Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: "Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện"

Minh Nhân - Ảnh: Việt Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/01/2019

John là một trans guy (người chuyển giới nam) nên anh hiểu những nỗi lo sợ, sự e ngại mà các bạn trong cộng đồng LGBT gặp phải mỗi lần tới bệnh viện thăm khám sức khỏe. Việc sáng lập ra Khoa tạo hình LGBT là cách anh thúc đẩy bình đẳng và hạn chế những mất mát không đáng có đối với họ.

Trần Bích Châu, 29 tuổi, một trans guy trong cộng đồng LGBT và được bạn bè trong giới biết đến qua cái tên Johnny Chen. John là founder của Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT, thuộc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hồng Hà. Mỗi ngày, John thực hiện 15 ca phẫu thuật, trong số đó có cả bệnh nhân là người đồng tính, song tính và chuyển giới.

John tốt nghiệp ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Trước đó, anh là thực tập sinh khi còn ở ghế nhà trường ở Bệnh viện 115. Sau tốt nghiệp, John làm việc tại FV Hospital và Victory My My. John học chuyên sâu về thạc sỹ quản trị hệ thống bệnh viện. Và chức năng chính của anh trong 3 năm gần đây là quản trị hệ thống y tế và phụ trách điều phối vận hành dịch vụ y tế tại BV Đa khoa Hồng Hà. Thầy giáo của John, cũng làm việc tại Bệnh viện Hồng Hà, đã ủng hộ anh thành lập nên Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT.

Nhiều người trong cộng đồng LGBT muốn thay đổi ngoại hình để sống thật với giới tính của mình. Tuy nhiên, họ không có đủ điều kiện sang Thái Lan để phẫu thuật. Một số ít tìm cách mua hormone bán tràn lan trên mạn để tự tiêm. Số khác tự nâng ngực bằng silicon, nhưng không ngờ lại gặp biến chứng khủng khiếp. Trước những sự cố, họ đều ngại tới bệnh viện thăm khám.

Theo lời John, việc anh thành lập Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT, là cách để giúp chính mình và những người bạn trong cùng cộng đồng.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 1.

Johnny Chen, founder của Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hồng Hà.

"Mình học ngành Y, nên hễ nhà bạn gái có ai bị ốm là mình hỗ trợ được"

Chào John, anh bắt đầu nhận thấy sự khác biệt của bản thân mình năm bao nhiêu tuổi?

Đó là năm lớp 6, mình nhận ra xu hướng tính dục thật của bản thân. Hết năm 12, mình bắt đầu come out với gia đình. Bản thân mình là người khá mãnh liệt và đam mê. Điều gì mong muốn, bằng tất cả động lực, mình phải hoàn thành bằng được. Bởi thế, mình đặt quyết tâm từ lớp 6 tới lớp 12 phải học thật giỏi. Mọi người như nào mình phải được như thế, thậm chí là hơn thế!

Ban đầu, bố mẹ không nói gì hết nhưng mình biết họ đang suy nghĩ về vấn đề này, vì mình là con gái duy nhất của gia đình. Mẹ có tâm sự riêng. Bà nói: "Mẹ không thích như thế".

Khi ấy, mình đáp: "Không phải là mẹ thích hay mẹ không thích, nhưng đây mới là giới tính thật của con. Con sẽ cố không để bố mẹ buồn lòng". Kể từ đó, học tập, sự nghiệp, mọi thứ tốt đẹp, mình đều cố gắng thể hiện một cách tốt nhất.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 2.

Phải chăng đây cũng là một cách để các bạn khác noi theo, rằng trước quyết định come out phải cố gắng thể hiện chính mình?

Mình nghĩ là vậy. Còn nhớ giai đoạn đầu, bố mẹ mình rất sốc. Nhưng họ cảm thấy con làm việc và sống hòa nhập được. May mắn thay, những nơi mình làm việc đều chấp nhận giới tính của mình. Mình không gặp khó khăn gì cả. Cả việc mình come out với gia đình bạn gái cũng được chấp nhận hết. May một điều nữa là mình học ngành Y, bất kể nhà bạn gái hễ ai bị ốm, mình hỗ trợ được. Từ từ mọi người xem mình là một thành viên trong gia đình.

Có phải với những ai giỏi giang như John, khi come out đều sẽ may mắn và không bị kì thị?

Mình nghĩ mỗi con người đều có nét riêng, không thể nói ai không có tài năng gì cả. Các bạn phải mạnh dạn, không phải giấu mình đi, mà ngược lại phải thể hiện, rằng: "Mình là một người trong cộng đồng LGBT và mình cũng sẽ như người bình thường. Mình cũng sống tốt và giúp ích cho xã hội, mình chả làm gì sai cả?".

Hình ảnh đời thường của giám đốc trẻ Johnny Chen. Ảnh: FBNV

Thời điểm này so với 10 năm trước, cách nhìn của xã hội có phần thoáng hơn. Khi bọn mình giương lá cờ lục sắc lên bầu trời, người ta dần nhận ra đó là cộng đồng LGBT. Họ học cách chấp nhận. Nếu không chấp nhận, họ cũng sẽ không nói như ngày xưa, để tránh gây sự tổn thương. Họ xem sự im lặng của mình là 1 cách chấp nhận.

Mọi thứ cần có là thời gian để mọi người xung quanh biết rõ con người mình. Lúc đó, họ sẽ ngưng chỉ trích và quay sang cảm thông với những khó khăn mà cộng đồng phải đối mặt. Bất kể giới nào cũng có người xấu và người tốt, cái thiện và cái ác. Dù gì đi chăng nữa, LGBT vẫn là 1 con người, thuộc xã hội này và vẫn mang lại những giá trị cho cuộc sống.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 4.

Tự tiêm hormone không rõ nguồn gốc, có khả năng sốc phản vệ dẫn đến tử vong

Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT được anh ấp ủ và thực hiện trong thời gian bao lâu?

Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT được thành lập gần một tháng nay và đã phẫu thuật cho 5, 6 bạn. Có bạn thậm chí đã ra nước ngoài học tập và sinh sống.

Cộng đồng của mình khi đến khám tại các bệnh viện thường rất e ngại. Các bạn không được đón tiếp theo tên gọi mà các bạn ấy mong muốn. Mình cũng là người trong giới, mình hiểu được nỗi lo, sự không thoải mái khi đi khám và chăm sóc sức khoẻ. Mình thành lập Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT với mong muốn tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Trước hết là tạo hình. Thường các bạn có điều kiện sẽ sang Thái Lan chuyển giới với chi phí đắt đỏ. Còn những ai không có tiền, thu nhập tầm trung hoặc thấp, Khoa của mình sẽ phục vụ họ. Bọn mình tư vấn các phác đồ về điều trị hormone nội tiết tố. Bệnh viện của mình là bệnh viện Đa khoa, có cả khoa Nội nơi các bác sĩ có thể tư vấn rất rõ phác đồ điều trị. Với cả, nhiều bạn tiêm hormone gần như là tự phát và theo kinh nghiệm. Kiểu như, "À bạn này tiêm như thế này, bạn kia cũng sẽ theo như thế mà tiêm". Nhưng trên nguyên tắc y tế về đảm bảo an toàn sức khoẻ, để dùng phác đồ hormone, họ cần phải biết tới chức năng gan, chức năng thận, nồng độ nội tiết tố hiện tại trong cơ thể.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 5.

Lá cờ lục sắc, biểu tượng của cộng đồng LGBT được gắn bên ngoài Khoa.

Tại Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT, mình sẽ phẫu thuật theo thông tư của Bộ y tế. Ở Việt Nam hiện vẫn chưa cho phép phẫu thuật phần phụ ở phía dưới, thì mình sẽ giúp các bạn hoàn thiện phần nào vẻ bề ngoài, như vùng ngực, vùng mặt, vùng mũi, vùng mắt.

Ở các giới LGBT đều có những tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn như các bạn chuyển giới nữ thích theo phong cách Tiffany, các bạn chuyển giới nam thì thích phong cách transmen. Mình dùng tiêu chuẩn mỗi giới tư vấn riêng cho từng bệnh nhân. Không phải đối với bạn này mình làm y chang như thế mới đẹp, mà từng phương pháp sẽ phù hợp với cơ địa từng người và đem lại kết quả mong muốn cao nhất.

Đâu là những "đặc ân" các bạn LGBT sẽ được tiếp cận khi đến khám tại Khoa?

Mình được biết trong TPHCM có Bệnh viện Bình dân đã xây dựng phòng khám riêng cho LGBT. Khoa của mình là đơn vị thứ 2, đẩy mạnh đầu tư hệ thống chú trọng thay đổi hàm mặt, hệ thống cận lâm sàng hơn 20 tỷ đồng.

Các nhân viên được đào tạo về cách đón tiếp các bạn trong giới LGBT, cách khai thác về giới tính. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ không phải ngồi tại khu tiếp đón chung, mà được mời thẳng lên Khoa. Mình tin với việc làm này, các bạn sẽ bớt đi mặc cảm tự ti hay e ngại.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 6.

Nhà vệ sinh cũng được đính kèm lá cờ lục sắc, tạo sự thân quen đối với bệnh nhân LGBT.

Sứ mệnh cao cả nhất mà Khoa tạo hình phẫu thuật LGBT hứa hẹn đem đến cho các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới?

Các bạn trong LGBT của mình luôn luôn khó khăn về vấn đề kinh tế. Mình biết các bạn có đến phẫu thuật ở những cơ sở "chui" mà thậm chí còn không biết người trực tiếp cầm dao có phải là bác sĩ hay không. Họ chỉ cần biết chỗ đó có đề 2 từ "phẫu thuật" là tìm tới. Mình hy vọng cộng đồng có thể chủ động tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng trong không gian riêng tư, kín đáo với sự thấu hiểu, chia sẻ tích cực từ nhân viên y tế.

Theo mình được biết, nhiều bạn LGBT hiện sử dụng thuốc nội tiết tố không ổn định, không rõ nguồn gốc. Điều này có khả năng gây biến chứng, và thậm chí là sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Tới thăm khám tại bệnh viện, bọn mình có cách xử trí về nguồn thuốc cũng như vấn đề sốc phản vệ.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 7.

Phòng phẫu thuật chung tại bệnh viện, nơi cũng được ưu tiên dành để phẫu thuật cho các bạn LGBT.

Chắc hẳn các bệnh nhân tới thăm khám, dù nhiều dù ít, đều mang trong mình chút mặc cảm và e ngại nhất định?

Điều này là hoàn toàn có.

Trước khi thăm khám, mình muốn lắng nghe câu chuyện của các bạn nhiều hơn. Nếu các bạn chia sẻ, mình gần như sẽ hỏi han, đại loại như, "Các bạn đang làm gì?", "Các bạn đang gặp phải vấn đề gì?". Mình luôn chia sẻ với các bạn và hiểu rằng, các bạn đang e dè việc come out với gia đình.

Nếu đã khát khao sống thật với xu hướng tính dục của mình, họ cần thời gian tối thiểu 1-2 năm. Mình sẽ cho họ thử một bài test về tâm lý, để chắc chắn rằng mong muốn được chuyển giới hay chưa. Bởi đây không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là liệu trình đi theo các bạn cả đời.

Gặp giám đốc trẻ sáng lập khoa tạo hình LGBT đầu tiên tại Hà Nội: Là người chuyển giới, mình hiểu được nỗi lo của cộng đồng khi đến bệnh viện - Ảnh 8.

Cảm ơn John về buổi trò chuyện thú vị ngày hôm nay!