Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án "sách sống" đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/09/2017

Những người mang H, nghiện ma túy, hành nghề mại dâm, người LGBT hay bị trầm cảm, khuyết tật... đều trở thành những "cuốn sách sống" để người khác đọc hiểu. Trải nghiệm này không chỉ giúp độc giả được lắng nghe mà còn giúp các "đầu sách" có cơ hội được mở lòng với cộng đồng.

Cuộc đời trải mấy chục năm, đi qua nhiều khó khăn, thăng trầm của mỗi người luôn xứng đáng là cuốn sách sống đầy thú vị. Và những người mang H, LGBT, từng nghiện ma túy, bị trầm cảm hay hành nghề mại dâm... đều xứng đáng để bạn ngồi lại, dành thời gian đọc - hiểu về họ. 

Việc chia sẻ nỗi lòng với người bị cộng đồng kỳ thị là cách cứu giúp tuyệt vời khiến họ có thể thay đổi cuộc sống và trở lại hòa nhập với mọi người. Điều tử tế duy nhất mà bạn cần làm là lắng nghe chân thành và không phán xét. Họ sẽ chia sẻ câu chuyện đời họ, những trang sách u tối không một ai muốn trải qua. Nó không chỉ giúp bạn có thêm tri thức mới mà nó còn giúp chính họ - những đầu sách, lật giở cuộc đời mình sang một chương mới.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 1.

Mỗi người, với thành công hay thất bại của mình, đều xứng đáng là một cuốn sách sống để bạn khám phá, tìm hiểu.

Dự án đọc - hiểu những đầu sách sống yếu thế đầu tiên ở Việt Nam

Dự án đọc sách về con người ra đời năm 2000 do Ronni Abergel, Dany Abergel, Christoffer Erichsen và Asma Mouna (Copenhagen, Đan Mạch) sáng lập với tên gọi The Human Library. 

Đến nay, nó đã có mặt trên 70 quốc gia ở các vùng lãnh thổ khác nhau như Mỹ, Đài Loan, Singarpore, Anh, Pháp... và mùa hè năm 2016, lần đầu tiên, dưới sự khởi xướng của Lê Anh Thư (du học sinh năm 3, ĐH Oberlin, Hoa Kỳ) cùng các thành viên khác trong BTC, dự án này đã về đến Việt Nam với tên gọi Human Library Vietnam.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 2.

Thư là cựu học sinh chuyên Anh ở trường THPT Amsterdam, hiện đang du học ở Mỹ.

Năm đầu tiên du học lớp 11 ở Mỹ, Thư rơi vào trầm cảm vì bị cô lập, bạn bè chế giễu. Chấp nhận căn bệnh này như một phần trong cuộc sống của mình, song Thư không cho phép bản thân được gục ngã, trở nên vô dụng. Một lần nhìn thấy thông tin về dự án Human Library ở trường, Thư đã tham gia thư viện sách sống ở một trường đại học lân cận trong 2 năm học. Trải nghiệm này đã giúp cô thay đổi cuộc sống, đầu tiên là thay đổi cách nhìn nhận, tiếp cận tất cả mọi vấn đề.

Cũng từ đây, cô đặt cho mình quyết tâm mang dự án ý nghĩa này về Việt Nam. Thư viện sách sống mà Human Library hướng tới là những con người yếu thế, khuyết tật cả về thể chất lẫn tâm hồn, bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh hoặc nhìn nhận với thái độ thờ ơ, ít quan tâm. Mỗi người đều có những trang sách "tối", khó lòng chia sẻ cùng ai. Nó ở lại với họ, trở thành một vết thương lòng, ngăn cách họ sống thật là chính mình.

Và, lần đầu tiên khi đến với dự án của Thư, họ có cơ hội được chia sẻ, giãi bày. Tất cả đầu sách đều là người thật, họ kể câu chuyện của đời mình còn người đọc là những người lắng nghe. Độc giả có thể trao đổi trực tiếp với đầu sách để thấu hiểu và có cái nhìn bình đẳng với những người khác biệt trong xã hội.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 3.

Mùa đọc sách đầu tiên năm 2016, dự án của Thư thu hút hàng nghìn người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ.

Mỗi độc giả sẽ phải đăng ký trước đầu sách mà họ muốn đọc. Họ chỉ nghe kể câu chuyện mà không hỏi hay đề cập đến danh tính, quê quán của đầu sách, không ghi âm, quay phim, chụp ảnh. Mỗi lượt đọc, một độc giả chỉ có thể đọc một đầu sách, khi muốn đọc đầu sách khác, họ buộc phải quay lại đăng ký với BTC.

Đồng cảm được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu trong buổi đọc sách. Các đầu sách sống có quyền từ chối trả lời các câu hỏi khiếm nhã, khai thác quá kỹ về đời tư hoặc bỏ qua những người đọc với tâm lý hiếu kỳ, phán xét. Họ cũng tranh thủ đọc sách sống để khám phá nhau và thấu hiểu những tâm tư, suy nghĩ của nhau.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 4.

Chính các đầu sách khi rảnh rỗi cũng tham gia tìm hiểu, khám phá lẫn nhau.

Mục đích của việc làm này nhằm xoá bỏ định kiến và nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội tại Việt Nam. The Human Library muốn tạo ra một không gian trao đổi cởi mở, không kỳ thị, không định kiến để những nhóm người yếu thế có cơ hội được lên tiếng, được lắng nghe, chia sẻ.

