Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm

Koi Koi, Theo Trí Thức Trẻ 00:11 24/05/2020

Không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi chất nhạc hip-hop cực "chất", "Daechwita" của SUGA (BTS) - Agust D cũng dấy lên không ít tò mò trong khán giả khi đã mang những hình tượng văn hoá Hàn Quốc xuyên suốt MV.

Với nước đi hoàn toàn không lường trước được, vào ngày 22/5 vừa qua, Agust D (nghệ danh khi hoạt động solo của SUGA) đã bất ngờ "đánh úp" khán giả bằng MV cổ trang xen lẫn hiện đại "Daechwita". Ca khúc nằm trong mixtape thứ 2 trong sự nghiệp của SUGA mang tên "D-2" cũng là sản phẩm tiếp theo của anh sau "Eight" kết hợp với IU. Với màn cameo cực "lầy" của Jin và Jungkook cùng chất nhạc hip-hop ấn tượng, MV "Daechwita" đã mang về hơn 20 triệu lượt xem, hơn 4,5 triệu lượt thích và từng "chễm chệ" tại top 6 trending Việt Nam.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 1.

Thành tích của MV "Daechwita" - Agust D.

MV "Daechwita" – Agust D

Không chỉ thu hút người hâm mộ toàn thế giới với chất nhạc bắt tai, "Daechwita" thông qua đó cũng gửi gắm khá nhiều những nét văn hoá Hàn Quốc đầy thú vị. Từ tựa đề tên ca khúc đã là tên một khúc nhạc cổ cho đến bối cảnh lẫn hình tượng mà SUGA hoá thân, tất cả đều chứa nhiều ẩn ý.

Tên bài hát là tên một khúc nhạc cổ đại của Hàn Quốc

Tên bài hát chính thức theo tiếng Hàn Quốc là "Daechwita" - "대취타", ba chữ này đã được thể hiện bằng Hán tự trong những cảnh đầu tiên của MV được ghi thành "大吹打", âm Hán Việt đọc là "Đại Xuý Đả". Đây là tên một điệu nhạc cổ của Hàn Quốc xuất hiện vào thời Joseon, đây là một dạng Quân Lễ nhạc được thực hiện bởi những bộ nhạc cụ thổi và gõ như cồng, kèn, trống,... tạo ra giai điệu hùng tráng. "Đại Xuý Đả" thường được diễn tấu trong lúc Đại Vương (cách gọi Vua của triều đại Joseon) vi hành trong dân gian, khi các quý tộc đi lại cũng như lúc quân đội Joseon diễu hành nhằm làm tăng tính long trọng và nghiêm trang.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 3.

Ba chữ hán 大吹打 = Đại Xuý Đả = Daechwita.

Ngay từ những giây mở đầu MV "Daechwita" của SUGA, khán giả có thể nghe thấy một điệu nhạc cổ cùng tiếng một người đàn ông ngâm xướng, đó cũng chính là một phần trong bản nhạc "Đại Xuý Đả" cổ truyền. Câu xướng ấy phiên âm Hán Việt là "Mịn Kim Nhất Hạ Đại Xúy Đả" - "Nào hãy gõ chiêng để bắt đầu khúc Đại Xuý Đả", một cách kết hợp cực "ngầu" giữa âm nhạc cổ truyền để bắt đầu mở ra những giai điệu rất hiện đại.

Khi xem lại clip các nhạc công cổ truyền của Hàn Quốc tấu khúc "Đại Xuý Đả" tại di tích Cần Chính điện nằm trong Cảnh Phúc cung của Seoul, ngay từ những giây đầu, bạn có thể nghe được tiếng viên nhạc công bên dưới ngâm xướng trùng khớp với giai điệu cổ truyền mở đầu cho MV "Daechwita" của SUGA.

Các nhạc công truyền thống của Hàn Quốc đang tấu khúc "Đại Xuý Đã" - 大吹打 - Daechwita.

Bối cảnh chính là Nhân Chính điện - Xương Đức cung, một địa điểm mang tính lịch sử

Dù hiện tại ở Hàn Quốc vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn các cung điện từ thời kì Joseon, tuy nhiên để thực hiện MV "Daechwita", SUGA và ekip đã tiến hành quay phim trong phim trường cổ trang của riêng Hàn Quốc. Tại đây có các mô hình cung điện thời Joseon theo tỉ lệ 1:1 và là nơi quay nhiều tác phẩm cổ trang của xứ Hàn trong những năm qua.

