Gia tăng bệnh dịch thời điểm giao mùa

Minh Đức, Theo VTV 21:22 13/11/2017

Thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển. Trong liên tiếp 2 tuần vừa qua, bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng, sởi, ho gà đều tăng lên.

Tại Hà Nội, trong liên tiếp 2 tuần vừa qua, số bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng, sốt phát ban dạng sởi, ho gà liên tục phát hiện trường hợp mắc bệnh mới. Riêng sốt phát ban dạng sởi và ho gà đều ghi nhận 1 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay.

Các chuyên gia y tế đều nhận định, thời điểm giao mùa như hiện nay là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Ngoài bệnh nhân sốt xuất huyết, tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội đều ghi nhận số bệnh nhi đến khám các bệnh như sởi, tay chân miệng, ho gà, viêm đường hô hấp... tăng lên.

Tại khoa Nhi - BV Bạch Mai, số trẻ đến khám tăng lên trong những ngày qua. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 - 500 trẻ vào khám với những bệnh lý chủ yếu liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê, tại bệnh viện Nhi TƯ, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị từ nửa tháng trở lại đây cũng tăng lên 1,5 lần so với trước. Được biết, đa số bệnh nhi nhập viện mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, sốt xuất huyết,…

Ngoài ra, số ca mắc tay chân miệng có sự gia tăng đáng kể. Dù chưa vào mùa dịch nhưng bệnh viện Nhi TƯ đã tiếp nhận gần 200 ca bệnh, trong đó có nhiều ca nặng, phải điều trị nội trú dài ngày.

Không chỉ bệnh tay chân miệng, năm nay, bệnh sởi cũng đến sớm hơn và có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 32 ca bệnh sởi tại 15 quận, huyện, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, thời điểm giao mùa hiện nay là lúc dễ nhiễm bệnh nhất bởi mỗi sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bác sĩ cũng cảnh báo, bệnh sởi do vi rút gây ra, thường gặp vào mùa đông xuân và là bệnh truyền nhiễm gây dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Bệnh dễ lây lan ở những nơi đông người. Vì vậy, công tác chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế là rất quan trọng.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch trong thời điểm giao mùa, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nôi cho biết, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ngành y tế TP đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ điều trị cho người bệnh.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho hay, do bệnh sởi xuất hiện sớm nên các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức phân luồng bệnh nhân nghi mắc bệnh sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly điều trị sởi để tránh lây nhiễm chéo.

Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, mọi nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương là không đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, mỗi người cần thực hiện đầy đủ những khuyến cáo mà ngành y tế đã đưa ra. Thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Riêng với bệnh sởi, các bà mẹ cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố.