Gấu trúc là loài vô dụng nhất thế giới, nhưng tại sao bạn lại thấy chúng rất dễ thương?

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 07:59 28/02/2017

Gần như lý do duy nhất khiến loài người tiếp tục bảo vệ gấu trúc là vì cái vẻ "cute lạc lối" đó.

Từ lâu, loài động vật được xem là "quốc bảo" của Trung Quốc - gấu trúc, đã nổi danh trên toàn thế giới bởi độ... vô dụng đến đáng kinh ngạc.

Quả thực là vậy. Chúng béo ị, lắm mỡ, lười di chuyển, tối ngày chỉ có ăn và ăn. Khả năng thích nghi lại kém so với các loài động vật khác. 

Thế nên, số lượng loài của chúng tụt thảm hại, mãi cho đến gần đây nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà bảo tồn mới khôi phục lại được.

Gấu trúc là loài vô dụng nhất thế giới, nhưng tại sao bạn lại thấy chúng rất dễ thương? - Ảnh 1.

Nhưng vô dụng thì mặc vô dụng, gấu trúc vẫn là loài cực kỳ đáng yêu. Ở tất cả các vườn thú có sự xuất hiện của gấu trúc dù tại Mỹ, Nhật Bản, hay Nga… thì những chú gấu béo ị này luôn là ngôi sao thu hút khách tham quan. 

Cảm xúc của mọi người khi thấy chúng thường là "Chồi ôi, cưng muốn xỉu", "Muốn cắn cho phát", hoặc "Cầu trời ẻm làm gấu của con". Nói chung, dân tình khó tránh khỏi đổ rầm rập bởi cái vẻ ngây ngô mà vô số đứa yêu kia.

Có điều, tại sao con người ta lại thích gấu trúc hơn các loài khác? Có điểm gì ở chúng khiến con người yêu mến vậy chứ?

Tất cả đều có lý do

Theo tiến sĩ Edgar E. Coons, nhà thần kinh học hành vi tại ĐH New York, gấu trúc được xem là động vật đáng yêu nhất bởi lí do đơn giản: hình thể và hành vi của chúng kích hoạt bản năng làm cha mẹ trong con người.

Gấu trúc là loài vô dụng nhất thế giới, nhưng tại sao bạn lại thấy chúng rất dễ thương? - Ảnh 2.

Đôi mắt to có chấm đen bao quanh, mũi tẹt, đầu to tròn, lối đi đứng lạch bạch khiến con người dễ dàng liên tưởng gấu trúc với những em bé mới biết đi.

Dù mắt gấu trúc thực tế không to, nhưng nhờ được "in" quanh bởi hai chấm đen nên ta có cảm giác đôi mắt của chúng to và tròn xoe. 

Mắt to thì đi liền với sự dễ thương, nếu không tin bạn cứ thử nhìn vào ai đó sở hữu mắt "bồ câu" xem.

Mũi tẹt cũng là một trong các dấu hiệu của trẻ thơ, bởi mũi của con người khi mới sinh sẽ thấp, sau mới cao dần lên theo thời gian. Gấu trúc mới sinh mũi tẹt, lớn lên… mũi vẫn tẹt nhưng vô tình lại khiến chúng mang nét "ngây thơ" hơn.

Gấu trúc là loài vô dụng nhất thế giới, nhưng tại sao bạn lại thấy chúng rất dễ thương? - Ảnh 3.

Chiếc đầu to cũng vậy, dù lúc bé hay đã lớn thì khi so tỉ lệ cơ thể, đầu gấu trúc vẫn to hơn so với nhiều động vật khác. Thực ra, mục đích chiếc đầu to không phải để gấu trúc làm nũng với con người, mà để chứa các cơ bắp hàm mạnh mẽ giúp chúng có thể nhai được thức ăn cứng là tre trúc.

Còn dáng đi lạch bạch thì dễ hiểu bởi… chân chúng ngắn, thích nghi cho lối sống leo trèo trên đồi núi và di chuyển chậm của gấu trúc.

Tất cả những đặc điểm kể trên do quá trình tiến hóa đã ngẫu nhiên kết hợp lại trên cùng một cơ thể, từ đó tạo nên loài vật gây "đốn tim" nhất quả đất.

Gấu trúc là loài vô dụng nhất thế giới, nhưng tại sao bạn lại thấy chúng rất dễ thương? - Ảnh 4.

Cõng ‘cục bông" đi khắp thế gian!

Nguồn: New York Times