Dù sử dụng phim trường, nhưng có thể thấy cảnh quay đầu lúc SUGA xuất hiện trong cung điện chính là công trình Nhân Chính điện, nằm trong khuôn viên Xương Đức cung (Changdeokgung). Đây là toà điện trung tâm của Xương Đức cung, là nơi Đại vương tổ chức thiết triều và tổ chức các cuộc lễ lớn của quốc gia.

Xương Đức cung là 1 trong 5 cung điện được các Vua nhà Joseon cho xây dựng để làm nơi cư ngụ và làm việc của Vương thất, đồng thời đây là cung điện có vai trò quan trọng thứ hai, chỉ sau Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung). Xương Đức cung hoàn thành vào năm 1405 với nhiều công trình đạt đến đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc của Vương triều Joseon. Ngày nay khi đến tham quan Thủ đô Seoul, du khách đều có thể viếng thăm 2 cung điện được bảo tồn khá nguyên vẹn này.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 5.

Cung điện xuất hiện trong MV có tấm biển lớn đề ba chữ Nhân Chính điện ( 仁政殿).

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 6.

Và di tích Nhân Chính điện ngoài đời thật, là toà điện chính nằm trong khuôn viên Xương Đức cung (Changdeokgung).

Cảnh SUGA ngồi phía trên ngai vàng chính điện, đằng sau lưng của anh chàng là bức bình phong vẽ hình năm ngọn núi, phía bên trên có Mặt Trời và Mặt Trăng. Bức bình phong có tên là "Nhật Nguyệt ngũ phong đồ", luôn xuất hiện phía sau lưng của vị Vua triều đại Joseon như một biểu trưng cho quyền lực. Nhật (Mặt trời) tượng trưng cho Đại Vương, Nguyệt (Mặt trăng) tượng trưng cho Vương phi. Nhật - Nguyệt qua đó tượng trưng cho Âm - Dương còn 5 ngọn núi tượng trưng cho Ngũ hành. 5 ngọn núi ở trong tranh là 5 ngọn núi thiêng trấn giữ 5 phía của Vương quốc Joseon: Kim Cương Sơn ở phía Đông, Diệu Hương sơn ở phía Tây, Trí Dị sơn ở phía Nam, Bạch Đầu sơn ở phía Bắc và Tam Giác sơn ở chính giữa.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 7.

SUGA ngồi trên ngai vàng với tấm bình phong phía sau tại Nhân Chính điện.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 8.

Di tích Nhân Chính điện ngày nay.

Trang phục của SUGA (BTS) lấy cảm hứng từ Hắc bào của Thế tử triều đại Joseon

Trong MV "Daechwita", SUGA đã mặc một dạng áo truyền thống của Hàn Quốc nhưng đã được cách tân để phù hợp với nội dung ca khúc. Tuy nhiên, có thể thấy SUGA lẫn ekip đã có sự nghiên cứu tương đối kĩ lưỡng khi cách tân loại trang phục này: từ màu sắc cho đến hoa văn đều có sự tham khảo rõ ràng từ điển chế của Vương triều Joseon, tạo nên sự hài hoà giữa hiện đại và nét cổ kính.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 9.
Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 10.

Dựa trên sắc áo màu đen, cùng hoa văn "tứ trảo long" ("rồng bốn móng") trên áo của SUGA, có thể thấy anh chàng đang thể hiện một loại trang phục trong lịch sử Hàn Quốc gọi là "Ngự hắc cổn y". Đây là áo triều phục của các Vương Thế tử - người con trai được Đại vương triều Joseon chỉ định làm người nối ngôi. Loại trang phục này được ghi nhận xuất hiện từ thời Triều Tiên Tuyên Tổ, vị Vua thứ 14 của triều đại Joseon và chính thức có tên gọi "Ngự hắc cổn y" từ năm 1659.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 11.

Ảnh minh họa áo bào màu đen, thêu rồng bốn móng, đầu đội mũ Dực Thiện quan của các Vương Thế tử triều đại Joseon.

SUGA (BTS) hoá thân thành 2 vị Đại Vương gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Hàn Quốc?

Trong MV "Daechwita", chúng ta có thể thấy SUGA (BTS) đã hoá thân thành một vị Vương tử bạo ngược, gieo rắc thù hận, chém đầu hàng loạt phạm nhân gây oán ghét khắp nơi, để rồi cuối cùng bị một viên đạn kết liễu. Dựa vào tạo hình Hắc bào đã nói ở trên cũng như cách xây dựng hình tượng nhân vật trong "Daechwita", có thể đặt giả thiết SUGA đã hoá thân thành 2 nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Hàn Quốc: Quang Hải quân và Yên Sơn quân.

Việc SUGA hoá thân thành một vị Vua bạo ngược, thực hiện thảm sát bằng cách chém đầu tập thể ngay trước cung điện cũng khiến nhiều khán giả liên tưởng đến hình tượng của Yên Sơn quân, vị "bạo chúa" khét tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Yên Sơn quân đã làm rất nhiều điều bạo ngược, thực hiện hai cuộc thảm sát để trả mối thù riêng của mình. Hai cuộc thảm sát này được lịch sử ghi nhận dưới cái tên "Mậu Ngọ sĩ hoạ" và "Giáp Tý sĩ hoạ", đều là những cuộc thanh trừng những người chống đối lại chế độ cai trị của Yên Sơn quân. Cảnh tượng trong MV "Daechwita" thể hiện việc chém đầu tập thể chính là gợi nhắc đến 2 vụ thảm sát nói trên.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 12.

Về hình tượng thứ hai - Quang Hải quân, vị Vua thứ 15 của Triều đại Joseon và là con trai của Triều Tiên Tuyên Tổ, tuy nhiên vì địa vị mẫu thân thấp kém, ông chưa bao giờ được phụ vương xem trọng. Mãi cho đến khi Nhật Bản xâm lược đất nước vào năm 1592 - 1593, ông được phong vội làm Thế tử để củng cố niềm tin của dân chúng. Trong khi Tuyên Tổ chạy lên biên giới phía bắc để lánh nạn, ông đã lãnh đạo bộ phận triều đình chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong khoảng thời gian này và ngay cả giai đoạn sau chiến tranh, thực chất Quang Hải quân là người cai trị thực sự của Triều Tiên, ông chỉ huy các trận đánh và lãnh đạo việc tái thiết đất nước, thay thế cho phụ vương của mình là Tuyên Tổ đã già và yếu kém.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 13.

Chi tiết chiếc áo màu đen đã thể hiện khá rõ nét việc SUGA đã hoá thân thành hình tượng Quang Hải quân. Cụ thể, trước thời Triều Tiên Tuyên Tổ, áo triều phục của Đại Vương và Thế tử về cơ bản sử dụng màu sắc giống nhau (hồng long bào - tức áo bào màu đỏ thêu rồng). Tuy nhiên, chính vì sự thù ghét của Tuyên Tổ với con trai Quang Hải quân, ông đã không muốn chiếc áo triều phục của mình có màu sắc giống với Quang Hải quân. Tuyên Tổ sau đó đã hạ lệnh đổi màu sắc trang phục của Thế tử thành màu xanh đen, mặc dù vấp phải ý kiến từ triều đình nhưng ông vẫn tiến hành thực hiện. Quang Hải quân chính là vị Thế tử đầu tiên chính thức sử dụng loại triều phục màu xanh đen, và là hình tượng gắn liền với ông sau này.

Giải mã MV của SUGA (BTS): Tên ca khúc là một điệu nhạc cổ, câu chuyện về vị Vua tàn bạo khét tiếng cùng rất nhiều biểu tượng văn hoá Hàn Quốc được cài cắm - Ảnh 14.

Nhân vật Quang Hải quân mặc áo bào màu xanh đen trong bộ phim The King's Face (2014), thủ vai bởi nam diễn viên Seo In-guk.

Đây không phải lần đầu tiên và chắc chắn không phải lần cuối cùng mà BTS góp phần quảng bá văn hoá truyền thống thông qua các sản phẩm âm nhạc của họ. Trước đó, BTS đã thực hiện việc tương tự trong MV "Idol" hay sân khấu hoành tráng tại MMAs 2018. Với tầm ảnh hưởng khổng lồ ở trường quốc tế, BTS không chỉ mang âm nhạc Kpop gây "bão" toàn thế giới, mà thông qua đó các chàng trai nhà BigHit đã sử dụng âm nhạc của mình để quảng bá văn hoá truyền thống của Hàn Quốc. Cách làm của BTS nói chung và SUGA trong "Daechwita" hoàn toàn không giáo điều, mà rất mới mẻ, trẻ trung và cực kì thu hút, khiến cho 7 chàng trai nhà BigHit trở thành những "Đại sứ văn hoá" thực thụ của xứ sở kim chi.