn một cuốn sách tốt và “sạch sẽ”, không có sạn đôi khi khiến họ hoang mang giữa một rừng sách tham khảo.

Tuy vậy, bà Bích Ngân lại cho rằng, sự đa dạng của thị trường sách tham khảo là một tín hiệu tốt, vì mua sách này là sự lựa chọn của độc giả. Trẻ em có nhiều kiểu thông minh mà cha mẹ không biết cách "khai thác" sẽ mang đến nhiều nỗi buồn. Có cha mẹ buồn vì con chỉ giỏi văn nhưng kém toán, buồn hơn khi con chỉ giỏi thể thao, vẽ, âm nhạc nhưng học các môn khác lại chậm…

Vậy các bậc phụ huynh đã biết cách "khai thác" và động viên cho trẻ phát triển khả năng trẻ có chưa? Việc của cha mẹ là phải tìm hiểu con mình, lắng nghe năng lực thật của con để tìm được sách phù hợp với con chứ không phải chê thị trường sách tham khảo quá nhiều.

Sách tham khảo là công cụ để khai thác năng lực của trẻ em, và muốn chọn đúng, cha mẹ phải hiểu con mình trước. Cha mẹ phải lựa theo trình độ, tính cách và hứng thú của trẻ. Ví dụ với những trẻ hiếu động, muốn bé nhẹ nhàng, kiên nhẫn thì chọn sách tập tô, tập quan sát; với trẻ nhút nhát thì tìm những cuốn kích thích vận động, giao tiếp… Quan trọng nhất, bà Ngân nhấn mạnh, khi mua sách tham khảo, phụ huynh cần đi cùng con và là “bộ lọc” thẩm định lại cuốn sách một lần nữa, trước khi mua về cho con dùng.

Giám đốc NXB lên tiếng xung quanh trang sách có bốn cái làn: Không có gì nhạy cảm ở đây ngoài người đọc suy diễn, chỉ là hình ảnh cho trẻ tập đếm - Ảnh 2.

Theo bà Ngân, sách tham khảo là công cụ để khai thác năng lực của trẻ em, và muốn chọn đúng, cha mẹ phải hiểu con mình trước

Với sự cạnh tranh của thị trường, để một ấn phẩm có thể lên kệ bán phải trải qua rất nhiều khâu: bản thảo, biên tập, sửa chữa, đọc bông, đọc duyệt, cấp phép, in, hậu kiểm… nhưng vẫn có thể lọt lỗi. Bà Ngân thẳng thắn, nếu sách của NXB Mỹ thuật có lỗi, bà luôn sẵn sàng lắng nghe đóng góp, trao đổi lại với bạn đọc và chỉnh sửa nếu sách còn lỗi.

Thời nào cũng vậy, chúng ta hãy làm cha mẹ bằng cả trái tim và khối óc. Chúng ta yêu thương, lo lắng cho tương lai con trẻ, nhưng cũng cần hiểu biết, cởi mở và vững vàng. Khi chính bạn là một cái trụ vững chãi, có hiểu biết, con các bạn sẽ không bị chi phối bởi cuốn sách dở, những hạt sạn trong sách hay những từ ngữ xấu. Bộ não trẻ thơ như một tờ giấy để “ghi chép” ngôn ngữ, và nếu bạn lấp đầy vào đó những từ vựng đẹp đẽ, nó sẽ có rất ít chỗ để dung chứa các từ xấu, từ bậy. Khi vốn từ đủ tốt, con gặp từ ngữ không hay sẽ hỏi lại cha mẹ và cân nhắc khi sử dụng những từ đó trong thực tế.

Với sách giáo khoa, sách tham khảo, sách đọc… cho trẻ, nếu thấy có lỗi hoặc “sai sai”, bạn có quyền phê phán nhưng hãy bình tĩnh và công tâm. Hãy cho con các bạn lấp đầy hiểu biết trước khi ra với xã hội bằng cách học từ ngữ qua sách truyện chọn lọc, qua việc giao tiếp hằng ngày. Sách, suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện tiếp cận tri thức. Cái trẻ cần hơn, đó là những người hướng dẫn, là bạn đồng hành trên hành trình tri thức.