Gerald's Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 17:43 02/10/2017

Bộ phim "Gerald's Game" do Netflix sản xuất đã chứng tỏ mình mới là tác phẩm hay nhất bên cạnh "IT" trong làn sóng phim chuyển thể từ truyện của Stephen King trong năm nay.

Chỉ riêng trong năm 2017, Hollywood đã lần lượt cho ra mắt 5 trên 6 bộ phim được làm từ tiểu thuyết của Stephen King. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng đạt được thành công. Hai phim truyền hình với The Mist vừa bị đài Spike "khai tử" sau một mùa phim thảm hại, còn Mr. Mercedes của Audience thì lại chẳng mấy ai quan tâm theo dõi. Trên màn ảnh rộng, bom tấn The Dark Tower - chuyển thể dựa trên loạt series đồ sộ của King - chỉ đem đến một nỗi ê chề thất bát. May mắn là sau đó, It - bộ phim kinh dị kể về 6 đứa trẻ cùng chiến đấu chống lại một thực thể ma quái – xuất hiện và trở thành hiện tượng phòng vé toàn cầu vào tháng 9 vừa qua.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 1.

Những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King ấn tượng trong năm 2017

Nhưng so với It, Gerald's Game - được Netflix phát hành trên mạng dịch vụ của mình vào ngày 29/9 - mới thật sự là tác phẩm mang đầy đủ những "phẩm chất" của Stephen King: Kinh dị, kịch tính và ám ảnh đến tột cùng.

Trailer của "Gerald's Game"

Khi trò đùa trở thành thảm họa

Phim mở đầu bằng cảnh đôi vợ chồng Jessie (Carla Gugino) và Gerald (Bruce Greenwood) hào hứng thực hiện chuyến du lịch lãng mạn tại một vùng nông thôn hẻo lánh. Cả hai đều hy vọng tuần lễ riêng tư với những "ý tưởng điên rồ" về chuyện giường chiếu sẽ giúp hâm nóng hiện thực tình cảm đang nguội lạnh sau 11 năm kết hôn. Trong khi Jessie luôn cố gắng tỏ ra quyến rũ, dịu dàng thì Gerald lại muốn thử cảm giác mạnh hơn: anh còng tay vợ vào giường và thuyết phục cô tham gia một vở kịch cưỡng bức. Chuyện trở nên xấu đi khi hai vợ chồng nảy sinh tranh cãi và Gerald đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim do tác động của viên Vigara đã uống trước đó.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 3.

"Gerald’s Game" được đánh giá là tác phẩm "khó làm phim" nhất của King

Hai tay bị còng chặt trên thanh đầu giường, không thể với tới điện thoại cũng chẳng có ai xung quanh để kêu cứu (hàng xóm cách xa nửa dặm còn người giúp việc thì đã được cho nghỉ dài kì), Jessie chỉ còn biết trông chờ vào bản thân để thoát khỏi tình huống ngặt nghèo. Nhưng chuyện nào có đơn giản, không chỉ đối mặt với cảnh tượng bị giam cầm tới chết, bị chó hoang chực chờ ăn thịt, cô còn phải vật vã đối diện với nỗi sợ hãi mà trí óc mình tạo ra trong cơn cùng quẫn. Đó là chưa kể một thực thể đến từ bóng tối với tên gọi "Moonlight Man".

Gerald’s Game là tiểu thuyết tâm lí, hồi hộp xuất bản lần đầu vào năm 1992 và được đánh giá là một trong những tác phẩm "khó chuyển thể" nhất của Stephen King. Lí do là vì phần lớn câu chuyện chỉ diễn ra trong tâm trí của nhân vật chính Jessie. Đạo diễn Mike Flanagan đã kết hợp khéo léo những chi tiết ảo giác vào các hành động thực tế nảy sinh để tạo ra sự biến chuyển nhịp nhàng trong câu chuyện. Qua đó, biến Gerald’s Game thành một bức tranh tâm lí hết sức sống động và hấp dẫn về nỗi sợ hãi lẫn sự ám ảnh.

Phim kinh dị nhưng đậm chất nhân văn về nạn lạm dụng

Gerald’s Game mở đầu bằng một tình huống éo le, tưởng đơn giản nhưng lại có tác dụng đem lại nỗi sợ hiệu quả: một nhân vật bị mắc kẹt trên giường, bị sự cô độc của hiện tại và nỗi ám ảnh của quá khứ ùa về gặm nhấm.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 4.

Phiên bản phim của Netflix giữ đúng tinh thần của Stephen King và là một tác phẩm điện ảnh ấn tượng

Trong cơn mê sảng đầy hoảng loạn, Jessie lại càng tỉnh táo để nhận ra sự thật về người chồng cô hằng yêu thương. Một luật sư đạo mạo, thương vợ nhưng cũng là kẻ bạo lực, luôn ôm lòng căm ghét phụ nữ. Bản thân Jessie cũng biết điều đó nhưng luôn phớt lờ, chấp nhận thỏa hiệp. Phim đi sâu vào tâm lí nhân vật hơn khi dẫn dắt khán giả quay về quá khứ, chứng kiến cơn ác mộng tồi tệ của cô gái nhỏ với chính cha ruột của mình.

Gerald’s Game không chỉ đơn thuần là câu chuyện về cách thoát khỏi chiếc còng xiềng xích hữu hình mà còn là bức tranh tối đen về sự bủa vây của lạm dụng tình dục đối với một con người. Đặc biệt là với trẻ con. Đáng kinh tởm hơn là cái cách mà kẻ làm chuyện đồi bại áp đặt lên con trẻ, khiến chúng cảm thấy mình mới là kẻ có lỗi. Đây cũng là điểm nhấn đáng sợ nhất mà phim đã lột tả thành công.

Tuyệt phẩm tâm lí thầm lặng

Gerald’s Game là tác phẩm thứ hai mà đạo diễn 39 tuổi người Mỹ Mike Flanagan hợp tác làm cùng Netflix sau Hush (2016) - một phim kinh dị tâm lí kể về cuộc đối đầu giữa một cô gái điếc với gã sát nhân muốn trêu chọc con mồi trước khi ra tay. Khác với các đạo diễn khác trong dòng phim kinh dị, Mike đã tự xây dựng cho mình phong cách hù dọa rất riêng: "Những gì không thể nhìn thấy luôn là thứ đáng sợ nhất. Và không có gì ghê sợ hơn là sự im lặng."

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 5.

Đạo diễn Mike Flanagan

Mike luôn tiết chế sử dụng âm thanh hoặc jump-scare (hù dọa bất ngờ). Anh khai thác, tận dụng sự im lặng để đem đến bầu không khí rợn người và đặc biệt chú trọng vào yếu tố tâm lí nhân vật. Một đặc trưng mà anh từng thừa nhận: "Cảnh đáng sợ nhất đến từ khát khao được thấy nhân vật vượt qua những gì mà họ đang đối mặt trong từng phân cảnh. Nếu bạn quan tâm đến nhân vật, bạn sẽ cảm nhận được sự hoảng sợ." Ouija 2, Oculus hay Before I Wake đều tạo được tiếng vang nhờ vào dàn nhân vật được chăm chú, xây dựng tốt.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 6.

Các phim trên đều có nhân vật được xây dựng khá tốt

Vậy nên, khi phong cách làm phim kinh dị tâm lí của Mike Flanagan kết hợp với chất liệu kinh dị tâm lí từ tiểu thuyết của Stephen King cũng giống như "cá gặp nước". Mike giúp khán giả hòa vào nhân vật, cảm nhận nỗi đau của cô và rồi từ đó, cảm thấy sợ hãi cho những gì mà cô đối mặt.

Phim sử dụng nhiều màu sắc đối lập để biểu thị nhiều nỗi sợ khác nhau của nhân vật. Như màu đen cho những cảnh liên quan đến Moonlight Man - nỗi sợ xuất phát từ thực tế. Còn màu đỏ - lại biểu trưng cho ám ảnh của nhân vật khi bi kịch tuổi thơ xảy đến với cô trong một ngày Nguyệt thực bao trùm không gian.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 7.

Phim có nhiều khuôn hình gây ám ảnh về mặt thị giác

Carla Gugino - nữ diễn viên mang nửa dòng máu Ý (Watchmen, Night of the Museum…) tỏa sáng trong vai chính Jessie. Cô đã lột tả tốt tâm lí phức tạp, nhiều xao động của nhân vật trước biến cố. Carla cùng với bạn diễn Bruce Greenwood cũng có nhiều tương tác tốt, khắc họa chân thật hình ảnh hai vợ chồng tưởng hạnh phúc nhưng lại ôm trong mình quá nhiều bí mật.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 8.

Tuy nhiên, có đôi chút đáng tiếc khi Gerald’s Game chọn cách trung thành với tiểu thuyết trong phân đoạn cuối. Việc dịch từng câu từng chữ của Stephen King lên màn ảnh, giải thích về gốc tích của Moonlight Man khiến cho không khí mờ ảo của phim được xây dựng trước đó bị giảm sút, tạo cảm giác hơi hụt hẫng.

Tháng 10 tới, Netflix sẽ tiếp tục phát hành một phim chuyển thể khác của King là 1922. Nhưng với thành công của It và chất lượng tuyệt vời của Gerald’s Game, tương lai của dòng phim làm từ tác phẩm của Stephen King xem ra sẽ rất sáng lạn.

Geralds Game - Phiên bản 50 Sắc Thái ly kì và giật gân - Ảnh 9.

Stephen King cũng lên tiếng khen ngợi phim "rung rợn, mê hoặc và đáng sợ"