Thay đổi cuộc đời khi đứng ra làm một đầu sách sống

Nghe giới thiệu về dự án, nhiều người nói rằng, một buổi chia sẻ... làm sao có thể giúp thay đổi một đời người. Chẳng lẽ khi kể ra hết tâm tư, nguyện vọng, bỗng dưng cuộc sống của những người mắc bệnh cuồng dâm, khuyết tật, mang H... sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đó có chăng chỉ là giúp cho độc giả mở mang hơn hoặc đơn giản là thỏa mãn tính hiếu kỳ của nhiều người. Nhưng phải tham gia buổi đọc sách với đúng tinh thần của nó, bạn mới thấy việc chia sẻ có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với nhóm người yếu thế.

"Tôi có dõi theo một số đầu sách cùng lứa tuổi, và nhận thấy rằng trải nghiệm này đã giúp họ thoải mái thể hiện bản sắc cá nhân mà không cần e ngại. Các đầu sách nhiều lần nói với tôi rằng, Human Library là một trải nghiệm của sự dũng cảm, tình yêu thương và lòng hi vọng", Thư chia sẻ. Bản thân cô cũng từng mắc chứng trầm cảm và việc tham gia làm đầu sách đã giúp Thư rất nhiều trong việc hàn gắn lại vết thương tâm lý.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 5.

Mùa đọc sách 2016, Thư cũng tham gia và trở thành đầu sách về bệnh trầm cảm.

Có một kỉ niệm mà Thư nhớ nhất, đó là một đầu sách hành nghề mại dâm. Chị lấy chồng sớm, bị bạo hành nên phải trốn đi nhưng không may gặp phải nạn buôn người, bị bán sang Trung Quốc tới 2 lần. Chạy thoát về Việt Nam, chị lấy chồng mới nhưng tiếp tục bị đánh đập, đay nghiến tinh thần. Người đàn ông ấy ép chị phải làm gái mại dâm. Tủi nhục nhưng chị vẫn cam chịu vì còn một đứa con.

"Nguyện ước của chị ấy đơn giản là chỉ cần có 1 triệu đồng, chị sẽ bỏ nghề để mở quán nước kiếm sống. Tôi thấy rằng chúng ta mang trong mình những định kiến nhưng chưa hiểu nội tình hoặc chưa một lần lắng nghe họ nói trong khi định kiến đó gây đau khổ cho họ hằng ngày. Sau khi tham gia làm đầu sách, chúng tôi đã quyên góp giúp chị 3 triệu đồng và giờ đây, chị đã không còn làm nghề cũ nữa".

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 6.

Thư cũng cho rằng, nếu bản thân các đầu sách nhận thấy rằng việc được lắng nghe trong sự tôn trọng và chuyện dũng cảm kể lại câu chuyện của mình là một chiến công, giúp họ sống tự tin hơn, thì tất cả sự phán xét của những người đứng bên ngoài đều là vô nghĩa.

Ngoài những câu chuyện khiến mọi người trực trào nước mắt, mùa đọc sách 2016 cũng từng có rất nhiều đầu sách gây tranh cãi như cuồng dâm hay mại dâm nam. Ít ai ngờ, một người phụ nữ 35 tuổi, xinh đẹp, dịu dàng lại có quan hệ tình dục mở với nhiều người. Hay khi ngồi ở bàn mại dâm nam lại là một thanh niên trẻ, mới chừng 18 tuổi, vui tính và có công việc ổn định, thu nhập 20 triệu đồng một tháng. Cậu bán dâm không vì tiền mà vì thích sex và khá yêu nghề này.

Dù là câu chuyện cảm động hay gây tranh cãi, đến với ngày đọc sách, các đầu sách sống đều được cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu chân thành. Những câu chuyện của họ đều rất thực tế và dưới cái nhìn đồng cảm, nó đều trở nên nhân văn, đáng suy ngẫm hơn.

Gặp cô gái phía sau Human Library Vietnam - Dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng - Ảnh 7.

Bàn đăng ký đọc sách.

Để tổ chức một buổi đọc sách thành công, điều quan trọng nhất là phải thuyết phục được các đầu sách - những người yếu thế vốn luôn tự ti, ít dám chia sẻ thật tâm sự của mình bước ra làm một cuốn sách sống để người khác đọc hiểu. Và người thuyết phục họ, không ai khác chính là Lê Anh Thư. Cô tiếp cận tất cả các trường hợp bằng một thái độ chân thành, không thương hại, không phán xét. Như trường hợp của đầu sách hành nghề mại dâm vừa nêu, Thư phải trò chuyện với chị trong một khoảng thời gian rất dài để 2 bên có thể hiểu và tin tưởng lẫn nhau.

"Đối với nhiều đầu sách, câu chuyện mà họ kể là những kỉ niệm buồn, thậm chí đau đớn, khiến họ không muốn nhớ lại. Vì thế, tham gia buổi đọc sách, với chính họ cũng là một thử thách để tìm kiếm cơ hội chữa lành vết thương lòng".

Sau thành công của mùa đọc sách đầu tiên, hiện tại, Thư và BTC đang tiến hành xây dựng nội dung cho chuỗi sự kiện và ngày đọc sách dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm sau tại TP HCM.

"Xa hơn, Thư muốn mang Human Library này đến nhiều tỉnh thành hơn nữa trên khắp đất nước để mỗi cá nhân, mỗi câu chuyện có tính nhân văn đều được lắng nghe. Thư cũng muốn cùng mọi người trong BTC, giới thiệu với cộng đồng nhiều mô hình mới mẻ, có tính đột phá hơn nữa nhằm thử thách và định nghĩa lại những gì chúng ta đã và chưa biết đến", Thư chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày